Cơ quan Cảnh sát Thái Lan được thành lập năm 1933. Sau 66 năm trực thuộc Bộ Nội vụ, tới năm 1998, Cơ quan này được đổi tên là Cảnh sát hoàng gia Thái Lan (RTP) và nằm dưới quyền quản lý trực tiếp của Văn phòng Thủ tướng với nhiều quyền hạn được mở rộng.
Về tổ chức, RTP có Văn phòng Tổng hành dinh, Cục Điều tra trung tâm, Cơ quan xuất nhập cảnh, Cục Chống tội phạm về ma túy, Cục Hậu cần, Cơ quan bảo vệ an ninh hoàng gia, Cục Cảnh sát giao thông, Cơ quan Cảnh sát du lịch, Cơ quan quản lý đào tạo, Cơ quan cảnh sát thủ đô và 10 cơ quan cảnh sát cấp vùng (chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự tại 76 tỉnh của nước này, tức là 1 cơ quan cảnh sát cấp vùng sẽ chịu trách nhiệm bao quát 6 - 7 tỉnh). Trần cấp bậc hàm của các sỹ quan cấp cao Cảnh sát Thái Lan khá cao so với nhiều nước khi cấp Tổng cục trưởng cũng có thể được phong đến cấp hàm Đại tướng.
Ngoài các phương tiện hiện đại như xe ôtô, ca nô, trực thăng thì phương tiện phổ biến được cảnh sát Thái Lan sử dụng là xe máy và xe tuk - tuk. Không giống như phương tiện giao thông của cảnh sát nhiều nước được sơn đồng bộ do quan niệm văn hóa nên phương tiện của cảnh sát Thái rất đa dạng về màu sắc tùy theo cấp bậc, vùng và chức năng của lực lượng, người sử dụng.
 |
Thân thiện với người dân. |
Ví dụ, xe của cảnh sát ở thủ đô Bangkok được sơn màu đen - trắng thì cảnh sát một số tỉnh lại dùng sơn xe màu nâu sẫm - trắng, trong khi cảnh sát tuần tra cao tốc dùng màu nâu sẫm và vàng. Điều này cũng tương tự với quân phục nhưng nhìn chung trang phục của cảnh sát Thái Lan có xu hướng theo khuôn và chịu ảnh hưởng lớn của trang phục quân đội.
Thái Lan là nước có nền quân chủ không thực quyền khi vua và hoàng gia chỉ có quyền tượng trưng. Quân đội là lực lượng có quyền hành lớn và ảnh hưởng chi phối rất lớn đối với mọi mặt chính trị - kinh tế - văn hóa tại đất nước này.
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với nhiều biến cố chính trị và sự bất ổn của các chính phủ trước đây nhưng Cảnh sát hoàng gia Thái Lan vẫn hoàn thành tương đối tốt nhiệm vụ của mình, bảo vệ an ninh cho đất nước và trật tự xã hội. Dù cho vẫn còn tình trạng tham nhũng và một số tiêu cực nhưng khi tìm hiểu về lực lượng cảnh sát vương quốc này có thể thấy họ được tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật cao, các sỹ quan được đào tạo bài bản.
Là một đất nước có ngành công nghiệp không khói rất phát triển, Thái Lan rất chú trọng công tác giữ gìn hình ảnh và uy tín du lịch, trong đó cảnh sát đóng vai trò quan trọng. Ngoài việc đảm bảo an ninh cho du khách tại danh thắng, bảo vệ an toàn cho khách du lịch khi lưu trú tại nội địa, tạo điều kiện thuận lợi về xuất nhập cảnh, thủ tục hành chính, cảnh sát Thái Lan còn sẵn sàng giúp đỡ mọi điều có thể khi du khách cần thiết.
Điều này tạo ấn tượng tốt đối với du khách về đất nước Chùa Vàng và ý nghĩa sâu xa là góp phần tạo tâm lý để du khách muốn quay lại đất Thái thêm nhiều lần. Như thế, lợi nhuận kinh tế và uy tín quốc tế của đất nước Thái Lan được cao gấp rất nhiều lần chi phí bỏ ra để đảm bảo an ninh trật tự. Đây là bài tính rất khôn ngoan và hiệu quả của người Thái.
Ở bất kỳ đâu trên đất Thái, ta đều có thể bắt gặp hình ảnh quen thuộc khi những sỹ quan cảnh sát vũ trang tưởng như lạnh lùng nhưng lại niềm nở và thân thiện giúp đỡ du khách, chỉ đường tận tình cho du khách, sẵn sàng chụp ảnh lưu niệm cùng du khách khi có thể.
Không chỉ bảo vệ dân bản địa, khi có bất cứ sự vụ gì xảy ra với du khách, cảnh sát Thái đều nhiệt tình và tận tâm xử lý, truy bắt tội phạm hết sức và trong hết khả năng cho phép mà không đòi hỏi quyền lợi nào. Khi bắt được đối tượng phạm tội họ đều tìm mọi cách liên lạc với du khách để thông báo và trả lại tài sản bị mất cho họ kèm theo lời đề nghị thông cảm cho sự cố và những phiền toái xảy ra trên đất Thái.
Khi đến Thái Lan, nhiều du khách cũng rất thích thú và ngạc nhiên khi chứng kiến những vũ điệu dễ thương trên đường phố của các nữ cảnh sát giao thông Thái Lan khi họ điều khiển giao thông để giảm stress cho dân vào giờ cao điểm tắc đường ở Thủ đô Bangkok.
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt trong mối quan hệ song phương Việt Nam - Thái Lan, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực phòng chống tội phạm cũng được đặc biệt chú trọng. Nhiều hiệp định và bản ghi nhớ về phòng chống tội phạm cũng đã được ký kết, đi vào thực hiện.
Mối quan hệ hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam với các cơ quan hữu quan của Vương quốc Thái Lan nói chung và Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan nói riêng đã phát triển tích cực không ngừng và mở rộng về mọi mặt, ngày càng đi vào chiều sâu, theo đúng phương châm mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra, nhất là trong việc hợp tác trao đổi tình hình, phối hợp phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ.
Nhiều đoàn công tác các cấp của Bộ Công an Việt Nam và lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đã thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong các lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia; đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm quốc tế, tội phạm buôn người, tội phạm ma túy, đồng thời hợp tác nâng cao năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật.
Đặc biệt, cảnh sát Việt Nam và Thái Lan đã thực hiện chương trình trao đổi đào tạo học viên bậc đại học tại Học viện Cảnh sát của nhau. Các học viên Thái Lan được tham gia các khóa đào tạo tại Học viện Cảnh sát Việt Nam và học viên cảnh sát Việt Nam được đào tạo tại Học viện Cảnh sát hoàng gia Thái Lan đã hoàn thành xuất sắc chương trình học tập, được cấp bằng cử nhân và trở về nước công tác, góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa lực lượng Cảnh sát hai nước trong thời gian tới.
Đoàn Oanh