Khát vọng làm lại cuộc đời của người bị kết án oan tội giết người

Thứ Hai, 30/11/2015, 20:00
Từ một nông dân hiền lành, ông Nhàn bỗng nhiên… lãnh án và ngồi tù vì tội danh “giết người, cướp tài sản”. Người đàn ông tội nghiệp đã khóc cạn nước mắt, tìm mọi cách kêu oan cho mình. Và sau hơn 4 năm “ăn cơm trại”, ông Nhàn được trả tự do.

Nhưng lúc này, ông gần như đã mất hết tất cả. Người cha thân yêu của ông vì quá đau buồn đã sớm qua đời, vợ con ông quay lưng bỏ mặc, bạn bè, đồng nghiệp luôn hướng về ông với cái nhìn xem thường, xa lánh… Dù vậy ông cũng dần vượt qua mọi nghịch cảnh để trở về với cuộc sống bình thường. Câu chuyện buồn của ông quả là có nhiều điều đáng suy ngẫm!

Vô cớ ngồi tù oan

Sau khoảng thời gian dài đằng đẵng hơn 4 năm đấu tranh tìm công lý cuối cùng ông Trương Bá Nhàn (SN 1962, ngụ tại Bình Phước, tạm trú quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cũng được minh oan và thả tự do. Viện KSND TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định bồi thường tiền bạc, xin lỗi công khai, khôi phục danh dự, nhân phẩm cho người bị hại. 

Tâm sự cùng người viết, ông Nhàn buồn bã chia sẻ: “Với tôi, mọi sự bù đắp bây giờ chẳng còn nhiều ý nghĩa nữa. Tôi đã mất tất cả khi phải vào tù về tội giết người, cướp của. Cha tôi quá buồn chán lâm bạo bệnh mà qua đời tôi cũng chẳng thể về thắp nén nhang, vợ con tôi sợ mang tiếng xấu không chịu nhìn mặt tôi, ra đường tôi bị người ta xoi mói, chỉ trỏ. Thử hỏi cuộc sống như thế bao nhiêu tiền bạc có thể bù đắp cho được”.

Đại diện VKS bắt tay ông Nhàn tại buổi xin lỗi công khai ngày 11-8.

Đã gần 14 năm trôi qua, nhưng với ông Nhàn, ký ức về ngày định mệnh hôm đó vẫn luôn ám ảnh ông. Người tù vô tội trầm ngâm nhớ lại, trưa 12-12-2001, con gái của bà Hoàng Thị Kim Ái phát hiện mẹ mình đã bị sát hại tại nhà riêng trên đường Lạc Long Quân, phường 11, quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh). Bà Ái vốn là một người bà con của ông Nhàn. Hiện trường trong nhà đồ đạc ngổn ngang. Qua khám nghiệm, cơ quan chức năng xác định, tài sản của bà Ái bị mất khoảng 60-80 triệu đồng cùng với 4-5 lượng vàng SJC. Cơ quan Công an còn thu giữ được một dấu vân tay ở hốc tủ. Kết quả giám định cho thấy dấu vân tay này trùng khớp với dấu vân tay của ông Nhàn. Ngoài dấu vân tay trùng khớp, số vàng mà cơ quan điều tra thu giữ tại nhà ông cũng gần bằng số vàng mà chồng nạn nhân khai bị mất.

“Tôi bị khởi tố, bắt khẩn cấp về hai tội danh giết người, cướp tài sản. Tại cơ quan điều tra, tôi liên tục kêu oan và khai rằng trước khi vụ án xảy ra, tôi có đến chơi và giúp chủ nhà kê lại tủ nên vô tình lưu lại dấu vân tay. Còn số vàng trong tủ là tiền mẹ vợ bán đất nhờ giữ giùm nhưng không ai nghe”, ông Nhàn kể lại.

Ngày 10-1-2002, CQĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt giữ ông Nhàn. Đến ngày 18-2-2003, ông Nhàn bị VKSND cùng cấp truy tố ra tòa để xét xử về hai tội danh “Giết người” và “Cướp tài sản”. Tuy nhiên, tại phiên tòa, cơ quan chức năng chưa đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của ông. Bản thân ông Nhàn cũng liên tục kêu oan ngay từ khi bị khởi tố. Vụ án của ông bị tòa án trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung. May mắn là trên miếng vàng bị thu giữ còn lưu chữ ký của người mua đất, nên tháng 6-2006, ông Nhàn được tại ngoại sau 1.346 ngày bị bắt giam. Một tháng sau, vụ án có quyết định đình chỉ điều tra. Nội dung quyết định nêu rằng đã hết thời hạn điều tra, chưa đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị can nên đình chỉ điều tra.

Nói về hành trình đi tìm công lý cho mình, ông Nhàn bức xúc: “Ngay từ khi bị bắt, tôi đã một mực kêu oan, nhưng vô vọng. Trong khoảng thời gian bị bắt, ngày nào tôi cũng làm đơn nhưng cũng chẳng ai đoái hoài. Đến khi năm lần bảy lượt đưa tôi ra xét xử, tòa án không đủ chứng cứ để buộc tội tôi mới ra quyết định đình chỉ điều tra. Như vậy, kể từ khi tôi bị bắt là ngày 3-1-2002 đến ngày 8-6-2006, tôi mới được tại ngoại là hơn 4 năm. Đó là chưa kể việc khi thả tôi ra, Viện KSND TP Hồ Chí Minh không hề có một thông báo xin lỗi chính thức hay bồi thường nào. Để đến khi tôi tiếp tục làm đơn khiếu nại cho đến đầu năm 2015 này, họ mới chịu giải quyết. Kể từ khi ra tù, tôi thành kẻ trắng tay, không gia đình, không nhà cửa. Tôi đòi tiền đền bù thứ nhất vì tin vào công lý, hơn nữa số tiền đó tôi xứng đáng được hưởng, tôi sẽ sử dụng nó làm lại cuộc đời”.

Nước mắt ngày về

Ngày bị khép án oan, ông Nhàn suy sụp bao nhiêu thì lúc được trả tự do cảm giác ê chề, đau đớn lớn hơn gấp bội. Ra tù, ông thành kẻ không danh phận, không nhà cửa dung thân. Người đàn ông tội nghiệp chấp nhận nuốt nước mắt tự an ủi mình vượt qua số phận. Nhiều đêm ông trằn trọc không ngủ, ao ước được nằm bên cậu con trai yêu quý mà không được. 

Nói về số phận ngang trái của mình, ông Nhàn nấc nghẹn: “Tôi vốn dĩ quê ở Quảng Ngãi, sau đó cùng ba mẹ vào Bình Phước lập nghiệp. Trước khi tôi bị hàm oan, tôi đã cưới vợ (vợ chồng ông cưới nhau được mấy tháng, chưa kịp làm hôn thú thì ông bị bắt) và ở rể trên TP Hồ Chí Minh. Lúc đó, ba mẹ tôi biết chuyện vẫn không tin nổi. Tôi nói với ba rằng: “Thực sự, con không có tội, con không giết và cướp tài sản của ai cả”. Nghe thấy vậy, ba mẹ đã tin tưởng và về nhà bán hết đất đai, nhà cửa để có chi phí đi minh oan cho tôi. Vậy mà, ngày ông mất, tôi vẫn chưa thể lấy lại được sự trong sạch của mình. Khi đó, tôi nghe chị tôi nói ông buồn sầu vì chuyện của tôi quá nên mới sinh bệnh mà mất”.

Căn lều nhỏ nơi ông Nhàn sống đơn độc kể từ khi được tự do.

Việc đầu tiên ông Nhàn làm khi ra trại là tìm đến mộ của người cha quá cố thắp nén nhang tạ tội. Ông bảo: “Ba tôi là người có ảnh hưởng lớn nhất cuộc đời tôi. Khi tất cả mọi người kể cả pháp luật đinh ninh con trai ông là kẻ giết người thì ông vẫn hết mức tin tưởng tôi. Sinh thời ông bảo phải sống đến ngày tôi chứng minh được sự trong sạch. Vậy mà giờ đây, ông không còn nữa. Tôi tin ở nơi suối vàng, ba tôi hiểu và vui mừng lắm”. Khi chúng tôi hỏi về chuyện vợ con, người tù bị hàm oan đưa ánh mắt vô hồn nhìn vào khoảng không vô định. Có lẽ ông đang mường tượng về tổ ấm hạnh phúc trước đây, tổ ấm mà ông bảo chẳng thể nào vun đắp lại được.

Ông Nhàn tâm sự: “Về phần vợ tôi, tôi không muốn nhắc tới nữa. Ngày đó, khi tôi bị bắt, cô ấy đang mang thai đứa con đầu lòng được sáu tháng. Những ngày đầu, cô ấy vẫn còn đi thăm tôi nhưng sau đó thì không tới nữa. Ngày tôi được thả trở về nhà, cô ấy cùng đứa con chẳng biết vì sao cứ như cố tình tránh mặt tôi. Thực sự, ở trong tù, phần bị oan, phần nhớ vợ, nhớ con, gia đình nên khi được trở về, tôi muốn ôm chầm lấy họ. Nhưng thực tế không giống như tôi nghĩ, ba tôi đã mất, nhà cửa đất đai bán hết sạch. Mẹ tôi phải chuyển lên Đồng Nai ở cùng bà con. Vợ con không ai muốn nhắc tới tôi. Nỗi oan của một kẻ giết người đã được xóa, nhưng người ta làm sao có thể trả lại cho tôi cuộc sống bình thường, hạnh phúc trước đây”.

Ngày trở về không còn gia đình, ông Nhàn phải lang thang khắp nơi. Sau đó, ông trở lại làng cũ dựng chiếc lều tạm tá túc. Ông kể: “Lúc đó, tôi sống trong một cái lều nhỏ dựng bằng tôn ở rìa làng. Họ hàng, chòm xóm ái ngại chẳng ai tới thăm. Quyết định đình chỉ điều tra không khẳng định tôi vô tội nên đi xin việc ở đâu cũng không ai dám nhận. Có những ngày hết tiền, đói ăn tôi chỉ biết cắn răng nằm co ro trong góc lều. Tôi từng có ý định quyên sinh cho quên mọi chuyện, nhưng nghĩ lại mình làm thế tiếng xấu còn để đời. Nhờ một người bạn tốt bụng giúp đỡ tôi mới xin được vào làm việc ở một trường THCS trên địa bàn. Tôi tự ý thức rằng cái thằng Nhàn ngày xưa đã chết, bây giờ tôi là con người mới sẵn sàng đương đầu cùng số phận”.

Vào lúc 9h sáng 11-8-2015, tại trụ sở UBND phường 13, quận Bình Thạnh, VKSND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức xin lỗi công khai ông Trương Bá Nhàn. Tham gia buổi xin lỗi, ngoài đại diện VKS còn có nhiều cơ quan ban ngành của địa phương.

Đi cùng tới dự buổi xin lỗi có luật sư Nguyễn Văn Hiếu, người đã đồng hành cùng ông Nhàn trong nhiều năm nay để yêu cầu bồi thường oan sai. Ngoài ra, vợ cũ, mẹ vợ và con trai ông Nhàn hiện đang học lớp 8 cũng tới dự. Tại buổi xin lỗi, đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh đã đứng lên xin lỗi ông Nhàn cùng đại diện gia đình ông về những oan sai đã gây ra trong thời gian qua.

Trước khi tiến hành xin lỗi công khai ông Nhàn, đại diện VKS cho biết đã hoàn tất việc bồi thường cho ông Nhàn như hai bên đã thương lượng vào cuối tháng 1-2015 với số tiền là 295 triệu đồng (bao gồm tiền tổn thất về tinh thần do bị bắt tạm giam 1.346 ngày và 272 ngày tại ngoại trước khi được đình chỉ điều tra; thu nhập thực tế bị mất trong thời gian bị bắt giam). Tuy nhiên, theo ông Nhàn chia sẻ: “Buổi xin lỗi quá ngắn gọn. Tôi không có cơ hội nói lại vài câu để giãi bày nỗi lòng… Sau buổi xin lỗi này, có thể tôi được bù đắp một phần nhưng thiệt hại từ oan sai thì không gì bù đắp nổi. Nếu buổi xin lỗi này đến sớm hơn, khoảng 8 năm về trước thì cuộc đời tôi chắc chắn sẽ khác”.

Có thể thấy, chính nghị lực sống phi thường và khát vọng làm lại cuộc đời đã giúp ông Nhàn dần vượt qua nỗi mất mát. Hiện tại ông Nhàn đã suy nghĩ và sống lạc quan, yêu đời hơn. Trao đổi với chúng tôi, ông Nhàn cho biết: “…Với tôi, bây giờ gia đình là điều quan trọng nhất. Tôi đã đi gần hết cuộc đời thăng trầm khổ ải, buồn nhiều hơn vui nên thấu hiểu lẽ đời. Trong cuộc sống chỉ cần con người ta biết yêu thương tin tưởng thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua”.

Những điều ông chia sẻ, quả thật khiến người nghe cảm nhận được nhiều điều đáng suy ngẫm về cách suy nghĩ, cách sống, cách đối đầu với những trái ngang không may gặp phải trong cuộc đời này.

Ánh Xuân - Xuyên Mộc
.
.
.