Cảnh sát Ấn Độ: Giải cứu hàng trăm nô lệ trẻ em

Thứ Năm, 12/02/2015, 09:45
Cảnh sát Ấn Độ vừa giải cứu hàng trăm nô lệ trẻ em sau khi tiến hành một loạt cuộc đột kích vào trung tâm thành phố Hyderabad trong những ngày gần đây.
Em nhỏ nhất mới chỉ 6 tuổi

Cảnh sát đã phát hiện 120 trẻ em, trong đó nhiều em bị ốm, suy dinh dưỡng và có các vết thương trên cơ thể trong cuộc đột kích vào một xưởng làm vòng đeo tay cũng như các mặt hàng thủ công khác tại thành phố Hyderabad. Cuộc đột kích vào xưởng này chỉ là một phần trong chiến dịch triệt phá tình trạng nô lệ trẻ em trên toàn thành phố. Trong số các nô lệ trẻ em được giải cứu, em nhỏ nhất mới chỉ 6 tuổi.

“Nhiều em mắc các bệnh mãn tính ngoài da và bị bỏ đói. Các em cũng phải chịu nhiều chấn thương về thể chất cũng như về tâm lý" - ông V Satyanarayana, Phó ủy viên cảnh sát của thành phố Hyderabad cho hay.

Các bé bị buộc phải làm việc 16 tiếng/ngày và bị đe dọa đánh đập, hoặc bỏ đói nếu dám phản kháng - cảnh sát Hyderabad cho hay.

"Các nô lệ trẻ em phải làm việc trong các xưởng có điều kiện vật chất tồi tàn, chật chội, kín mít đến mức không có lấy một cửa thông gió và tiếp xúc với các loại khí vô cùng độc hại. Chiến dịch trấn áp tình trạng nô lệ trẻ em cũng như buôn bán trẻ em sẽ được tiếp tục" - ông Satyanarayana khẳng định.

Trong khi đó, theo các nhân viên bảo trợ xã hội, nhiều nô lệ trẻ em đến từ bang Bihar nghèo khổ ở phía Bắc Ấn Độ năm ngoái. Vì cuộc sống quá túng quẫn, cha mẹ của các em phải bán con cho những kẻ buôn người với giá từ 5.000 rupee đến 10.000 rupee (tương đương 80 USD đến 160 USD). Cảnh sát Ấn Độ đã khởi động chiến dịch quy mô nhằm triệt phá hàng chục xưởng sản xuất bị cáo buộc lạm dụng lao động trẻ em nằm khuất trong các con hẻm nhỏ của thành phố Hyderabad.

Trẻ em bị bóc lột sức lao động ở Ấn Độ.

Hồi mới đây, khoảng 220 nô lệ trẻ em đã được giải cứu. 31 người liên quan đã bị bắt giữ và bị cáo buộc sử dụng nô lệ trẻ em. Hiện cảnh sát đang nỗ lực trả các nạn nhân về với gia đình của họ.

Theo ước tính từ cảnh sát, mỗi giờ có 11 trẻ em Ấn Độ bị thông báo mất tích và 40% trong số này không được tìm thấy. Nhiều trẻ em bị các băng nhóm buôn người bắt cóc, ép làm gái mại dâm hoặc trở thành nô lệ trong các xưởng sản xuất. Vấn nạn nô lệ trẻ em phức tạp nhất tại các thành phố lớn của Ấn Độ như Delhi, Kolkata và Mumbai.

Đau đầu vì lao động trẻ em tại hầm mỏ

Sau khi leo xuống một chiếc thang tre cao khoảng 21m vào hầm thì những đứa trẻ lại tiếp tục chui vào một hố đen sâu hơn 0,5m và bò qua 100m bùn lầy trước khi bắt đầu một ngày làm việc tại một hầm mỏ ở bang Meghalaya - Ấn Độ.

Theo báo The New York Times (Mỹ), những đứa trẻ ở hầm mỏ này chỉ mặc chiếc áo thun phong phanh, mang ủng cao su ngắn nhưng hầu như không đội mũ bảo hộ. Các em dùng chiếc giẻ rách để cột cố định chiếc đèn pin trên đầu và tận dụng những miếng vải để nhét vào tai. Các lao động trẻ em tại đây phải đối mặt với tử thần cả ngày.

Một trong những đứa trẻ làm việc ở đó là Suresh Thapa, 17 tuổi. Suresh nói rằng, em đã làm việc trong các mỏ gần túp lều của gia đình từ khi còn nhỏ. Bà Mina Thapa, mẹ của Suresh, cho biết, 3 đứa em của Suresh đang đi học tại một ngôi trường gần nhà nhưng cũng sẽ đến hầm mỏ làm việc khi nào chúng muốn. Bà nói: "Nếu chúng không làm việc này thì cũng không còn việc khác để làm".

Suresh Thapa chỉ là 1 trong số 70.000 trẻ em mà tổ chức phi chính phủ Impulse ước tính đang làm việc tại 5.000 mỏ than ở bang Meghalaya. Dù vậy, ông Bindo M. Lanong, Phó Thủ hiến bang Meghalaya cho rằng không hề có lao động trẻ em ở bang Meghalaya và các mỏ than ở đây tuân thủ đúng quy định an toàn của chính phủ.

Luật không hiệu quả

Năm 1952, Ấn Độ đã ban hành luật cấm người dưới 18 tuổi lao động tại các hầm mỏ nhưng việc thực thi không phải dễ. Một đạo luật mới có hiệu lực ở Ấn Độ năm 2010, trong đó quy định trẻ em từ 6 đến 14 tuổi phải đến trường thay vì làm việc bên ngoài. Tuy nhiên, theo một khảo sát được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tiến hành trước đó không lâu, có đến 28 triệu trẻ em Ấn Độ ở độ tuổi trên đang làm việc ở những cửa hàng, nhà bếp, nông trại, nhà máy, công trình xây dựng và thậm chí là hầm mỏ.

Vì thế, trong những ngày sắp tới, quốc hội Ấn Độ có thể sẽ phải tìm ra một điều luật mới để cấm hoàn toàn lao động trẻ em. Dù vậy, những nhà hoạt động cho rằng, không có cách nào để giải quyết triệt để được vấn đề nan giải nói trên. Ông Vandhana Kandhari, chuyên gia về bảo vệ trẻ em của UNICEF cho biết: "Có rất nhiều điều luật tích cực liên quan đến trẻ em được đặt ra tại Ấn Độ nhưng việc thực thi hiệu quả hay không mới là vấn đề".

Tuy luật do chính phủ ban hành nhưng việc thực thi lại được giao cho chính quyền các bang. Cảnh sát tại những khu vực có hầm mỏ thường nhận hối lộ từ giới chủ như một nguồn thu nhập thêm. Shantha Sinha, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về bảo vệ quyền trẻ em, nói: "Những người có quyền lực và thẩm quyền ở bang Meghalaya vẫn cho phép lao động trẻ em diễn ra. Điều này rất phổ biến tại Ấn Độ".

Lai Nguyễn (tổng hợp)
.
.
.