Cảnh sát Đức mạnh tay với tội phạm

Thứ Tư, 20/01/2016, 11:00
Tối 16-1, khoảng 300 cảnh sát đã được triển khai để tham gia vây ráp tại khu vực nhà ga trung tâm thành phố Dusseldorf nhằm truy quét các băng đảng trộm cắp đến từ Bắc Phi. Và cảnh sát đã dựng một lều tạm để kiểm tra giấy tờ, lấy lời khai và vân tay của các nghi can. 


Giới truyền thông Đức cho biết, có 20 đối tượng đã bị bắt, trong đó có 2 nghi can cầm đầu các băng đảng ở Dusseldorf là Khalid, 28 tuổi và Taouf, 32 tuổi, đến từ Maroc và đã đăng ký tị nạn ở thành phố này. Trong năm 2015, cảnh sát từng vây ráp ở khu vực nhà ga Dusseldorf và bắt giữ 15 đối tượng.

Theo cảnh sát cho biết, cuộc vây ráp được tiến hành trong nhiều giờ tại khu vực được coi là sào huyệt của các nhóm tội phạm đến từ Maghreb và có khoảng 2.200 nghi phạm trộm cắp, cướp giật, sử dụng và buôn bán ma tuý đến từ Bắc Phi. Cảnh sát cũng tuyên bố, mục tiêu chính của cuộc vây ráp tối 16-1 là các quán ăn, nhà hàng xung quanh khu vực nhà ga trung tâm, nơi các nghi can chọn làm nơi tập trung vào những giờ nhất định. Và đã có 18 tụ điểm như vậy bị kiểm tra.

Lực lượng cảnh sát Đức được triển khai bên ngoài nhà ga Koln ở Cologne.

Theo thống kê, khu vực quanh nhà ga Dusseldorf đã trở thành trung tâm của các đối tượng phạm đối đến từ Bắc Phi và số vụ trộm cắp cũng gia tăng trong thời gian này.

Theo giới truyền thông, cảnh sát quyết định ra quân sau khi giới chức Đức công bố khoản tiền thưởng trị giá 10.000 euro (14-1) cho bất cứ ai cung cấp thông tin có thể hỗ trợ bắt giữ các nghi phạm trong vụ tấn công tình dục hàng loạt phụ nữ đêm giao thừa vừa qua ở thành phố Cologne.

Chi tiết của giải thưởng này được cảnh sát công bố trong tuần này. Bởi hơn 600 phụ nữ ở nhiều thành phố trên khắp nước Đức đã đệ đơn tố cáo bị sàm sỡ và cướp bóc trong đêm giao thừa và cảnh sát đang điều tra theo hướng những người nhập cư bất hợp pháp tới từ Bắc Phi và những người xin tị nạn. Và tính đến nay, giới chức Đức đã xác định được 32 nghi phạm liên quan vụ tấn công ở Cologne, trong đó 22 đối tượng đang xin tị nạn ở Đức.

Ngày 14-1, cảnh sát Hamburg tuyên bố, đang điều tra 8 đối tượng tình nghi liên quan đến các vụ tấn công và quấy rối phụ nữ trong đêm giao thừa tại thành phố này. Theo Phó Giám đốc Cục Cảnh sát hình sự Hamburg, ông Frank-Martin Heise, tất cả những người này đều có nguồn gốc nhập cư. Và cảnh sát Hamburg đã có trong tay những hình ảnh ghi lại từ camera cho thấy, các đối tượng kể trên có mặt tại thời điểm xảy ra các vụ quấy rối phụ nữ trong đêm giao thừa và không loại trừ khả năng họ có tham gia vào các vụ quấy rối.

Trước đó (12-1), cảnh sát liên bang đã xác định 211 đối tượng cực hữu phóng hỏa và đập phá xe cộ, nhà cửa tại thành phố Leipzig đêm 11-1, trong đó hơn 100 người đã bị bắt. Theo cảnh sát, các đối tượng kể trên đều là huligan, đã lợi dụng các cuộc tuần hành của những người ủng hộ và phản đối phong trào Pegida ở Leipzig để gây rối loạn, đập phá cửa sổ, đốt xe hơi và ném pháo gây cháy vào nhiều ngôi nhà tại khu vực Connewitzer Kreuz ở Leipzig. Và lực lượng này có liên quan tới nhóm cực đoan ở Cologne vốn lợi dụng mạng xã hội kêu gọi tụ tập nhằm gây rối loạn và thực hiện hàng loạt vụ tấn công vào người nước ngoài ở thành phố Cologne trong đêm 10-1.

Cảnh sát Đức tuần tra.

Giới truyền thông cho biết, ngày 12-1, Bộ trưởng Nội vụ và Tư pháp Đức đã công bố những biện pháp mạnh tay nhằm siết chặt trừng phạt đối với các đối tượng người nước ngoài phạm tội hình sự ở Đức. Theo đó, người phạm tội sẽ lập tức bị trục xuất nếu bị phạt tù, bất kể là tù giam hay chỉ là án treo. Quy định này áp dụng đối với hình thức phạm tội xâm phạm cuộc sống, thân thể và tình dục, cũng như tấn công cảnh sát.

Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere coi các biện pháp này là câu trả lời cứng rắn của Đức đối với các đối tượng phạm tội dù họ đang tìm kiếm sự bảo vệ ở nước này. Thủ tướng Angela Merkel nhấn mạnh (13-1), không thể có những giải pháp chóng vánh cho cuộc khủng hoảng người di cư vì đây là “nhiệm vụ thế kỷ”. Dư luận cho rằng, chưa khi nào Đức lại phải cùng một lúc đối diện với nhiều mối lo và nguy cơ như lúc này.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 15-1, Cục Cảnh sát hình sự liên bang Đức (BKA) cho biết, khoảng 400 đối tượng trở lại Đức sau khi từng tới các khu vực chiến sự do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kiểm soát đang đặt ra thách thức an ninh lớn cho nước này. Người đứng đầu BKA Holger Muench tuyên bố, những đối tượng kể trên bị xếp vào dạng "nguy hiểm" và đang được kiểm soát chặt chẽ. Đồng thời kêu gọi có cải thiện hơn nữa trong việc hợp tác giữa các cơ quan cảnh sát hình sự châu Âu (Europol) trong việc đối phó với nguy cơ này.

Lư Tuấn Nghĩa
.
.
.