Cáo buộc nhận hối lộ từ nhiều công ty của cựu Tổng thống Argentina

Thứ Bảy, 18/08/2018, 09:42
Cựu Tổng thống Cristina Fernandez một lần nữa khẳng định, bà là nạn nhân của sự phân biệt đối xử trong ngành Tư pháp. Tuyên bố được đưa ra khi bà Cristina Fernandez xuất hiện tại tòa hôm 13-8 để đối mặt với các cáo buộc tham nhũng. 


Theo nữ cựu Tổng thống Cristina Fernandez, bà đã đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra tất cả các dự án công liên quan tới cáo buộc đối với bản thân, nhưng "đề nghị này đã bị từ chối". Bà Cristina Fernandez bác bỏ các cáo buộc xung quanh việc từng nhận hối lộ từ nhiều công ty trong giai đoạn nắm quyền (2007-2015) để trao cho họ những hợp đồng có giá trị lớn. 

Ngoài ra, nữ cựu Tổng thống cũng cho rằng, những cáo buộc nhằm vào bà đang bị lợi dụng để đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề kinh tế trong nước. Được biết, Thẩm phán liên bang Claudio Bonadio (đang lãnh đạo cuộc điều tra về đường dây hối lộ trong chính phủ từ năm 2003 tới năm 2015) đã ký lệnh triệu tập bà Cristina Fernandez tới tòa, nhưng nữ cựu Tổng thống không trả lời trực tiếp báo giới, chỉ viết trên tài khoản Twitter - chỉ trích các cáo buộc nhằm vào bà mang động cơ chính trị, tương tự như nhiều nhà lãnh đạo cánh tả Mỹ Latinh như cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, cựu Tổng thống Ecuado Rafael Correa.

Cựu Tổng thống Cristina Fernandez từng yêu cầu cơ quan chức năng sớm kết thúc điều tra và khai đình xét xử để bà có điều kiện chứng minh sự vô tội. Bà cũng từng tuyên bố, không hy vọng vào sự công lý nào từ Thẩm phán liên bang Claudio Bonadio bởi khi tại nhiệm, bà cố gắng bãi nhiệm ông, nhưng bất thành. 

Hơn 10 ngày trước (2-8), Thẩm phán liên bang Claudio Bonadio đã đề nghị Thượng viện cho phép khám xét nơi ở và làm việc của nữ cựu Tổng thống để phục vụ công tác điều tra xung quanh những cáo buộc nữ chính trị gia này liên quan tới một mạng lưới các doanh nghiệp tham gia hối lộ quan chức dưới thời bà Cristina Fernandez nắm quyền. 

Nguyên nhân chính khiến ông Claudio Bonadio phải xin quyết định của Thượng viện bởi bà Cristina Fernandez hiện là Thượng nghị sỹ (đắc cử sau cuộc bầu cử hôm 22-10-2017) và đây được coi là thất bại của Thẩm phán liên bang.

Bởi trước đó ông Claudio Bonadio từng kiến nghị Thượng viện tước quyền miễn trừ của bà Cristina Fernandez để bắt giữ nữ cựu Tổng thống với cáo buộc bao che cho một số người Iran bị tình nghi tham gia vụ đánh bom vào trung tâm AMIA của người Do Thái ở Buenos Aires năm 1994, nhưng bất thành.

Theo giới truyền thông, trước khi phát lệnh triệu tập và đề nghị Thượng viện cho phép "động thủ" đối với nữ cựu Tổng thống, ông Claudio Bonadio đã ký lệnh bắt giữ đối với hơn 10 doanh nhân và cựu quan chức dưới thời cố Tổng thống Nestor Kirchner và bà Cristina Fernandez nắm quyền.

Hơn 5 tháng trước (5-3), ông Claudio Bonadio đã ra lệnh khai đình xét xử bà Cristina Fernandez và 11 cựu quan chức chính phủ với cáo buộc bao che cho một số nghi phạm người Iran dính líu tới vụ đánh bom khủng bố kể trên. Bởi theo tài liệu được trình tại tòa, khi tại nhiệm, bà Cristina Fernandez đã ký 1 thỏa thuận với Iran để thành lập ủy ban điều tra chung vụ đánh bom vào trung tâm AMIA của người Do Thái ở Buenos Aires hôm 18-7-1994, khiến 85 người chết và 300 người bị thương, nhằm che giấu các nghi phạm chính của vụ án. Đổi lại, Argentina và Iran cam kết cải thiện quan hệ thương mại song phương. 

Cựu Tổng thống Cristina Fernandez.

Bà Cristina Fernandez từng tuyên bố, mục đích duy nhất của việc ký thỏa thuận với Iran là để đạt được thay đổi trong việc lấy lời khai của các công dân Iran bị nghi ngờ liên quan tới vụ đánh bom, và đó là biện pháp điều tra duy nhất có thể áp dụng tại thời điểm đó.

Thẩm phán liên bang Claudio Bonadio từng cáo buộc bà Cristina Fernandez thao túng tỷ giá USD tại Ngân hàng Trung ương Argentina. Bởi tại thời điểm bà Cristina Fernandez đương nhiệm, có sự chênh lệch lớn về tỷ giá giữa đồng peso với USD ở chợ đen và chính thức công bố của Ngân hàng Trung ương Argentina. 

Do đó, việc bán USD với tỷ giá thấp hơn so với chợ đen có thể đem lại khoản chênh lệch lên tới 5,2 tỷ USD. Truyền hình Argentina từng đăng đoạn băng video ghi từ năm 2012, trong đó cho thấy Martin Baez, con trai bà Cristina Fernandez cùng một số người đang đếm hàng bao tải tiền USD tại văn phòng của cha mình ở Buenos Aires. 

Hai con trai của bà Cristina Fernandez bị Thẩm phán liên bang Claudio Bonadio ra lệnh cấm rời khỏi đất nước. Được biết, ông Claudio Bonadio từng ra lệnh phong tỏa số tài sản trị giá 130 triệu pesos (khoảng 8,4 triệu USD) của bà Cristina Fernandez vì trách nhiệm hình sự trong việc thành lập bất hợp pháp Công ty Los Sauces để rửa tiền khi đương nhiệm. 

Theo bản cáo trạng dài 392 trang, thông qua Công ty Los Sauces, gia đình nữ cựu Tổng thống đã tiếp nhận hàng triệu USD - tiền lại quả từ các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng bị nâng giá thông qua 2 doanh nhân Cristobal Lopez và Lazaro Baez.

Phạm Huy Anh
.
.
.