Cảnh sát Trung Quốc thuê 4 chuyên cơ đưa 254 tội phạm lừa đảo về nước trị tội

Thứ Ba, 17/11/2015, 09:02
Chiều 9/11, dưới sự điều hành thống nhất của Bộ Công an Trung Quốc, 282 cảnh sát đã được huy động theo 4 chuyên cơ được thuê để dẫn giải 254 tội phạm bị bắt từ Campuchia và Indonesia trong chuyên án trừng trị tập đoàn lừa đảo thông qua điện thoại quốc tế về nước trị tội.

Điểm đến của 4 chuyến chuyên cơ này là các sân bay Bắc Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu và Quảng Châu. Đến trưa 10/11, chiến dịch kết thúc tốt đẹp, các chuyến bay hạ cánh an toàn, tất cả 254 tội phạm đều được dẫn giải về các trại giam thuận lợi.

Ngày 30/10/2015, theo chỉ đạo của Quốc vụ viện, Bộ trưởng Công an Trung Quốc Quách Thanh Côn đã chủ trì hội nghị liên tịch qua truyền hình gồm 23 đầu mối thuộc các bộ, ngành Công an, Công nghiệp và Tin học, Ngân hàng, Ủy ban giám sát ngân hàng, Tòa án, Viện Kiểm sát… để bố trí hành động dẹp bỏ hoạt động phạm tội lừa đảo qua điện thoại kéo dài nửa năm, bắt đầu từ ngày 1/11.

Gần đây, hoạt động phạm tội lừa đảo qua điện thoại ở Trung Quốc diễn ra rất gay gắt và có xu hướng ngày càng gia tăng. Chỉ riêng năm 2014, cơ quan Công an cả nước đã phá hơn 60 ngàn vụ, dẹp bỏ hơn 3.100 băng nhóm, bắt hơn 20 ngàn tội phạm.

Ở Thượng Hải, chỉ trong tháng 7/2015, Công an và các cơ quan hữu quan đã phát hiện hơn 45 ngàn cuộc điện thoại lừa đảo gọi từ Indonesia về, có 453 người đã mắc lừa. Từ tháng 1 đến tháng 9, Công an Thượng Hải đã phá 3.922 vụ lừa đảo qua điện thoại, tăng 57,4% so với cùng kỳ năm ngoái, truy thu và phong tỏa số tiền tang vật 30,35 triệu nhân dân tệ (NDT), tăng 53,5%.

Các đối tượng lừa đảo bị dẫn giải về đến sân bay Thượng Hải.

Được biết, 254 tên được dẫn giải về đợt này đã tiến hành hơn 4.000 vụ lừa đảo liên quan đến nạn nhân ở hơn 20 tỉnh, thành và đặc khu hành chính Hongkong. Bước đầu đã xác định kẻ chủ mưu cầm đầu tập đoàn này là người Đài Loan. Bọn này lập các căn cứ ở một số nước Đông Nam Á như Campuchia, Indonesia, tuyển chọn người ở Đại Lục và Đài Loan rồi đưa ra nước ngoài, lợi dụng các thông tin trên mạng để gọi điện thoại lừa đảo chiếm đoạt tiền của các cá nhân ở Trung Quốc và Hongkong.

Riêng ở Indonesia chúng đã lập ra hơn 10 ổ nhóm liên tục gọi điện về các cá nhân ở khu vực Hongkong, tự xưng là người của Văn phòng liên lạc chính phủ Trung Quốc ở Hongkong và quan chức Đại Lục để lừa đảo hàng ngàn vụ với tổng số tiền lên tới 175 triệu đô la Hongkong.

Từ tháng 6-2015, Quốc vụ viện đã giao Bộ Công an chủ trì 23 bộ, ngành, đơn vị triển khai phối hợp để "thanh tảo" hoạt động phạm tội công nghệ cao này. Qua công tác trinh sát, điều tra đã phát hiện một tập đoàn tội phạm xuyên quốc gia lớn tiến hành hoạt động lừa đảo từ nước ngoài.

Ngày 9/10, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an Trung Quốc cử Tổ công tác của Công an Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Đông phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc tại Indonesia phá 8 ổ nhóm, bắt 224 kẻ lừa đảo, trong đó có 138 người Đài Loan và 86 người Đại Lục ở Indonesia. Tại đây, bọn tội phạm tổ chức thuê nhà, canh gác nghiêm ngặt, mua sắm phương tiện rồi đưa người sang thực hiện hành vi lừa đảo.

Cảnh sát Indonesia bàn giao tội phạm cho phía Trung Quốc.

Theo lời khai của những kẻ bị bắt, chúng được thuê đưa từ Đại Lục và Đài Loan sang, bị giam lỏng trong nhà, làm việc từ 8h sáng đến 5h chiều với mức lương 10 ngàn NDT/tháng, với yêu cầu mỗi người phải lừa thành công 150 đối tượng/tháng, nếu mấy ngày liền không lừa được ai là bị đuổi ngay. Chúng thậm chí còn giả danh cả Phân cục Công an Tùng Giang, Thượng Hải và Thông Châu, Bắc Kinh để lừa các nạn nhân.

Cùng thời gian này, Công an Quảng Đông cũng bắt 39 kẻ lừa đảo điện thoại từ Indonesia, Philippines về nước, phá hơn 3.000 vụ lừa đảo điện thoại ở khu vực Hongkong và Đại Lục.

Ngày 31/10, Tổ công tác được Bộ Công an cử sang Campuchia phối hợp với cảnh sát nước này phá 3 ổ nhóm, bắt 168 tên, thu giữ nhiều máy tính, điện thoại, thẻ ngân hàng… Bọn này đã thực hiện mấy trăm vụ lừa đảo.

Cục Cảnh sát hình sự Trung Quốc cho biết, thủ đoạn phổ biến của bọn này là mua thông tin về khách hàng của các trung tâm thương mại, siêu thị lớn trong nước hoặc Hongkong, mạo xưng là nhân viên các nơi đó gọi điện cho các con mồi bịa chuyện nhân viên thao tác sai sót nên dẫn đến việc tài khoản của khách hàng bị tự động trừ một khoản tiền hằng tháng, lừa lấy thông tin về thẻ ngân hàng của khách; tiếp đó xưng là người của ngân hàng để dụ dỗ, lừa cho khách hàng tiết lộ thông tin và mật mã thẻ, sau đó dùng phương thức chuyển khoản để rút tiền trong tài khoản của họ. Theo dự kiến, chiến dịch "thanh tảo" này sẽ kéo dài trong 6 tháng.

Thu Thủy (tổng hợp)
.
.
.