Cáo buộc tham nhũng và gian lận của cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha

Chủ Nhật, 22/10/2017, 15:26
Ông Jose Socrates trở thành Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử hơn một thế kỷ của nền Cộng hòa Bồ Đào Nha, bị cơ quan công tố chính thức cáo buộc 31 tội danh liên quan tới tham nhũng và gian lận.

Theo hãng thông tấn Lusa của Bồ Đào Nha, sau 3 năm bị bắt (2014-2017) do nghi ngờ tham nhũng, ngày 11-10, cơ quan công tố công bố bản cáo trạng dài 4.000 trang đối với cựu Thủ tướng và ông Jose Socrates khó thoát khỏi vòng lao lý. 

Bởi trong bản cáo trạng dài 4.000 trang (kết quả của cuộc điều tra 4 năm được biết đến với tên gọi Operation Marques), cơ quan công tố cáo buộc ông Jose Socrates phạm 3 tội danh tham nhũng, 16 tội danh rửa tiền, 9 tội danh giả mạo giấy tờ và 3 tội danh gian lận thuế trong giai đoạn 2006-2015. 

Cựu Thủ tướng Jose Socrates đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc kể trên và coi đây là hành động mang động cơ chính trị. Theo các công tố viên, ông Jose Socrates đã nhận hàng triệu euro và đóng vai trò quan trọng trong vụ bê bối có liên quan đến nhiều cựu lãnh đạo hàng đầu của Ngân hàng Banco Espirito Santo và Tập đoàn Viễn thông Portugal Telecom. Và dùng ảnh hưởng cá nhân để giúp Tập đoàn Xây dựng Grupo Lena được hưởng nhiều đặc quyền bất hợp pháp. 

Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Jose Socrates.

Với tư cách cổ đông chính của Tập đoàn Viễn thông Portugal Telecom, Ngân hàng Banco Espirito Santo đã phá sản năm 2014, để lại khoản nợ gần 1 tỷ euro cho tập đoàn này. 

Tổng cộng 19 người và 9 công ty trong lĩnh vực xây dựng, nghỉ dưỡng, tư vấn và đầu tư đã bị truy tố trong vụ việc kể trên. Vẫn theo các công tố viên, doanh nhân Carlos Santos Silva, bạn của ông Jose Socrates cũng phải đối mặt với các cáo buộc tương tự vì đóng vai trò trung gian giữa cựu Thủ tướng với Tập đoàn Xây dựng Grupo Lena.

Hơn 2 năm trước (tháng 9-2015), một thẩm phán đã ra lệnh phóng thích cựu Thủ tướng Jose Socrates, sau khi ông bị giam hơn 9 tháng về tội tham nhũng, rửa tiền và trốn thuế. 

Theo các luật sư của ông Jose Socrates, quyết định phóng thích và bị quản thúc tại gia là chỉ dấu cho thấy, bên công tố "không có chứng cớ và không thể chính thức truy tố" cựu Thủ tướng. Trước đó (tháng 6-2015), ông Jose Socrates đã bác bỏ đề nghị quản thúc tại gia nếu phải đeo vòng điện tử để kiểm soát di chuyển. 

"Quyết định của Tòa án Losbon nhằm cố gắng che đậy cho những sai lầm tư pháp trong trường hợp của tôi, với những cáo buộc về các tội danh vô lý mà tôi luôn bác bỏ. Thực chất của việc bắt giữ tôi như là một biện pháp nhằm phục vụ mục đích chính trị của ai đó", ông Jose Socrates tuyên bố sau khi được phóng thích khỏi nhà tù Evora. 

Gần 3 năm trước (24-11-2014), Viện Công tố thành phố Lisbon ra quyết định bắt cựu Thủ tướng Jose Socrates về các tội tham nhũng, trốn thuế và rửa tiền. Theo hãng thông tấn Lusa, ông Jose Socrates bị bắt tại sân bay Lisbon hôm 21-11-2014 ngay sau khi trở về từ nước ngoài. Và ông Jose Socrates đã bị giam tại nhà tù Evora. Cùng bị bắt với ông Jose Socrates còn có 3 người khác.

Theo giới truyền thông, cựu Thủ tướng Jose Socrates (là người của đảng Xã hội) đã từ chức vào giữa nhiệm kỳ thứ 2 khi cuộc khủng hoảng nợ tại Bồ Đào Nha leo thang buộc ông phải đề nghị cộng đồng quốc tế cứu trợ khẩn cấp. 

Ngày 23-3-2011, ông Jose Socrates bất ngờ đệ đơn từ chức lên Tổng thống Anibal Cavaco Silva, sau khi Quốc hội bác bỏ các biện pháp kinh tế "thắt lưng buộc bụng" do Chính phủ đề xuất. 

Trước khi được bổ nhiệm làm Thủ tướng, ông Jose Socrates là đồng Trưởng ban Tổ chức Giải Vô địch Bóng đá châu Âu (EURO) lần thứ 12 tại Bồ Đào Nha năm 2004 (trên cương vị Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao), và từng là Phó Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU). 

Tuy trở thành Thủ tướng đầu tiên trên thế giới sử dụng xe điện để phục vụ công tác khi sắm một chiếc Nissan Leaf, nhưng ông Jose Socrates lại bị tố dùng bằng giả. Hơn 10 năm trước (tháng 7-2007), nhà hoạt động của đảng bảo thủ đối lập Antonio Balbino Caldeira đã cáo buộc ông Jose Socrates dùng bằng giả. 

Khi đó chính trường tranh cãi xung quanh việc ông Jose Socrates liệu có hoàn thành khóa học, trong đó có chuyến thực tập tại Đại học tư Independente ở Lisbon (từng bị Chính phủ ra lệnh tạm đóng cửa do những sai sót trong quản lý) hay không. 

Bộ trưởng Tư pháp Paula Teixeira Cruz từng tuyên bố, không ai được phép đứng trên luật pháp, và đã hết thời né tránh pháp luật. Bởi trước khi cựu Thủ tướng Jose Socrates bị bắt và Bộ trưởng Nội vụ Miguel Macedo phải từ chức, 26 đối tượng, trong đó có các chính trị gia thuộc đảng cầm quyền và nhiều doanh nhân đã phải hầu tòa (30-10-2014) vì liên quan tới một vụ án tham nhũng lớn. Trong đó có Didier Maurice, Chủ tịch Cofely (công ty con của Tập đoàn năng lượng Pháp GDF Suez ở Tây Ban Nha), bị tình nghi liên quan tới các hoạt động gian lận và hối lộ. 

Mạnh Phong
.
.
.