Tiếp vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ:

Cảnh sát truy bắt phần tử tham gia đảo chính

Thứ Hai, 25/07/2016, 20:34
Sau khi biết về sự mất tích của 42 máy bay trực thăng quân sự, nhiều người đã lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc đảo chính khác. Và giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định điều thêm 2.000 cảnh sát đặc nhiệm tới các khu vực lân cận để bảo đảm an ninh cho thành phố Istanbul.

Ngoài ra, lực lượng cảnh sát đặc nhiệm còn được triển khai tới các vị trí chiến lược ở Istanbul. Việc này diễn ra khi có hơn 8.000 cảnh sát bị sa thải, trong đó có nhiều cảnh sát ở thành phố Istanbul và thủ đô Ankara - họ bị cáo buộc có liên quan tới vụ đảo chính quân sự bất thành tối 15-7.

Và để ngăn ngừa nguy cơ xảy ra cuộc đảo chính thứ hai, Tổng thống Recep Tayip Erdogan còn triển khai máy bay chiến đấu F-16 để bảo vệ không phận, và cho phép họ bắn hạ bất cứ trực thăng nghi vấn nào không phải cảnh báo trước.

Cảnh sát bảo vệ một binh sĩ tham gia đảo chính đã đầu hàng trên cầu Bosphorus, thành phố Istanbul.

Theo giới truyền thông, cảnh sát đã xung đột với các đối tượng tham gia cuộc đảo chính bất thành tại một sân bay ở thành phố Istanbul. Cuộc đụng độ bùng phát khi cảnh sát tiến vào sân bay Sabiha Gokcen để bắt những đối tượng âm mưu đảo chính.

Và giới chức thực thi pháp luật đã phải nổ súng cảnh cáo để trấn áp họ trong quá trình bắt giữ. Một số cuộc đụng độ khác cũng đã xảy ra ở căn cứ quân sự Konya, miền trung Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng tình hình được kiểm soát nhanh chóng.

Điều đáng nói là trong cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ, một cảnh sát đã khiến dư luận nể phục khi lấy thân mình để bảo vệ một binh sỹ thuộc phe đảo chính khỏi sự tấn công của đám đông người dân đang giận dữ. Đoạn video ghi lại vụ việc và được hãng tin RT đăng lại - người biểu tình xông tới, đạp liên tiếp vào binh sỹ này khi anh ta đang tìm cách chui ra khỏi tháp pháo của xe tăng.

Tới khi anh nhô người ra khỏi tháp pháo, liền bị ném gạch đá, cho dù binh sỹ đã giơ tay hàng, nhưng đám đông vẫn không ngừng tấn công. Và việc kể trên chỉ dừng lại khi một cảnh sát đeo mặt nạ chống độc trèo lên xe tăng và hét về phía đám đông, rồi đưa binh sỹ này tới nơi an toàn.

Về phần mình, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim vừa cảnh báo về ý định trả thù sau vụ đảo chính bất thành tối 15-7. Và cho biết, nhà chức trách đã bắt hơn 7.500 người, trong đó có 103 tướng và đô đốc, vì có liên quan tới vụ đảo chính.

Theo báo chí Thổ Nhĩ Kỳ, đã có 36 tướng quân đội bị bắt, trong đó đáng quan tâm có Tướng Mehmet Disli, người ra lệnh bắt cóc Tham mưu trưởng quân đội Hulusi Akar trong thời điểm vụ đảo chính diễn ra. Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, khoảng 6.000 người đã bị bắt để phục vụ cuộc điều tra liên quan tới vụ đảo chính lật đổ Tổng thống Recep Tayip Erdogan.

Theo thống kê mới nhất, số người thiệt mạng trong vụ đảo chính đã vượt con số 290 người, và hơn 1.400 người khác bị thương. Theo hãng thông tấn Anadolu, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở một cuộc điều tra toàn diện về âm mưu đảo chính bất thành hôm 15-7. Bởi những kẻ đảo chính tấn công nhiều địa điểm và trụ sở quốc hội đứng đầu trong danh sách.

Lực lượng đặc nhiệm được triển khai tại Istanbul.

Tuyên bố sẽ khôi phục hình phạt tử hình bị bãi bỏ năm 2004 của Tổng thống Recep Tayip Erdogan đang khiến dư luận quan tâm. Theo tờ Independent, sau vụ đảo chính bất thành, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng bắt gần 3.000 nghi phạm trong quân đội, cùng một số lượng tương tự thẩm phán và công tố viên.

Và điều này khiến ông Hahn, ủy viên của Liên minh Châu Âu (EU), người đang phụ trách xử lý đơn xin gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, Ankara đã chuẩn bị trước một danh sách, chỉ chờ thời điểm thích hợp để hạ thủ. Đây là động thái nhằm củng cố quyền lực của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Thậm chí có người còn cho rằng, vụ đảo chính là dàn dựng.

Giới chuyên môn nhận định, việc bỏ qua mạng xã hội và các kênh truyền hình tư nhân được coi là một trong những nguyên nhân khiến cuộc đảo chính thất bại. Lực lượng đảo chính đã lên đài truyền hình quốc gia TRT tuyên bố kiểm soát chính quyền, ban bố lệnh giới nghiêm và cảnh báo người dân ở nhà, nhưng họ đã phạm sai lầm lớn.

Bởi họ không bắt được bất kỳ nhà lãnh đạo nào của đảng cầm quyền, cũng như không ngăn nổi các đài truyền hình tư nhân tiếp tục phát sóng. Thay vì liên lạc với giới truyền thông nhà nước đã bị kiểm soát, ông Recep Tayip Erdogan đã gọi cho kênh truyền hình tư nhân bằng iPhone của mình, để người dân thấy ông vẫn tự do.

Ngoài ra, Tổng thống Recep Tayip Erdogan còn gọi cho kênh CNN ở Thổ Nhĩ Kỳ bằng ứng dụng FaceTime trên điện thoại và yêu cầu biên tập viên Nevsin Mengu xoay điện thoại của cô ra trước camera để ông kêu gọi người ủng hộ xuống đường biểu tình, chống lại phe đảo chính.

Mạnh Phong
.
.
.