Cảnh sát Đức bó tay trước tội phạm di cư?

Thứ Ba, 26/01/2016, 15:00
Ngày 22-1, Công đoàn Cảnh sát liên bang Đức (GdP) tuyên bố, lực lượng cảnh sát nước này không thể thực hiện nhiệm vụ theo thông báo của Bộ trưởng Nội vụ khi ông Thomas de Maiziere quyết định, kéo dài vô thời hạn kiểm soát biên giới Đức. 


Phó Chủ tịch GdP Joerg Radek cho biết, đây là mệnh lệnh không khả thi bởi nhân lực của GdP không thể chịu được cường độ làm việc như vậy. Và nếu cảnh sát liên bang phải kiểm soát biên giới 24/24h như hiện nay, họ chỉ có thể kéo dài thêm tối đa 3 tuần nữa. Bởi ngoài việc kiểm soát biên giới, cảnh sát còn phải bảo vệ các sân bay, nhà ga, cũng như bảo đảm an ninh cho các trận đấu bóng đá, trong khi nhân lực có hạn.

Vẫn theo ông Joerg Radek, kể từ tháng 9-2015 đến nay, lực lượng cảnh sát liên bang đã phải làm thêm 2 triệu giờ lao động. Đồng thời cho rằng, việc Áo thiết lập giới hạn trần về nhập cư cũng sẽ đặt ra nhiều áp lực cho Đức khi nước này chuyển số người vượt quá giới hạn cho Berlin. Bởi trước đó (20-1), Thủ tướng Áo Werner Faymann công bố kế hoạch hạn chế số người di cư trong năm 2016 ở mức 37.500 người, năm 2017 là 35.000 người, năm 2018 là 30.000 người và năm 2019 là 25.000 người.

Người tị nạn vượt biển vào châu Âu.

Ông Werner Faymann cũng tuyên bố tạm ngừng thực thi Hiệp ước Schengen về miễn thị thực giữa 22 nước thành viên EU và 4 quốc gia ngoài EU. Còn theo người phát ngôn cảnh sát Áo, ông Fritz Grundnig, kể từ ngày 20-1, khoảng 500 binh sỹ được triển khai để hỗ trợ cảnh sát trong việc làm thủ tục cho khoảng 6.000 người di cư mỗi ngày tại cửa khẩu Spielfeld.

Ngày 19-1, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhận được bức thư ngỏ dày 5 trang cùng 44 chữ ký của nghị sỹ liên đảng bảo thủ yêu cầu bà phải thay đổi chính sách về người tị nạn hiện nay. Ngày 25-1, Bộ trưởng Nội vụ các nước EU nhóm họp ở Amsterdam (Hà Lan) để thảo luận về lệnh kiểm soát biên giới sẽ hết hiệu lực vào tháng 5-2016, và dự kiến việc kiểm soát biên giới có thể được gia hạn tới cuối năm 2017.

Đức, Áo, Bỉ, Thuỵ Điển và Đan Mạch, muốn kéo dài việc kiểm soát biên giới nhằm hạn chế người tị nạn vào các nước này. Thủ tướng Italia Matteo Renzi cho rằng, việc ngừng thực thi Hiệp ước Schengen không giúp ngăn chặn những kẻ khủng bố tiến hành các cuộc tấn công, một khi các phần tử Hồi giáo cực đoan này lớn lên trong lòng châu Âu.

Trong khi đó, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz coi việc kiểm soát biên giới đang gây ra những hậu quả tai hại cho tăng trưởng và việc làm của châu Âu. Còn theo nhận định của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, việc tăng cường kiểm soát đường biên giới tại khu vực miễn thị thực Schengen sẽ khiến các doanh nghiệp EU mất 3 tỷ euro/năm. Và ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu đã cảnh báo, EU sẽ còn tối đa 2 tháng nữa để kiểm soát tình trạng người nhập cư, nếu không sẽ phải đối mặt với việc sụp đổ hiệp ước Schengen.

Theo giới truyền thông, ngoài Áo, Đan Mạch và Thụy Điển cũng đã siết chặt kiểm soát người nhập cảnh vì lo ngại các nguy cơ mất an ninh do dòng người di cư ồ ạt. Nhưng Italia, Đức và Pháp là các quốc gia chống lại quan điểm cho rằng, phải xem xét lại Hiệp ước Schengen.

Trong một diễn biến liên quan, cảnh sát Đức và Thổ Nhĩ Kỳ vừa phối hợp phá một đường dây buôn người chuyên dùng thuyền để chở người tị nạn vào châu Âu. Việc này diễn ra sau khi cảnh sát Đức và Thổ Nhĩ Kỳ lục soát 17 căn hộ tại 6 bang ở Đức, bắt giữ 5 nghi can, trong khi 10 đối tượng khác bị bắt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Và các đối tượng này có thể bị phạt tù tới 10 năm.

Theo điều tra, mỗi người tị nạn phải trả từ 4.500-6.000 USD để vào châu Âu. Và tổng số người tị nạn được đưa vào châu Âu qua đường dây này đã lên tới hơn 1.700 người. Và tuyên bố của Giáo sĩ Sami Abu-Yusuf, người đứng đầu nhà thờ Hồi giáo Al Tawheed ở Cologne, Đức khiến dư luận bất bình khi cho rằng, những phụ nữ bị quấy rối tình dục vào đêm giao thừa vừa qua mới là người có lỗi vì đã xức nước hoa và ăn mặc khêu gợi!

Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh cảnh sát Cologne thông báo, số vụ khiếu nại về tấn công tình dục xảy ra đêm giao thừa đã tăng lên hơn 830 vụ, trong đó gần 500 phụ nữ tố cáo bị tấn công tình dục. Và cảnh sát Đức đã bắt nghi phạm đầu tiên có liên quan tới tấn công tình dục đêm giao thừa ở thành phố Cologne.

Sáng 17-1, cảnh sát thành phố Dortmund còn cho biết, một nhóm người tị nạn đã tiếp cận một cô gái Đức 25 tuổi đang trên đường từ ga tàu về nhà và buông nhiều lời tục tĩu, sau đó xông vào sờ soạng và sàm sỡ nạn nhân. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cũng vừa cảnh báo về tình trạng tội phạm xuất phát từ lòng hận thù đối với người Hồi giáo tại Pháp đã tăng gấp 3 lần trong năm 2015.

Trọng Hậu
.
.
.