Cảnh sát ở xứ sở giàu nhất Châu Phi

Thứ Ba, 09/08/2016, 15:21
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, tới năm 1995, lực lượng Cảnh sát quốc gia Nam Phi (SAP) được thành lập trên cơ sở sáp nhập 10 cơ quan cảnh sát khác nhau và một số đơn vị phối thuộc.


số hiện nay của SAP là khoảng  gần 200.000 người, chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự cho đất nước rộng hơn 1,2 triệu km2 và gần 53,5 triệu công dân.

Tổng hành dinh của SAP đặt tại thành phố Pretoria, gồm 6 đơn vị chức năng: Cục Điều tra và phòng chống tội phạm, Cục Trị an, Cục An ninh trong nước, Cục Quan hệ công chúng, Cục Hậu cần và Cục Quân lực.

Cảnh sát Nam Phi.

Cục Điều tra và phòng chống tội phạm chịu trách nhiệm quản lý dữ liệu về tội phạm, chống tội phạm kinh tế, tội phạm hình sự, tội phạm ma túy, tội phạm liên quan đến vàng và kim cương, tìm kiếm người mất tích… với chức năng điều tra trên toàn bộ lãnh thổ.

Cục Trị an  chịu trách nhiệm đối với các hoạt động an ninh công khai như bảo vệ nguyên thủ, các vị trí trọng yếu của đất nước, điều hành hoạt động của lực lượng cảnh sát đặc nhiệm và các biệt đội chống khủng bố, cảnh sát giao thông.

Cục An ninh trong nước chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh nội bộ, phòng chống bạo loạn. Cục Quan hệ công chúng là cầu nối giữa lực lượng cảnh sát và các cơ quan, tổ chức, công dân, đảm bảo nhân quyền trong hoạt động thực thi pháp luật của cảnh sát.

Cục Hậu cần đảm bảo về trang thiết bị, tài chính, quản trị và tư vấn pháp luật đối với mọi mặt của SAP. Cục Quân lực đảm bảo công tác tuyển dụng, đào tạo và đảm bảo nhân sự, công tác thi đua, khen thưởng, thăng cấp bậc hàm…

Đứng đầu SAP là Tổng thanh tra cảnh sát (tương đương bộ trưởng trong chính phủ). Giúp việc tổng thanh tra có 05 phó tổng thanh tra (hàm thứ trưởng) phụ trách các lĩnh vực khác nhau.

Sử dụng phương tiện hiện đại trong công tác cảnh sát.

Nằm dưới sự chỉ huy của Cơ quan Cảnh sát quốc gia là 9 cảnh sát vùng, dưới cảnh sát vùng là cảnh sát cấp tỉnh rồi đến đồn cảnh sát với nhiệm vụ và quyền hạn to lớn, có tính tự chủ cao. Hiện nay, trên toàn lãnh thổ Nam Phi có tới 1.138  đồn cảnh sát, được phân bố tùy tình hình thực tế về an ninh trật tự và dân cư.

Thông thường, khi sỹ quan cảnh sát Nam Phi tuần tra sẽ mang súng ngắn 9mm loại Vektor Z88, Glock hoặc RAP 401 cùng bình xịt hơi cay. Đồng thời, trong xe tuần tra của họ có súng tiểu liên R5 để dùng trong trường hợp khẩn cấp.

Các đồn cảnh sát được trang bị súng bán tự động R1, súng máy BXP, súng chống bạo loạn Musler 12 có khả năng bắn đạn cao su và đạn hơi cay khi chống bạo loạn. Lực lương đặc nhiệm được trang bị thêm súng bắn tỉa R1.

Hiện nay, cảnh sát Nam Phi sử dụng nhiều phương tiện vận chuyển hiện đại không kém cảnh sát các nước tiên tiến như ôtô tuần tra, xuồng cao tốc, trực thăng vũ trang, thậm chí sử dụng cả máy bay phản lực để thực hiện công việc chuyển quân hoặc trinh sát từ xa.

Họ cũng sử dụng công nghệ flycam (camera trực thăng) để thu thập hình ảnh, tin tức trong hoạt động của mình. SAP cũng được trang bị một số trực thăng cực kỳ tối tân Eurocopter MBB BO105 và Kawasaki BK 117 với chức năng trinh sát và chụp ảnh hồng ngoại ban đêm trong những điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất.

Trước đây, cảnh sát Nam Phi sử dụng hệ thống cấp bậc hàm tương tự hệ thống cấp bậc hàm trong quân đội (cấp tướng, cấp tá, cấp úy…). Từ năm 2009, SAP chuyển sang hệ thống cấp hàm tương ứng với hệ thống cấp hàm tại các nước phương Tây đang sử dụng (thanh tra, chánh thanh tra…).

Tấn công trấn áp tội phạm.

Công tác tuyển dụng và đào tạo khá chặt chẽ với hệ thống các cơ sở đào tạo được quy hoạch theo mô hình của cảnh sát các nước tiên tiến cùng với việc áp dụng các chính sách cảnh sát hiện đại và áp dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật hình sự vào quá trình thực thi nhiệm vụ.

Tất cả các sỹ quan cảnh sát Nam Phi đều phải sử dụng thông thạo tiếng Anh và lái xe ôtô tốt. Định kỳ, các sỹ quan phải tham gia kỳ sát hạch về các kỹ năng công tác, những người không đạt lập tức bị sa thải, do vậy trong lực lượng cảnh sát không có chỗ cho sức ỳ và sự tụt hậu.

Cảnh sát cũng là nghề có chế độ lương và phúc lợi khá trong xã hội nhằm tạo điều kiện cho sỹ quan cảnh sát yên tâm công tác, hạn chế những tiêu cực có thể phát sinh. Hiện 28% quân số cảnh sát Nam Phi là người da trắng, 70% là người da màu và 2% là người gốc thổ dân.

Về giới tính, 70% là cảnh sát nam, cảnh sát nữ chiếm 30%. Cảnh sát Nam Phi cũng đang hướng tới sự bình đẳng chủng tộc và giới tính trong lực lượng nhằm xây dựng lực lượng chính quy, hiện đại.

Là đất nước có dân số đông, đa sắc tộc và chịu ảnh hưởng lâu năm của chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid nên mặc dù nền kinh tế khá phát triển nhưng xã hội Nam Phi có nhiều yếu tố phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự.

Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội của Nam Phi cũng có nhiều diễn biến phức tạp với số vụ giết người, cướp tài sản, hiếp dâm, buôn bán ma túy, buôn lậu vũ khí, buôn người, lừa đảo… ở mức cao và có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Trong các vụ phạm tội hình sự, tội phạm phần lớn sử dụng vũ khí nóng để tấn công nạn nhân và chống trả quyết liệt cảnh sát khi bị vây bắt.

Trong một số vụ, các băng đảng tội phạm sử dụng tới cả vũ khí hạng nặng để chống lại các cuộc tấn công của cảnh sát đặc nhiệm. Mỗi năm trung bình có tới hơn 100 cảnh sát Nam Phi hy sinh trong quá trình thực thi công vụ.

Hiện nay, cảnh sát Nam Phi đang phải đối mặt với vấn nạn tham nhũng, lạm quyền trong khi thi hành công vụ và tình trạng phân biệt chủng tộc vẫn âm ỉ tồn tại giữa các nhóm cảnh sát da trắng và da màu. 

Mỗi năm có hàng trăm sỹ quan cảnh sát bị bắt giữ vì các tội liên quan đến tham nhũng, hiếp dâm, giết người… Trong đó, có không ít sỹ quan cấp cao cũng bị cáo buộc với những tội danh rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới uy tín của toàn lực lượng.

Cùng với sự phát triển mạnh kinh tế - xã hội trong các năm gần đây, tội phạm và tệ nạn xã hội ở Nam Phi cũng có nhiều diễn biến mới khó lường, nhất là tội phạm phi truyền thống, tội phạm khủng bố quốc tế và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đang là các thách thức lớn đối với SAP, đặt ra cho họ những đòi hỏi phải đổi mới và hoạch định chiến lược để đáp ứng yêu cầu giữ gìn an ninh trật tự cho đất nước trong tình hình mới.

Phạm Oanh
.
.
.