Cảnh sát ở đất nước Vạn Đảo

Thứ Ba, 09/08/2016, 15:11
Tiền thân của Cảnh sát Quốc gia Indonesia là lực lượng vũ trang quốc gia Indonesia và được tách ra từ quân đội năm 1999.

Hiện nay, lực lượng này nằm dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống Indonesia và chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự trên toàn quốc.

Hiện, lực lượng Cảnh sát quốc gia có 387.470 người, trong số đó có khoảng 12.000 cảnh sát biển, với trụ sở được đặt tại Thủ đô Jakarta.

Nữ cảnh sát Indonesia.

Về tổ chức, dưới Cơ quan Cảnh sát quốc gia là cảnh sát cấp tỉnh, cảnh sát cấp quận, cảnh sát cấp xã và cảnh sát cộng đồng quản lý an ninh trật tự ở những làng nhỏ. Cảnh sát Indonesia phân cấp chỉ huy đặc biệt đối với cảnh sát ở thủ đô để họ có nhiều quyền hành và những hành động xử lý các tình huống khẩn cấp nhằm đảm bảo an ninh trật tự cho trung tâm chính trị, hành chính của đất nước.

Các tỉnh có diện tích và dân số rất lớn như Đông Java, Tây Java và Trung tâm Java có cơ chế đặc biệt để đảm bảo mối quan hệ lãnh đạo, chỉ huy của chỉ huy cảnh sát tỉnh với cảnh sát các quận, huyện.

Mặc dù là nước Hồi giáo nhưng cảnh sát Indonesia tuyển dụng cả nữ cảnh sát. Công tác tuyển dụng được chú trọng để tuyển được các nhân viên tốt, đáp ứng các yêu cầu về lý lịch, sức khỏe, kỹ năng làm việc. Tất cả ứng viên phải sử dụng thành tạo tiếng Indo và tiếng Anh.

Các cảnh sát bình thường chỉ cần trải qua khóa đào tạo tại các cơ sở đào tạo phổ thông của cảnh sát Indonesia nhưng nếu muốn được đề bạt lên chức vụ và có cấp hàm trung cấp, cao cấp trở lên bắt buộc cảnh sát đó phải có bằng đại học các chuyên ngành và được đào tạo tại Học viện Cảnh sát quốc gia Indonesia.

Ngoài các đơn vị cảnh sát thông thường, cảnh sát Indonesia còn có các lực lượng cảnh sát chuyên biệt để giải quyết các vấn đề khẩn cấp, đặc trưng. Cảnh sát cơ động (Brimob) là một lực lượng đặc biệt của Cảnh sát Indonesia, có nhiệm vụ giải quyết những nhiệm vụ đặc biệt đe dọa tới an ninh, đóng vai trò hỗ trợ trong kiểm soát bạo động.

Là một tổ chức bán quân sự nên toàn bộ chương trình huấn luyện và trang thiết bị của lực lượng có nét tương đồng như Quân đội Indonesia.  Gegana là một đơn vị đặc biệt chống khủng bố, vô hiệu hóa bom mìn, tình báo và giải quyết các mối đe dọa liên quan tới vũ khí hóa học, sinh học.

Biệt đội 88 là một lực lượng đặc nhiệm của Cảnh sát Indonesia chuyên về chống khủng bố. Danh tính của họ luôn được giữ bí mật.

Cảnh sát hàng không Indonesia có nhiệm vụ thực thi pháp luật trên vùng trời lãnh thổ của Indonesia. Đơn vị này đồng thời hỗ trợ cho cảnh sát trong hoạt động trinh sát trên cao, truy tìm, giải cứu và tuần tra trên không, được sử dụng cả trực thăng và máy bay phản lực cỡ nhỏ và cỡ trung.

Là một đất nước vạn đảo, lực lượng cảnh sát biển của Indonesia rất hùng hậu, có khoảng 12,000 người trên khắp cả nước, có nhiệm vụ bảo vệ an ninh đường biển, đồng thời kiểm soát các hoạt động đánh bắt hải sản trái phép và tiến hành thực thi pháp luật đối với các ngư dân và giấy phép đi biển của họ trong lãnh thổ hải phận của Indonesia.

Các sỹ quan bình thường của Cảnh sát Indonesia sử dụng súng ngắn Remington 870 và súng trường loại Taurus Model 82, trong khi các sỹ quan thuộc lực lượng đặc nhiệm 88, Gegana hoặc Brimob sử dụng súng trường bán tự động Glock 17, M16, Pindad SS1.

Ngoài ra, cảnh sát Indonesia còn dùng một số loại vũ khí hạng nặng như súng máy Heckler & Koch MP5 và "Sabhara"/Police V1-V2 Pindad SS1 cũng như súng phóng lựu. 

Bắt giữ đối tượng phạm tội.

Trong khi đó, cảnh sát điều tra thường sử dụng xe loại Toyota Avanzas và các chuyên gia kỹ thuật hình sự sử dụng xe chuyên dụng Suzuki APV. Cảnh sát giao thông Indonesia lại thường sử dụng các loại xe Mazda 6, Mitsubishi Lancer Evolution, Toyota Vios, Ford Focus sedans, Hyundai Elantra and Ford Rangers, Toyota Rush và Daihatsu Terios.

Các đơn vị cảnh sát đặc nhiệm và cảnh sát chống khủng bố, chống bạo động của Indonesia thường sử dụng các loại xe đặc chủng như Pindad Komodo, Barracuda APC, xe chống đạn biến thể Mitsubishi Stradas, 2002 Nissan Terrano Spirits, Isuzu Elfs và Toyota Dynas.

Đối với các sỹ quan cấp cao (cấp tướng), họ được trang cấp và sử dụng xe loại Toyota Camrys, Hyundai Sonatas, Toyota Land Cruisers hoặc Toyota Prados. Các đơn vị đặc biệt của cảnh sát Indonesia có thể được trang bị xe thiết giáp chở quân và xe bọc thép hạng nặng.

Đầu tiên, cảnh sát Indonesia sử dụng hệ thống cấp hàm hệ châu Âu (thanh tra, tư lệnh…). Khi nằm trong hệ thống quân đội, cảnh sát Indonesia sử dụng cấp bậc hàm tương ứng hệ quân sự (cấp úy, cấp tá, cấp tướng).

Năm 2000, sau khi độc lập với quân đội, cảnh sát Indonesia quyết định trở lại sử dụng hệ thống cấp hàm hệ châu Âu. Cảnh sát Indonesia đã thay đổi hệ thống quân phục ba lần và hiện nay họ sử dụng quân phục màu xám nâu và nâu đậm.

Quân phục được thiết kế dạng "body" sát thân vừa tạo nên nét khỏe khoắn vừa giúp sỹ quan thoải mái, gọn gàng trong khi thi hành công vụ. Tất cả các sỹ quan khi thực thi công vụ đều được phép mang theo vũ khí và công cụ hỗ trợ.

Ngay từ năm 1954, Indonesia đã trở thành thành viên của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol và thành lập Văn phòng Interpol quốc gia với vai trò duy trì sự hợp tác giữa cảnh sát Indonesia với Interpol và cảnh sát các nước thành viên Interpol. Hiện nay, Indonesia cũng là thành viên của Hiệp hội Cảnh sát các quốc gia Đông Nam Á (ASENAPOL).

Cảnh sát Indonesia duy trì và tăng cường hợp tác với cảnh sát các nước, trong đó có Cảnh sát Việt Nam, thông qua các thỏa thuận, ghi nhớ, công tác trao đổi đoàn, học tập kinh nghiệm, trao đổi thông tin tình báo, đào tạo song phương, hỗ trợ điều tra, bắt giữ và chuyển giao tội phạm…

Cảnh sát Indonesia đang tích cực tìm hiểu, học tập kinh nghiệm hay của các nước để áp dụng những chính sách tiên tiến vào công tác cảnh sát và tăng cường sử dụng các trang thiết bị, kỹ thuật hiện đại để lực lượng cảnh sát thực thi pháp luật hiệu quả hơn.

Hiện nay, tình hình các loại tội phạm đang có nhiều diễn biến phức tạp, trong đó có tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy và tội phạm có tổ chức.

Đặc biệt, là quốc gia đông dân nhất trong thế giới Hồi giáo, Indonesia ý thức được mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia từ các tổ chức khủng bố, các tổ chức Hồi giáo cực đoan, nhất là Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đang tìm cách lôi kéo công dân Indonesia tham gia chiến đấu trong hàng ngũ của chúng sau đó "chuyển lửa về quê nhà" để biến Indonesia thành mặt trận lớn thứ hai của chúng sau khu vực Trung Đông.

Bài học từ các vụ khủng bố đẫm máu đã xảy ra trên đảo Bali và Thủ đô Jakarta vẫn còn nóng hổi và khiến cảnh sát Indonesia không được lơi là, mất cảnh giác.

Ngoài ra, âm mưu ly khai tại các vùng khác nhau của đất nước cũng đặt ra những yêu cầu về phòng ngừa, phát hiện và xử lý tình huống đối với toàn bộ lực lượng cảnh sát Indonesia để đảm bảo sự thống nhất và toàn vẹn của đất nước.

Cảnh sát Indonesia cũng đang phải đối mặt với tình trạng tham nhũng, vi phạm pháp luật và lạm quyền trong khi thi hành công vụ, đòi hỏi cần có các biện pháp quyết liệt và hiệu quả hơn nữa nhằm giữ trong sạch và kỷ luật, sức mạnh của lực lượng đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Phạm Vũ
.
.
.