Cảnh sát Australia và niềm tin trong hợp tác với Cảnh sát Việt Nam

Thứ Ba, 24/02/2015, 09:30
Cảnh sát Liên bang Australia (AFP) chính thức được thành lập năm 1979 trên cơ sở sáp nhập ba cơ quan hành pháp thuộc khối liên hiệp Anh tại Australia. Theo luật liên bang, AFP nằm dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đứng đầu AFP là Tổng thanh tra cảnh sát. AFP có mạng lưới sỹ quan liên lạc với nhiều tổ chức quốc tế, các quốc gia và vùng lãnh thổ với 33 văn phòng liên lạc ở ngoài nước. AFP có quân số khoảng 6.500 người.

Trong đó, các đặc vụ liên bang là những sỹ quan cảnh sát có nhiều thực quyền và chế độ ưu tiên nhất, được bố trí công tác tại các văn phòng thường trực tại các địa phương trên toàn quốc và chủ yếu chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều phối công tác điều tra tội phạm. AFP trực tiếp chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực thủ đô, còn tại các bang trách nhiệm đó thuộc về cảnh sát bang và cảnh sát địa phương. AFP còn tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình của Australia tại một số nước và khu vực trên thế giới.

Với chính sách đãi ngộ tốt về lương và phúc lợi xã hội, Cảnh sát Australia thu hút được những nhân sự chất lượng cao. Tỷ lệ thi tuyển vào lực lượng cảnh sát luôn đứng đầu so với các ngành nghề khác nên việc đứng trong hàng ngũ cảnh sát được người dân coi là một vinh dự lớn.

Cảnh sát Australia không phân biệt giới tính trong việc tuyển nhân sự, miễn là người được dự tuyển phải đảm bảo các yêu cầu về lý lịch, thể lực và khả năng chuyên môn cần thiết. Khi trúng tuyển, người đó sẽ được đào tạo nghiệp vụ và pháp luật ngắn hạn tại các cơ sở đào tạo của lực lượng cảnh sát, sau đó về phục vụ tại các đơn vị để có thể nắm bắt thực tế.

Tùy thuộc kết quả công tác thực tế, Cảnh sát mới tuyển sẽ được phân luồng để đào tạo chuyên sâu và cất nhắc vào các vị trí, lực lượng thích hợp hoặc bị sa thải nếu không đáp ứng yêu cầu, vi phạm kỷ luật. Ngoài lực lượng cảnh sát chính quy, cảnh sát Australia còn được phép sử dụng ngân sách để thuê một số nhân sự dân sự (ngoài biên chế) để phục vụ công tác hỗ trợ như trông giữ xe, sửa chữa điện nước, y tế, lễ tân…

Trong thời gian qua, Cảnh sát Liên bang Australia đã tăng cường hợp tác với cảnh sát các nước trên thế giới và một trong những hướng ưu tiên là hợp tác với cảnh sát các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Lực lượng Cảnh sát Việt Nam và Australia đã xây dựng, phát triển quan hệ hợp tác Cảnh sát gắn bó và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Lực lượng Cảnh sát hai nước đã tích cực trao đổi thông tin về hoạt động của tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến hai nước.

Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát tiếp bà Julie Bishop, ngoại trưởng LB Australia tại TP Hồ Chí Minh tháng 2/2014.

Đã phối hợp, trao đổi thông tin, điều tra, xác minh nhiều vụ việc, chủ yếu là liên quan đến ma tuý, lừa đảo qua mạng, buôn người, đưa người nhập cư trái phép, bắt cóc, lạm dụng tình dục trẻ em... qua đó đã xác lập nhiều chuyên án, triệt phá nhiều đường dây tội phạm từ Việt Nam sang Australia và ngược lại. Đã phối hợp trao đổi gần 2.000 lượt thông tin về tội phạm ma túy, phối hợp trong đấu tranh chuyên án… trên cơ sở đó đã triệt phá nhiều đường dây buôn bán ma túy lớn, bắt giữ hàng chục đối tượng, thu giữ một lượng ma túy rất lớn.

Những kết quả đó góp phần kiềm chế hoạt động vận chuyển ma túy trái phép từ khu vực Tam Giác Vàng sang Australia. Cảnh sát Việt Nam đã phối hợp với AFP trong xác minh, điều tra làm rõ nhiều vụ án liên quan đến tội phạm, sử dụng công nghệ cao, lừa đảo qua mạng... Đặc biệt, lực lượng chuyên trách về tội phạm công nghệ cao của Việt Nam đã phối hợp với Cảnh sát Liên bang Australia điều tra vụ trộm cắp 182 máy tính xách tay Apple từ Australia về Việt Nam qua đường hàng không trong chuyên án Cru-sô.

Đáng chú ý, hai bên đã phối hợp thực hiện "Chương trình đào tạo dành cho Cảnh sát và lực lượng thực thi pháp luật các nước châu Á - Thái Bình Dương" - ARLEMP, đã tổ chức 25 khoá đào tạo tại Việt Nam cho gần 500 sỹ quan Cảnh sát các nước trong khu vực, 160 sỹ quan Cảnh sát Việt Nam. Chương trình ARLEM đã thực sự trở thành một chương trình đào tạo thực thi pháp luật có uy tín trong khu vực.

Năm 2011, để chủ động đối phó với những nguy cơ của hoạt động tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến hai nước và khu vực, lực lượng Cảnh sát Việt Nam và Australia đã phối hợp thành lập Trung tâm phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia Việt Nam - Australia (JTCC) đặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Quá trình hoạt động, cùng với sự nỗ lực của cả hai phía, trung tâm JTCC đã đạt được những kết quả quan trọng.

Cảnh sát Australia.

Qua 3 năm hoạt động, trung tâm JTCC đã tiếp nhận và xử lý hơn 200 vụ việc,  với trên 500 đối tượng liên quan đến tội phạm xuyên quốc gia do AFP, Cảnh sát các nước trong khu vực và Công an các đơn vị địa phương chuyển đến. Kết quả xử lý của Trung tâm JTCC đã hỗ trợ tích cực cho công tác điều tra các chuyên án, vụ án của phía AFP và Việt Nam.

Trong đó, nhiều vụ án do AFP và Việt Nam triệt phá có vai trò rất quan trọng của Trung tâm JTCC như: Phối hợp Cảnh sát PCTP ma túy Việt Nam với AFP triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý xuyên quốc gia bắt 5 đối tượng (quốc tịch Australia) thu 12kg heroin thẩm lậu vào Australia; vụ vận chuyển 2kg ma tuý dạng đá thẩm lậu vào Australia từ Canada; phối hợp với Trung tâm chống tội phạm xuyên quốc gia Campuchia - Australia triệt phá vụ vận chuyển trái phép chất ma tuý bắt 2 đối tượng thu 3kg chất ma tuý dạng đá...

Trung tâm JTCC đã phát huy tốt, trở thành vành đai ngăn chặn các hoạt động tội phạm xuyên quốc gia liên quan đến hai nước. Đã xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu thông tin tội phạm xuyên quốc gia Việt Nam - Australia. Đây là hình thức lưu trữ thông tin tội phạm theo hướng hiện đại, mang tính ứng dụng khoa học công nghệ thông tin để phân tích, điều tra tội phạm đã được AFP và lực lượng Cảnh sát các nước tiên tiến trên thế giới áp dụng trong những năm gần đây.

Cơ sở dữ liệu của Trung tâm JTCC đã cập nhật trên 500 vụ việc với hơn 1.000 đối tượng có liên quan tội phạm xuyên quốc gia Việt Nam - Australia. Hiện nay, Trung tâm JTCC vẫn đang tiếp tục cập nhật các thông tin đã tiếp nhận và xử lý. Trung tâm đã tích cực phối hợp có hiệu quả với các Trung tâm khác do AFP tài trợ ở các quốc gia trong khu vực (như Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Papua New Ghine) để chia sẻ thông tin, phối hợp điều tra xử lý các vụ việc phạm tội có liên quan đến Việt Nam, Australia và các quốc gia trong khu vực.

JTCC đã được chứng minh là mô hình hiệu quả trong việc chủ động đối phó với những thách thức mang tính xuyên quốc gia, tạo nên vành đai ngăn chặn các hoạt động tội phạm xuyên quốc gia, đã thực sự trở thành biểu tượng hợp tác giữa lực lượng Cảnh sát Việt Nam và Cảnh sát Liên bang Australia. 

Đặc biệt, ngày 18/2/2014, khi tới thăm và kiểm tra hoạt động của Trung tâm JTCC, bà  Julie Bishop, ngoại trưởng Australia đã bày tỏ sự hài lòng và đánh giá cao hiệu quả hoạt động của trung tâm. Bà Ngoại trưởng cảm ơn Chính phủ và lực lượng Công an Việt Nam đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các mặt công tác của Trung tâm, đồng thời mong muốn Trung tâm JTCC tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, đóng góp tích cực hơn nữa vào công tác hợp tác PCTP nói riêng của lực lượng Cảnh sát hai nước cũng như mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai quốc gia nói chung.

Tú Oanh
.
.
.