Cảnh sát châu Âu mạnh tay với vấn nạn buôn lậu vũ khí

Thứ Hai, 15/08/2016, 15:46
Cục Phòng chống tội phạm có tổ chức và khủng bố của Romania vừa thông báo (7-8), đang kiểm tra tính xác thực của thông tin từ kênh truyền hình Sky News (Anh) nói về nạn buôn bán vũ khí trái phép từ Ukraine tới nước này.

Bởi theo kênh truyền hình Sky News, 2 lái súng người Romania đã để một nhóm phóng viên ghi hình, phỏng vấn về vấn đề nhạy cảm này. Và đây là một mâu thuẫn khó lý giải - 2 lái súng người Romania tuyên bố, sẵn sàng bán vũ khí cho mọi đối tượng, từ bọn cướp, băng nhóm tội phạm, tới những kẻ khủng bố.

Bộ trưởng Nội vụ Serbia Nebojsa Stefanovic.

Nhưng theo một cựu quan chức an ninh Romania, những thước phim vừa được công chiếu trên kênh truyền hình Sky News (thượng tuần tháng 8) là thật - đang tồn tại tình trạng buôn bán vũ khí trái phép và cần phải có biện pháp phòng chống hữu hiệu trước vấn nạn này. Và chính quyền Romania cần hợp tác với chính phủ Ukraine để ngăn chặn các kênh cung cấp vũ khí, tránh để chúng rơi vào tay mafia, khủng bố hay IS.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tình báo nước ngoài trực thuộc Quốc hội Romania (SIE) Miheitse Kalimente cho rằng, tội phạm có thể nhập lậu vũ khí từ Ukraine, và công dân Romania có thể mua vũ khí tại Ukraine, rồi bán cho các quốc gia phương Tây và khu vực Trung Đông. Tờ Sputnik News cũng đưa tin tương tự: một băng nhóm người Romania đang buôn lậu vũ khí quân sự từ Ukraine vào Tây Âu và Trung Đông.

Gần 9 tháng trước (16-12-2015), Bộ Nội vụ Serbia cho biết, cảnh sát nước này đã triệt phá một băng nhóm buôn lậu vũ khí tới Pháp, bắt giữ 2 nghi can và tịch thu nhiều súng ống, thuốc nổ và đạn dược (3kg chất nổ dẻo, 2 kíp nổ, 9 lựu đạn, 3 súng trường tự động, 2 súng máy và 160 viên đạn cỡ 7,62mm).

Khi trả lời Đài truyền hình nhà nước RTS, Bộ trưởng Nội vụ Serbia Nebojsa Stefanovic cho biết, 2 công dân người Serbia bị bắt là thành viên của một đường dây buôn lậu vũ khí quy mô lớn tới Pháp.

Và để phá băng nhóm này, lực lượng cảnh sát thành phố Novi Sad đã phải theo dõi chúng trong nhiều tháng. Tuy nhiên, ông Nebojsa Stefanovic không tiết lộ danh tính các nghi phạm, cũng như chi tiết cuộc điều tra.

Vụ việc diễn ra sau khi cảnh sát Pháp và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) yêu cầu Bộ Nội vụ Serbia kiểm tra số seri của 7 vũ khí, trong đó có khẩu súng được cho là sản xuất tại nhà máy Zastava do Chính phủ Serbia quản lý - khẩu súng được sử dụng vào vụ tấn công khủng bố ở thủ đô Paris (Pháp) tối 13-11-2015.

Giới truyền thông còn cho biết, 4 khẩu súng (2 khẩu AK47 và 2 khẩu Zastava M70) sử dụng trong vụ tấn công khủng bố đẫm máu tối 13-11-2015 tại Paris được mua từ đối tượng buôn lậu súng tại Đức, có tên là Sascha W, 34 tuổi, còn được biết tới với biệt danh "DW Guns", chuyên rao bán vũ khí trên trang mạng Darknet.

Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp của 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng đã nhóm họp tại Brussels, chỉ 1 tuần sau vụ tấn công đẫm máu ở thủ đô Paris, để thương đàm về biện pháp kiểm soát tốt hơn biên giới bên ngoài EU, cũng như ngăn chặn buôn lậu vũ khí và tăng cường trao đổi thông tin.

Ủy ban châu Âu (EC) cũng đưa ra nhiều biện pháp nhằm chống lại buôn lậu súng đạn. 6 năm trước, Bỉ từng đề xuất cách tiếp cận cụ thể cho vấn đề này, nhưng không được các nước thành viên EU quan tâm.

Đối tượng Antoine Denevi.

Bởi hệ thống thông tin Schengen (SIS) cung cấp ít thông tin về cách thức của một người bị truy nã, nên phải cải thiện cách chia sẻ này, mà vẫn đảm bảo sự bí mật cần thiết, phục vụ công tác điều tra. Chuyên gia của Liên hợp quốc từng nghi vấn về việc có một máy bay cất cánh 2 tuần/lần từ vùng biển Ostende của Bỉ tới Libya chuyên chở vũ khí bất hợp pháp.

Gần 4 tháng trước (18-4), Tòa án tối cao Tây Ban Nha tuyên bố, sẽ ra lệnh dẫn độ về Pháp tên Antoine Denevi, 27 tuổi, nghi can cung cấp vũ khí cho tên Amedy Coulibaly, kẻ gây ra vụ tấn công khiến 4 người thiệt mạng tại siêu thị Hyper Cacher dành cho người Do Thái ở Paris (Pháp) hôm 9-1-2015.

Antoine Denevi bị cáo buộc cầm đầu một đường dây buôn lậu vũ khí. Trước đó, Amedy Coulibaly đã phối hợp với anh em Said Kouachi và Cherif Kouachi tấn công tòa soạn tạp chí châm biếm Charlie Hebdo tại Paris làm 12 người thiệt mạng.

Và khi chạy trốn, Amedy Coulibaly còn sát hại 1 cảnh sát đang làm nhiệm vụ gần đó. Trước đó (hạ tuần tháng 11-2015), cảnh sát Italia tịch thu gần 850 khẩu súng ở cảng Trieste, đang được vận chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Đức, Hà Lan và Bỉ.

847 khẩu súng trường Winchester bị phát hiện giấu trong chiếc xe tải mang biển số Hà Lan, do một người mang quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ lái, sau khi số hàng này được chuyển xuống từ một con tàu. Và khi đó người ta không rõ số vũ khí này sẽ được cung cấp cho ai...

Tuệ Sỹ
.
.
.