Mỹ:

Cảnh sát dùng thuật toán để ngừa bạo lực

Thứ Hai, 06/06/2016, 20:55
"Chicago, bang Illinois là thành phố lớn có nạn phân biệt chủng tộc nhất tại Mỹ. Tại đây có các vấn đề lớn về băng đảng tội phạm" - David Kennedy, thuộc Phòng tư pháp hình sự Đại học John Jay, New York nhận định.


Từ đầu năm 2016 đến nay, bạo lực súng ống đã khiến khoảng 250 người chết và 1.150 người bị thương trong thành phố này… Cảnh sát đã phải dùng tới công nghệ cao ngừa tội phạm.

Các băng nhóm bạo lực đường phố ở Chicago xả súng hàng chục lần một tuần mặc dù đã có một số hạn chế nghiêm ngặt nhất về tình hình sở hữu súng tại đây. Ở thành phố này hiện đang phải đối mặt với một thách thức mới: cân bằng giữa quyền công dân cũng như các quyền hợp pháp để giám sát các đường phố vốn có rất nhiều loại vũ khí mà tội phạm thường sử dụng.

Biểu tình chống bạo lực tại thành phố Chicago.

Bạo lực nơi đây đang khiến xã hội nhức nhối và đau thương. Hồi tháng 10 năm ngoái, một phụ nữ đang mang thai và mẹ của cô đã thiệt mạng trong một vụ xả súng tại khu vực lân cận thành phố Chicago. Vụ việc còn khiến một trẻ 11 tháng tuổi và hai người khác bị thương.

Vụ xả súng xảy ra sau những ngày bạo lực cuối tuần ở Chicago trong hơn 2 năm qua đã khiến nhiều người thiệt mạng và ít nhất 52 người khác bị thương.

Trong một cuộc họp báo, Giám đốc Sở Cảnh sát thành phố Garry McCarthy chỉ ra một đứa trẻ đã chết mặc dù số lượng cảnh sát trên các đường phố đã tăng lên 30%. Em bé trở thành nạn nhân của viên đạn nhằm vào bố mình - một tay xã hội đen khét tiếng.

Trong ngày Lễ độc lập 4-7-2015, tại Chicago đã xảy ra các vụ đấu súng khiến 9 người chết, 47 người bị thương. Ngày 27-8-2015, cả nước Mỹ đã rúng động khi cảnh tượng một vụ nổ súng đã xảy ra ngay trong một buổi truyền hình trực tiếp, một đối tượng da màu đã bắn chết nữ phóng viên Alison Parker, 24 tuổi, và nhà quay phim Adam Ward (27 tuổi) khi hai nhà báo này đang thực hiện một chương trình phát sóng.

Cuối tháng 12-2015, cảnh sát đã bắn chết một nam sinh viên 19 tuổi và một phụ nữ 55 tuổi, bà mẹ của 5 người con. Cả hai nạn nhân đều là người Mỹ gốc Phi. Vụ việc đã tạo ra làn sóng biểu tình lan rộng khắp thành phố.

"Tôi như phát điên mỗi khi nghĩ về những đứa trẻ đó (nạn nhân của súng đạn)", CNN dẫn lời Tổng thống Obama nói hồi tháng 1-2016. Thành phố là quê nhà và là nơi ông bắt đầu sự nghiệp chính trị. Tổng thống Obama sử dụng quyền hành pháp, không cần Quốc hội phê chuẩn, để thắt chặt kiểm soát súng đạn.

Cảnh sát Chicago sẽ dùng thuật toán để ngừa bạo lực.

Trước thực trạng trên, Sở Cảnh sát Chicago đang dùng một thuật toán độc nhất vô nhị trong cuộc chiến chống bạo lực súng ống, có thể chỉ ra người có khả năng liên quan đến một vụ xả súng bao gồm cả nạn nhân lẫn kẻ tấn công.

AFP ngày 27-5 cho biết, chương trình máy tính này sẽ tổng hợp các nhân tố khác nhau như hồ sơ tội phạm, liên hệ băng đảng, các vết thương do đạn hoặc số lượng các vụ bắt giữ gần đây của Sở Cảnh sát. Đánh giá của máy tính được sử dụng để tạo ra một cơ sở dữ liệu gọi là "Danh sách Đối tượng Chiến lược".

Danh sách này sẽ hỗ trợ cho cảnh sát chống lại những vụ xả súng đẫm máu từ các vụ trả thù của các băng đảng tội phạm. Qua khảo sát cho thấy, phần lớn các nạn nhân bị chết và bị thương ở trên nằm trong "Danh sách Đối tượng Chiến lược".

Tuy nhiên, bản chất chính xác của các tiêu chí được sử dụng trong thuật toán vẫn là một ẩn số và gây tranh cãi. Lập trình viên Miles Wernick thuộc Viện Công nghệ Illinois đã viết ra chương trình này và không trả lời khi phóng viên của hãng AFP yêu cầu.

Nhiều người chỉ trích cho rằng, hệ thống trên vi phạm quyền tự do của con người khi những đối tượng trong danh sách "bị cáo buộc có thiên hướng bạo lực". Cảnh sát biện minh bằng cách nói rằng, thuật toán đảm bảo việc giúp cảnh sát tập trung nguồn lực vào những người có nhiều khả năng tham gia vào bạo lực súng ống nhất hoặc những người có khả năng bị đe dọa bởi dạng bạo lực này nhất.

Trường Vân (tổng hợp)
.
.
.