Cảnh sát châu Âu báo động nguy cơ bất ổn mới

Thứ Năm, 10/03/2016, 11:33
Ngày 4-3, Chính phủ Bỉ đã thông qua việc triển khai 140 binh sỹ làm nhiệm vụ giám sát các nhà máy điện hạt nhân nhằm tăng cường cho lực lượng cảnh sát liên bang. Theo đó, họ sẽ bảo vệ Nhà máy điện hạt nhân Doel, Tihange cũng như các trạm điện hạt nhân ở Mol, Dessel và Fleurus. 


Ngoài ra, Chính phủ Bỉ còn quyết định kéo dài thêm 1 tháng về sự hiện diện của 740 binh sỹ trên các đường phố và chi 17 triệu euro để trang bị khoảng 1.000 camera giám sát tại các nhà ga đường sắt trên khắp nước Bỉ. Cùng ngày 4-3, toà án Duesseldorf, Đức, đã kết án 4 năm rưỡi tù giam đối với Nils, thành viên của IS.

Trước đó (3-3), cảnh sát Đức đã bắt một bác sỹ ở thủ đô Berlin vì bị tình nghi lôi kéo một thanh niên gia nhập IS. Việc này diễn ra khi cảnh sát Tây Ban Nha tịch thu (3-3) khoảng 20.000 bộ quân phục dành cho chiến binh IS. Những bộ quân phục IS được phát hiện trong 3 container hàng hóa tại các cảng phía Đông của Tây Ban Nha là Valencia và Alicante. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết, họ có thông tin về việc Al Qaeda và IS đang lên kế hoạch tấn công khủng bố mới nhằm vào công dân Mỹ ở nước ngoài, đặc biệt ở châu Âu.

Người nhập cư đổ dồn về biên giới Bulgaria với các nước láng giềng.

Trong khi đó, Cơ quan Tình báo đối ngoại Italia trình Ủy ban tình báo Quốc hội nước này khuyến cáo về nguy cơ bị tấn công khủng bố; đồng thời cảnh báo nguy cơ các phần tử IS thâm nhập Italia bằng đường biển qua dòng người di cư từ Libya hoặc các nước Balkan, tạo ra đe dọa đối với an ninh của nước này. Giám đốc Europol Rob Wainwright cũng cảnh báo, châu Âu đang đứng trước nguy cơ khủng bố lớn nhất trong hơn một thập kỷ qua - IS có thể tấn công một địa điểm bất kỳ ở châu Âu với âm mưu gây ra tổn thất lớn về người và tài sản.

“Đừng đến châu Âu. Đừng tin những kẻ buôn lậu. Đừng mạo hiểm cuộc sống và tiền bạc của các bạn”, ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu đã tuyên bố như vậy sau cuộc gặp với Thủ tướng Hy Lạp tại thủ đô Athens hôm 3-3. Hy Lạp đang đối mặt với lượng người di cư kỷ lục lên đến 23.000 người, trong đó 10.000 người bị chặn ở biên giới giữa Macedonia và Hy Lạp.

Ngày 4-3, Liên minh châu Âu (EU) công bố lộ trình nhằm chấm dứt hoạt động kiểm soát biên giới mà các nước thành viên áp đặt do cuộc khủng hoảng di cư và khôi phục khu vực tự do đi lại Schengen trước cuối năm nay. Và theo tuyên bố của EU, mục tiêu này nhằm dỡ bỏ toàn bộ hoạt động kiểm soát biên giới nội khối trước tháng 12-2016.

Sáng 4-3, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã hội đàm tại điện Elysee, Paris, để thống nhất quan điểm trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh EU-Thổ Nhĩ Kỳ hôm 7-3 tại Brussels (Bỉ) nhằm tìm kiếm các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng người di cư. Paris và Berlin muốn gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các cam kết nhằm kiểm soát biên giới, đặc biệt là con đường dẫn tới Hy Lạp và việc nhận trở lại người di cư bất hợp pháp.

Ông Francois Hollande và bà Angela Merkel cũng nhất trí “hợp tác trên tinh thần chung” nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư hiện nay. Theo đó, Pháp tôn trọng cam kết đã đưa ra với EU về việc tiếp nhận 3.000 người nhập cư, đồng thời kêu gọi củng cố đường biên giới giữa các nước trong khu vực tự do đi lại Schengen.

Các chiến binh của tổ chức IS.

Tính đến nay có gần 10 nước trong khu vực tự do đi lại Schengen tái kiểm soát biên giới để đối phó với cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II tại châu Âu. Nhưng trước đó, Quốc hội Đức đã thông qua gói luật thứ hai về người di cư. Theo đó, người nhập cư vào Đức từ nay sẽ được phân loại và quyền lợi của các nhóm di cư này cũng sẽ khác nhau.

Ngày 2-3, tờ Thời báo Tài chính của Anh dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron cảnh báo, Paris sẽ không ngăn chặn người di cư ở thành phố cảng Calais trốn sang Anh và sẽ kêu gọi các ngân hàng chuyển dời trụ sở từ Anh về Pháp, trong trường hợp London rời EU.

Sau đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng đưa ra cảnh báo tương tự khi hội đàm với Thủ tướng Anh David Cameron. Trong khi đó, ngày 3-3, những người di cư Iran đã đồng loạt dùng chỉ khâu miệng để phản đối việc dỡ bỏ trại Junge ở thành phố Calais, Pháp. Cảnh sát Pháp đã phải dùng hơi cay để giải tán hàng trăm người biểu tình. Bất chấp sự phản kháng quyết liệt của người di cư, cảnh sát Pháp tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch dỡ bỏ các khu lán trại tạm thời. Chính quyền Pháp quyết tâm dỡ bỏ 60% khu lán trại được gọi là trại Jungle tại Calais.

Theo giới chức địa phương, hiện có khoảng 3.700 người di cư tạm trú tại trại tị nạn này và từ 800 tới 1.000 người sẽ phải rời đi theo quyết định mới của tòa án.

Trọng Hậu
.
.
.