CSGT Anh phát hành cẩm nang chống tội phạm 'hai ngón'

Thứ Tư, 13/05/2015, 15:00
Để ngăn chặn tội phạm trộm cắp diễn ra trên các đường phố của Anh cũng như nâng cao tinh thần cảnh giác của công dân khi đi du lịch trong nước và nước ngoài, cảnh sát giao thông Anh mới phát hành "cẩm nang" lật tẩy thủ đoạn hoạt động của tội phạm. Tài liệu nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn của người dân.
Những thủ đoạn phổ biến

Theo Cảnh sát giao thông Anh, thủ đoạn hoạt động phổ biến nhất của tội phạm trộm cắp là dùng "tay che giấu" và "những người lạ hữu ích". Tội phạm thường hoạt động theo cặp, trong đó một người làm nhiệm vụ tạo tình huống để người khác có điều kiện ra tay hoạt động. Việc làm này thường xảy ra ở nhiều địa điểm trên đường phố nhưng phổ biến ở những nơi tụ tập đông người như địa điểm mua vé chẳng hạn.

Khi thực hiện hành vi phạm tội, kẻ trộm thường cầm trên tay tờ báo hoặc áo khoác để đánh lạc hướng những người khác. "Cản trở" lớn nhất với tội phạm trộm cắp là phải vượt qua rào cản cá nhân với nạn nhân, tức là phải tìm cách tạo ra mối liên hệ với nạn nhân để có điều kiện hoạt động. Những nơi tập trung đông người như các điểm tham quan là nơi "hoàn hảo" để tội phạm vượt qua rào cản này.

Cảnh sát Anh cũng đưa ra những lời khuyên hữu ích cho công dân khi đi trên đường phố để ngăn chặn nạn trộm cắp. Đó là: hãy đặt ví ở túi phía trước, sử dụng túi nilon bọc bên ngoài để đảm bảo rằng ví không thể rơi ra bên ngoài; nên có thêm túi giả, điện thoại cũ để đánh lạc hướng theo dõi của tội phạm. Khi ngồi xuống, hãy giữ túi dưới chân phía trước để đảm bảo, đồ đạc luôn trong tầm kiểm soát. Không thường xuyên mở xem đồ đạc khiến tội phạm chú ý, phát hiện được nơi để tài sản có giá trị.

Với tội phạm trộm cắp, khách du lịch là mỏ vàng tiềm năng và chúng luôn chờ đợi thời cơ để ra tay hoạt động. Cảnh sát Metropolitan cho biết, điểm du lịch hấp dẫn, tập trung đông người như Đồng hồ Big Ben (Anh) và tháp Eiffel (Pháp) là nơi xảy ra nhiều vụ móc túi.

Cảnh sát Anh đưa ra lời khuyên, với những vật có giá trị như chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ tín dụng và các tài liệu quan trọng khác, không nên để cùng một chỗ để nếu mất sẽ không mất tất cả. Không chấp nhận thức ăn, đồ uống từ người lạ gặp tại khách sạn, trên xe bus hoặc tàu hỏa. Trước khi đi du lịch, hãy nghiên cứu kỹ các địa danh sẽ đến, đặc biệt là tình hình an ninh trật tự qua các nguồn chính thống như Đại sứ quán hoặc diễn đàn du lịch trực tuyến.

Băng đảng tội phạm đang theo dõi một người phụ nữ nhằm ghi nhớ mã pin tại cây rút tiền tự động trên đường phố.

Tình huống có thể xảy ra và cách xử trí

- Tình huống 1: Cuộc đánh thức giả qua điện thoại: Theo Cheapflights.co.uk, một trong những trò gian lận du lịch phổ biến là khách được đánh thức bởi một người tự xưng là lễ tân vào sáng sớm. Lễ tân nói rằng, hệ thống máy tính của khách sạn lỗi và yêu cầu khách hàng cung cấp lại thông tin cá nhân và thẻ tín dụng. Với thủ đoạn này, tội phạm có thể có được thông tin về tài khoản ngân hàng và thực hiện hành vi trộm cắp.

Lời khuyên của các chuyên gia: Đừng bao giờ cung cấp thông tin quan trọng qua điện thoại. Thông báo cho nhân viên khách sạn và cảnh sát ngay lập tức.

- Tình huống 2: Những người ăn xin trên đường phố: Peter John, tác giả cuốn "Around the World in 80 Scams" đưa ra cảnh báo rằng, nhiều người ăn xin giả bị thương để nhận được sự thương hại nhiều hơn của du khách. Tình trạng này phổ biến ở Ấn Độ, Nam Mỹ và một số quốc gia Đông Nam Á.

Lời khuyên của các chuyên gia: thay vì cho tiền, hãy cho họ đồ ăn.

- Tình huống 3: An ninh tại sân bay: Những người ăn cắp tại sân bay thường lợi dụng sơ hở để lấy đi những đồ vật có giá trị. Khi bạn đặt máy tính xách tay, điện thoại, ví tiền vào khay qua cửa kiểm tra an ninh, một người nào đó sẽ tiến lên phía trước và lấy đồ của bạn. Cảnh sát Kenya và Cục Hàng không Liên bang Mỹ đã từng đưa ra cảnh báo về vấn đề này.

Lời khuyên của các chuyên gia: luôn để đồ đạc trong tầm kiểm soát. Kịp thời báo nhân viên an ninh sân bay khi xảy ra sự cố.

Những lời khuyên hữu ích để giảm thiểu tổn hại trong trường hợp bị trộm cắp:

1. Điện thoại thông minh có giá trị nhưng những thông tin trong điện thoại còn có giá trị hơn gấp nhiều lần. Hãy chắc chắn rằng, điện thoại và SIM của bạn đều được cài đặt mật mã bảo vệ.

2. Không sử dụng cùng một mật mã bảo vệ cho cả thẻ ngân hàng và điện thoại của bạn.

3. Hãy ghi nhớ số IMEI của điện thoại bạn đang sử dụng để có thể chặn các cuộc gọi nếu bị đánh cắp.

4. Cài đặt ứng dụng theo dõi trên điện thoại di động.

5. Giữ một bản sao hộ chiếu, bảo hiểm, số IMEI điện thoại và những số điện thoại khẩn cấp cần sử dụng khi xảy ra tình huống xấu.

6. Không cất giữ giấy phép lái xe và thẻ tín dụng trong cùng một nơi để phân tán rủi ro.

7. Không để địa chỉ gắn với chìa khóa nhà của bạn vì nếu bị đánh cắp sẽ gây nên thảm họa lớn.

8. Chỉ mang theo những gì thực sự cần thiết. Những loại thẻ hoặc tiền mặt không sử dụng đến, hãy để chúng ở nhà.

P. Tường (tổng hợp)
.
.
.