Cảnh sát Italy phá đường dây đưa người nhập cư trái phép

Thứ Hai, 04/05/2015, 18:00
Thông báo của Cơ quan Bài trừ tội phạm quốc gia ở Palermo và cảnh sát Palermo, thủ phủ Sicily, Italy khiến dư luận phần nào hiểu được nguồn cơn của làn sóng nhập cư bất hợp pháp đang khiến Liên minh châu Âu (EU) đau đầu. Bởi trong thông báo hôm 20/4, cảnh sát Italy cho biết, vừa triệt phá một đường dây tội phạm xuyên quốc gia chuyên tổ chức đưa người vượt biên trái phép từ châu Phi sang châu Âu, và nước này là điểm dừng chân đầu tiên của bọn chúng. 

Trong số 24 nghi phạm bị bắt, đáng chú ý nhất là Ermias Ghermay và Medhane Yehdego Redae, bởi chúng được nhà chức trách Italy coi là thủ lĩnh của bọn tội phạm chuyên tổ chức các chuyến tàu chở người nhập cư dọc bờ biển Libya sang Italy.

Theo công tố viên chống mafia Maurizio Scalia, người đứng đầu chiến dịch mang tên "Glauco II", bọn tội phạm kể trên (có cấu kết chặt chẽ với các băng nhóm tội phạm ở châu Phi) đã thu 5.000 USD/người sau khi đưa họ vượt qua sa mạc, đến bờ biển Libya, rồi thu tiếp 1.500 USD/người sau khi vượt Địa Trung Hải, sau đó nhận từ 200 đến 400 euro/người để đưa vào các trại tiếp nhận ở Italy, và thu nốt 1.500 euro/người để đưa họ từ Italy đến Na Uy, Đức và Thụy Điển.

Trung bình mỗi chuyến tàu chở khoảng 200 người nhập cư trót lọt sẽ giúp bọn tội phạm đút túi 80.000 euro/tên. Và theo thống kê, việc tổ chức đưa người nhập cư trái phép là ngành "công nghiệp" béo bở mang lại lợi nhuận tới 34 tỷ USD/năm cho các tổ chức tội phạm. Nhưng đã có khoảng 4.000 người nhập cư chết vì tai nạn trên "đường vận chuyển" kể từ đầu năm 2014 đến nay, trong đó có 3.000 người chết trên Địa Trung Hải.

Những người sống sót trong vụ chìm tàu đêm 18/4.

Được biết, riêng năm 2014 đã có 170.000 người đến Italy trái phép bằng đường biển, bằng con số của 3 năm trước cộng lại. Và trong năm nay, ước tính có khoảng 250.000 người sẽ rời Bắc Phi tới Italy bởi chỉ trong 4 tháng đầu năm 2015, Italy đã tiếp nhận hơn 24.000 người nhập cư trái phép bằng đường biển.

Còn theo thống kê của Cơ quan Quản lý biên giới châu Âu (Frontex), số người nhập cư trái phép vào châu Âu trong năm 2014 là 276.000 người, tăng gấp 3 so với năm 2013, trong đó 220.000 người tìm cách thâm nhập qua Địa Trung Hải.

Ngày 21/4, Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã kêu gọi châu Âu và cộng đồng quốc tế cần phải làm nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa trong việc ngăn chặn các thảm họa liên quan đến nhập cư trái phép bằng đường biển.

Trước đó (19/4), Chính phủ Italy đã họp khẩn để bàn cách đối phó với dòng người nhập cư trái phép đổ vào nước này bằng đường biển ngày một đông. Cuộc họp này diễn ra sau khi hơn 800 người được cho là đã chết đuối trong vụ lật thuyền ở ngoài khơi bờ biển Libya đêm 18/4. Ngày 20/4, cảnh sát Italy đã bắt thuyền trưởng và một thủy thủ của chiếc tàu gặp nạn kể trên. Và vụ bắt giữ diễn ra trong khi EU công bố gói biện pháp sau cuộc họp khẩn giữa các Ngoại trưởng và Bộ trưởng Nội vụ của tổ chức này tại Luxembourg nhằm nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng di dân trên Địa Trung Hải.

Mặc dù Italy liên tục phá các đường dây đưa người nhập cư sang châu Âu, đồng thời bắt 976 chủ tàu và thủy thủ trong hơn 1 năm qua, nhưng theo Thủ tướng Italy Matteo Renzi, nỗ lực của Italy là không đủ, EU phải tăng cường hỗ trợ nước này trong việc tiêu diệt các tổ chức tội phạm lợi dụng tình hình bất ổn ở Bắc Phi để kiếm tiền. Ông Matteo Renzi cũng cho rằng, chống buôn người là chống "buôn nô lệ thế kỷ 21".

Được biết, EU đã công bố kế hoạch 10 điểm để ngăn chặn làn sóng người di cư bất hợp pháp theo đường biển đến châu lục này, bởi trung bình mỗi tuần đã có hàng trăm người bỏ mạng trên Địa Trung Hải. Kế hoạch 10 điểm này được thảo luận và quyết định tại cuộc họp thượng đỉnh bất thường của lãnh đạo các quốc gia thành viên EU, diễn ra hôm 23/4 tại Brussels, Bỉ. Cao ủy châu Âu về đối ngoại, bà Federica Mogherini cho biết, EU sẽ đẩy mạnh tuần tra trên Địa Trung Hải, đặc biệt là chiến dịch tuần tra Triton và Poseidon, bằng cách tăng cường tài chính và các nguồn lực. Đồng thời thu giữ, phá hủy những chiếc thuyền chở người di cư trái phép, cũng như mở các chiến dịch quân sự nhằm vào mạng lưới buôn người ở Libya.

Ngày 21/4, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã hối thúc châu Âu tăng cường giải quyết cuộc khủng hoảng di cư sau khi xảy ra một loạt thảm họa trên Địa Trung Hải. Đồng thời khẳng định, Hội nghị thượng đỉnh châu Âu diễn ra hôm 23/4 không thể là bình thường. Tuy nhiên, ông Francois Hollande cũng nhấn mạnh, phải giải quyết căn nguyên của vấn đề khiến hàng nghìn người di cư đổ về châu Âu, đồng thời nhận định, cuộc khủng hoảng ở Libya là "căn nguyên" tạo điều kiện cho những kẻ buôn người "đục nước béo cò" - những kẻ buôn người chính là những tên khủng bố cần phải tiêu diệt.
Quốc Tuấn - Khắc Dũng
.
.
.