Cảnh sát khu vực Balkan tổ chức Hội nghị hợp tác phòng chống tội phạm chung

Thứ Ba, 19/11/2013, 10:46

"Công tác phòng chống tội phạm có tổ chức chỉ có thể thành công khi có sự hợp tác mở rộng của các nước trong khu vực”.

Trên đây là ý kiến phát biểu của ông Ivica Dacic -Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Serbia tại Hội nghị Cảnh sát trưởng khu vực Balkan.

"Bộ Nội vụ Serbia luôn được xem là đối tác quan trọng trong cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức, trong đó chủ yếu bao gồm buôn lậu ma túy, vũ khí, xe ôtô, người và tiền giả”, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Serbia Ivica Dacic phát biểu trước các đại biểu cảnh sát khu vực Balkan tại Belgrade, Serbia hôm thứ năm tuần qua.

Ông Ivica Dacic nhận định sự phát triển của công nghệ cũng đồng nghĩa với sự gia tăng của tội phạm trên mạng Internet và nhấn mạnh Serbia có "vai trò quan trọng trong việc tăng cường hợp tác, thiết lập hòa bình và ổn định khu vực”.

Hội nghị cảnh sát lần đầu tiên này của khu vực Balkan được Serbia và Italy tổ chức (Italy không nằm trong vùng Balkan nhưng vẫn tham gia hỗ trợ nước chủ nhà chính của hội nghị là Serbia, vì các vấn đề tội phạm trong đó có buôn người, nhập cư trái phép vào Italy ngày càng tăng, nên chính phủ nước này cần sự hợp tác từ các nước Balkan). Lãnh đạo cảnh sát các nước: Serbia (ông Milorad Veljovic) và Italy (ông Alessandro Pansa) được vinh dự có phát biểu chính thức.

Ông Alessandro Pansa (trái), đại diện cảnh sát Italy và ông Milorad Veljovic (phải), đại diện cảnh sát Serbia tại Hội nghị Cảnh sát khu vực Balkan năm 2013.

Hội nghị quy tụ đại diện lực lượng cảnh sát các nước Albania, Bosnia-Herzegovina, Bulgaria, Croatia, Macedonia, Hi Lạp, Hungary, Montenegro, Moldova, Cộng hòa Serbia, Romania và Slovenia.

Ông Alessandro Pansa đại diện cảnh sát Italy cho biết, nước ông hiện có 13 sĩ quan liên lạc ở Balkan và rất quan tâm đến công tác hợp tác phòng chống tội phạm với các nước trong khu vực này.

"Nhiệm vụ trọng tâm  là vô hiệu hóa tất cả các tổ chức liên quan đến các hoạt động phạm pháp ở Balkan đang bành trướng ảnh hưởng của chúng sang châu Âu”, ông Pansa nhấn mạnh, đồng thời ông cho biết thêm kể từ năm 2006 đến nay " một số lượng lớn các tổ chức tội phạm được triệt phá”.

Ông Dacic cho biết Serbia sẽ khẳng định cam kết của nước này với cộng đồng châu Âu thông qua sàng lọc cũng như quyết tâm thúc đẩy cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức, tất cả đều là những thách thức lâu dài, đòi hỏi tính linh hoạt và sự thích nghi với tình hình để có thể đáp ứng với hoàn cảnh mới hiệu quả hơn.

Thủ tướng Serbia nhấn mạnh, trong những năm gần đây Serbia phải đối mặt với khó khăn tăng gấp bội, đó là: sự gia tăng số lượng người nhập cư trái phép vào Serbia, mà còn cả số lượng người xin tị nạn nước ngoài của người dân Serbia cũng tăng lên. Ông Dacic mong rằng sự hợp tác ngày càng được cải thiện giữa các nước Balkan sẽ giải quyết được vấn đề này.

Trong thời gian diễn ra hội nghị, ông Dacic thông báo rằng  một cuộc họp của chính phủ Serbia và Hội đồng Bộ trưởng Bosnia-Herzegovina sẽ được tổ chức vào tháng tới và đã nhắc lại trong phiên họp được tổ chức trước đó với sự tham dự của đại diện chính phủ các nước Macedonia và Slovenia.

Phát biểu tại hội nghị, ông Ivica Dacic cho biết số lượng đơn xin tị nạn nước ngoài được người dân Serbia nộp đã giảm đáng kể so với các năm trước đây và chính phủ Serbia đã thực hiện hàng loạt biện pháp rõ ràng để cắt giảm số lượng người tị nạn bất hợp pháp.

Thủ tướng Serbia cho biết trong cùng thời điểm này Serbia phải đối mặt với áp lực được tạo ra từ phía Liên minh châu Âu để giảm con số này càng sớm càng tốt.

Ông Dacic cho biết số lượng người nhập cư trái phép vào Serbia có xu hướng tiếp tục gia tăng trong nửa đầu năm nay.

"Hơn 6.000 người vượt biên trái phép đã bị ngăn chặn, giảm 32% so với năm ngoái, khi đó có khoảng 9.000 người nhập cư bất hợp pháp được phát hiện”, trích tuyên bố của thủ tướng Serbia.

Áp lực lớn nhất do những người nhập cư bất hợp pháp tạo ra là ở khu vực biên giới giữa Serbia với các nước Hungary, Croatia. Theo ông Dacic Serbia nằm trên tuyến đường quá cảnh từ Thổ Nhĩ và Hi Lạp đến Hungary, hầu hết những người nhập cư trái phép bằng cách lợi dụng quy chế quyền tị nạn hoặc quá cảnh qua Serbia hoặc ở lại nước này trong một thời gian.

Cũng theo người đứng đầu chính phủ Serbia, những người nhập cư hầu hết đến từ các nước Afghanistan, Palestine và Pakistan và số lượng liên tục tăng trong vài năm qua.

"Tất cả các nước Balkan đang đấu tranh chống di cư bất hợp pháp đã tăng trong một vài năm gần đây do chính sách tự do hóa thị thực và tình hình ở Trung Đông”, ông Dacic phân tích lý do cần có sự hợp tác chặt trong công tác "hạn chế" nhập cư để ngăn ngừa tội phạm trong khu vực Balkan.

Thủ tướng Dacic cũng kiến nghị với đại diện cảnh sát các nước trong khu vực cần phải có sự hợp tác toàn diện và chặt chẽ hơn nữa để giải quyết khó khăn chung có như vậy các nước vùng Balkan mới trở thành "khu vực an toàn hơn”

Phạm Hữu Tùng
.
.
.