"Cảnh sát Internet" chống khủng bố

Chủ Nhật, 03/04/2016, 15:46
Không chỉ mở rộng các cuộc không kích, truy quét lực lượng khủng bố, đặc biệt là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq, Syria và Libya, Mỹ cùng các quốc gia đồng minh còn đang triển khai một mặt trận mới chống khủng bố, đó là cuộc chiến không súng đạn trên Internet.


Nhiều đơn vị "cảnh sát Internet" đã được thành lập, trải dài từ Mỹ tới châu Âu và châu Á với nhiệm vụ chính là ngăn chặn sự hiện diện của khủng bố hoặc tội phạm trên không gian mạng cũng như ngăn chặn khủng bố sử dụng Internet để chiêu mộ, tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan.

Chống "xâm chiếm" truyền thông

Theo tuyên bố của người phát ngôn của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ Ned Price, lực lượng "cảnh sát Internet" nước này nằm dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Tư pháp và Bộ An ninh nội địa với nhiệm vụ điều phối các nỗ lực chống khủng bố trong nước. 

Trước mắt, trong tháng 3 này, "cảnh sát Internet" Mỹ sẽ thực hiện các cuộc tấn công mạng nhằm gây đình trệ và quá tải mạng lưới thông tin liên lạc của IS để buộc nhóm này phải sử dụng công nghệ lạc hậu hơn. Từ đó, Mỹ sẽ phối hợp với các nước đồng minh ngăn chặn những bước đi tiếp theo của IS cũng như làm giảm khả năng thu hút, tuyển mộ tân binh của tổ chức này.

Đồng thời, lực lượng "cảnh sát Internet" Mỹ cũng sẽ cùng với "đội an ninh ma" truy kích IS trên Internet, nhất là những tài khoản Twitter của các thành viên cấp cao IS đã bị theo dõi. 

Nhà phân tích khủng bố Michael S.Smith II thuộc Công ty tư vấn quân sự Kronos Advisory nhận định: "IS có một lực lượng ủng hộ đông đảo trên Internet và những thông điệp của chúng có thể được lan truyền nhờ 4.000 người ủng hộ, những tài khoản đăng tải tới 300 lần bình luận trên Twitter mỗi ngày. 

Thời gian vừa qua, Mỹ và các nước đang tham gia cuộc chiến chống IS đã không chú trọng tới cuộc chiến trên mạng xã hội và đôi lúc bị thua vì chưa triển khai được một lực lượng làm việc hiệu quả. Trong khi đó, IS lại đơn thuần chỉ theo đuổi phương thức tuyển dụng trên mạng Internet bởi bằng hình thức này, chúng có những kẻ ủng hộ trung thành không cần những buổi tiếp xúc trực tiếp… 

Vì vậy, việc Mỹ và các nước tăng tốc độ phản ứng trên mạng xã hội mang tốc độ phản ứng của các phần tử cực đoan này là rất quan trọng". Đây cũng là một trong những lý do khiến Liên minh châu Âu (EU) đẩy mạnh hoạt động của lực lượng chống khủng bố trên mạng, trực thuộc Lực lượng cảnh sát châu Âu (Europol) được thành lập vào tháng 10 năm 2015.  

Giám đốc Europol, ông Rob Wainwright, cho biết thêm rằng, một trong các nhiệm vụ hàng đầu của nhóm công tác là xác định những tên cầm đầu đường dây liên quan tới IS trên mạng. Hiện tại, tham gia chiến dịch chống khủng bố trên mạng Internet của EU có 20 thành viên của đơn vị cùng một nhóm chuyên gia an ninh mạng đến từ hai trang mạng xã hội nổi tiếng toàn cầu. 

Nhiệm vụ của họ sẽ là tập trung theo dõi các nhân vật chủ chốt đăng những thông điệp và sở hữu các tài khoản dụ dỗ những phần tử thánh chiến tiềm năng ở các quốc gia trên thế giới tới Iraq và Syria cũng như việc tuyển chọn cô dâu cho các phần tử thánh chiến.

Mô hình của đơn vị này được xây dựng giống mô hình lực lượng chống khủng bố trên Internet (CTIRU) được thành lập ở Anh từ năm 2010, thời điểm các chiến binh thánh chiến tại Syria và Iraq liên tiếp đăng tải những video tuyên truyền trực tuyến. Đến nay, CTIRU vẫn đang cùng hợp tác với cảnh sát các nước trong việc "gỡ những tài liệu tuyên truyền cực đoan trên Internet xuống".

Tuy nhiên, trong bối cảnh không gian mạng đang được các phần tử khủng bố lợi dụng khai thác triệt để trong trao đổi thông tin, thu hút và tuyển mộ chiến binh thì việc hợp tác trên toàn cầu để tạo ra một mặt trận thông tin chống khủng bố mà cụ thể là IS rất quan trọng. 

Vì thế, cùng với các hoạt động của Europol, nhiều quốc gia khác ở châu Âu, châu Á-Thái Bình Dương cũng đang mở các chiến dịch chống khủng bố trên mạng Internet để từ đó bổ sung cho nhau những lỗ hổng nhằm không để cho khủng bố "lọt lưới". 

Chẳng hạn tại Pháp, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve đã thành lập một đơn vị chống tuyên truyền trên mạng Internet gồm 50 chuyên viên quân sự với mục tiêu hàng đầu là các thanh niên bị IS "tẩy não", có khả năng xuất cảnh sang Syria hoặc Iraq; dự đoán các chiến dịch tuyên truyền của IS; khoanh vùng các phần tử chuyên đi tuyển mộ người và các trạm liên lạc của bọn chúng. 

Bên cạnh đó, Pháp cũng kiểm soát chặt chẽ nội dung trên Internet và các mạng xã hội căn cứ luật chống khủng bố; sẵn sàng khóa các trang web kích động hay cổ súy khủng bố…

Nhiều quốc gia đã thành lập lực lượng "cảnh sát Internet" chống khủng bố.

Tại châu Á, Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố, bất cứ ai cung cấp thông tin hữu ích về các bài đăng trên Internet có nội dung khủng bố sẽ được nhận thưởng 15.000 USD. Cơ quan không gian mạng Trung Quốc (CAC) là đơn vị chủ trì hoạt động này và riêng trong năm 2015 đã nhận được tin báo từ 20.000 người và trao số tiền thưởng là 300.000 USD. 

Còn ở Pakistan, nỗ lực chống lại các tổ chức khủng bố trực tuyến được thể hiện ở Ủy ban Viễn thông (PTA) với chức năng chống lại các trang mạng truyền thông xã hội và các video trực tuyến mà các nhóm khủng bố đăng tải. Indonesia cũng tham gia vào cuộc chiến chống "xâm chiếm" truyền thông kiểu này bằng việc thành lập một cơ quan phòng thủ mạng.

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông Indonesia, nước này là nước xảy ra tấn công mạng nhiều nhất thế giới trong quý II năm 2013, trong đó 42.000 mục tiêu bị tấn công mạng mỗi ngày. Số liệu cũng cho thấy, có 36,6 triệu cuộc tấn công mạng xảy ra ở Indonesia trong ba năm qua. Chính phủ Indonesia còn đang tính đến việc sửa đổi Luật chống khủng bố, mở rộng các hình phạt đến cả những cá nhân sử dụng Internet vào mục đích khủng bố vì pháp luật hiện hành đang gây khó khăn cho việc thực thi pháp luật đối với những kẻ bị bắt vì tội sử dụng Internet vào các hoạt động như vậy. 

Chuyên gia chống khủng bố Sidney Jones thì khuyến cáo chính quyền Jakarta rằng, lực lượng "cảnh sát Internet" nước này còn cần phải phân tích cả lưu lượng truy cập trên các phương tiện truyền thông xã hội và các dịch vụ tin nhắn vì ngày nay, các nhóm chiến binh thường sử dụng các dịch vụ tin nhắn như Telegram - dịch vụ cho phép người dùng có thể trao đổi tin nhắn tức thời và thông điệp được mã hóa, hoặc Zello - một ứng dụng bộ đàm hiện đại.

Và mô hình "dân vận"

Thống kê của Trung tâm nghiên cứu và phân tích khủng bố quốc tế (TRAC) cho hay, trong hơn nửa năm qua, IS đã tung ra hơn 2 triệu tin tức, hình ảnh, video và băng ghi âm lên Internet, thông qua hệ thống hàng chục nghìn tài khoản mạng xã hội khác nhau, tạp chí trực tuyến Dabiq và một kênh truyền hình riêng với tên gọi Caliphate Channel. 

Các hình ảnh, video của IS đều được dàn dựng công phu và phát tán nhanh chóng, thậm chí được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Đức… với mục đích rao giảng lý tưởng, lôi kéo và xúi giục các phần tử cực đoan trên thế giới, bên cạnh việc đe dọa chống Mỹ, phương Tây và liên minh chống IS. 

Riêng trên mạng xã hội Twitter, chúng đã tạo lập tới 4.600 tài khoản khác nhau và thu hút được ít nhất 300.000 độc giả. IS đang hy vọng, bằng Internet, chúng sẽ lôi kéo được khoảng 3.400 người phương Tây và ít nhất 300 người Mỹ gia nhập tổ chức của chúng. 

Vì thế, ngay sau khi tuyên bố thành lập lực lượng "cảnh sát Internet", giới chức Nhà Trắng trong đó có Tổng thống Mỹ Barack Obama và đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đã có cuộc gặp với đại diện những công ty công nghệ hàng đầu ở thung lũng Silicon để thảo luận về biện pháp ngăn chặn hoạt động tuyên truyền trên mạng của các phần tử cực đoan, đặc biệt là IS. 

"Cảnh sát Internet" của Mỹ còn mở chiến dịch trực tuyến chống IS mang tên "Think again, turn away" (tạm dịch là Hãy nghĩ lại, quay lưng lại). Các video trong chiến dịch là sản phẩm phối hợp giữa "cảnh sát Internet" và Trung tâm Thông tin chống khủng bố sách lược (CSCC) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ với nội dung băng nhằm chỉ trích việc IS hành quyết các con tin, phá hủy các di tích lịch sử Hồi giáo trong thời gian qua, phơi bày tội ác của các tổ chức khủng bố…

Trong khi đó, EU lại sử dụng phương cách khác khá hiệu quả. Đó là mời các thủ lĩnh tinh thần Hồi giáo trên thế giới phát biểu về IS và đưa ra lời khuyên cho cộng đồng người Hồi giáo. 

Chẳng hạn như ở Anh, thủ lĩnh Hồi giáo Hadhrat Mirza Masroor Ahmad đã không dưới 3 lần đưa vấn đề IS vào các bài phát biểu của mình trước cộng đồng người Hồi giáo hoặc trong các bài thuyết giảng. Thủ lĩnh Hadhrat Mirza Masroor Ahmad còn xuất hiện trên báo giới, đã ra khuyến cáo về việc có nhiều người Hồi giáo lầm tưởng "thánh chiến", "khủng bố" như IS kêu gọi là "tử vì đạo". Ông này nhấn mạnh, tất cả những tuyên bố đó chỉ là ngụy biện cho các hành động xấu xa, chống lại loài người và người Hồi giáo cần phải hiểu rõ để tránh việc thực hiện theo những chỉ dẫn sai lầm… 

Các thanh niên Hồi giáo người Anh dưới sự hỗ trợ của tổ chức cộng đồng Anh Active Change Foundation, đã tự tìm nhau trên trang mạng Twitter rồi thành lập một nhóm mang tên NotInMyName với nhiệm vụ chính là "chiến đấu chống lại IS" và "tố cáo hành động bạo lực của chúng". Chưa hết, NotInMyName tiếp tục làm nóng bầu nhiệt huyết chống IS trên mạng bằng những trang fanpage khác ở Facebook và một số mạng xã hội khác…

Hương Nho
.
.
.