CIA Thế lực “buôn vua”:

Châm ngòi đảo chính - Kỳ cuối

Thứ Bảy, 03/06/2017, 11:48
Nhiều người ủng hộ ông Mossadegh hoặc bị bỏ tù hoặc bị tử hình, ước tính có tới 800 người đã bị Pahlavi tử hình. Ông Mossadegh bị kết tội phản quốc và ngồi tù 3 năm, sau đó bị quản thúc tại gia cho đến khi chết vào năm 1967. Sự độc tài của Vua Mohammad Reza Pahlavi gây nên một sự bất mãn sâu sắc trong xã hội Iran.


Ủng hộ độc tài

Việc lật đổ ông Mossadegh đã dẫn đến việc Iran bị đặt lại dưới chế độ quân chủ suốt 26 năm, với người đứng đầu là Quốc vương Mohammad-Reza Shah Pahlavi. Theo Wilber, vài ngày sau cuộc đảo chính, CIA đã cung cấp cho chính phủ mới 5 triệu USD để giúp ổn định tình hình. Tuy nhiên, chiến thắng trên không đủ sức duy trì ảnh hưởng vĩnh viễn của Mỹ tại Iran. 

Vua Mohammad Reza Pahlavi.

Ngược lại, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, Vua Pahlavi ngày càng trở nên độc tài, ra tay đàn áp cả giáo sĩ Hồi giáo lẫn những người ủng hộ dân chủ. Nhiều người ủng hộ ông Mossadegh hoặc bị bỏ tù hoặc bị tử hình, ước tính có tới 800 người đã bị Pahlavi tử hình. Ông Mossadegh bị kết tội phản quốc và ngồi tù 3 năm, sau đó bị quản thúc tại gia cho đến khi chết vào năm 1967. Sự độc tài của Vua Pahlavi gây nên một sự bất mãn sâu sắc trong xã hội Iran.

Giống như phụ hoàng Reza Shah, Shah Mohammad Reza Pahlavi cố gắng hiện đại hóa và Tây phương hóa một quốc gia bị trì trệ nghiêm trọng bởi chính nền chính trị của ông. Ông duy trì mối quan hệ thân cận với Hoa Kỳ và một số quốc gia phương Tây khác, và thường được các chính quyền tổng thống Hoa Kỳ ghi nhận vì các chính sách và sự đối nghịch đối với Chủ nghĩa cộng sản của ông. 

Những người đối lập với chính quyền của ông đến từ phe cánh tả, những người theo chủ nghĩa quốc gia và các nhóm tôn giáo, những người chỉ trích chính phủ vì đã vi phạm Hiến pháp Iran, tham nhũng chính trị và sự đàn áp chính trị tàn bạo của SAVAK (cảnh sát mật). 

Đối với những nhóm chống đối, quan trọng bật nhất là hình ảnh tôn giáo của Ulema, hay giới tăng lữ, những người đã chứng tỏ được mình là một lực lượng chính trị có tiếng nói ở Iran trong Phong trào chống thuốc lá vào thế kỷ 19 chống lại sự nhượng bộ đối với lợi ích từ nước ngoài. Giới tăng lữ có tầm ảnh hưởng quan trọng đến đa số người Iran có thiên hướng tôn giáo, truyền thống và xa lánh bất kỳ tiến trình Tây phương hóa nào.

Đến thập niên 1970, uy tín của giáo sĩ Ayatollah Khomeini ngày càng tăng cao và ông đã phát động một cuộc đấu tranh để lật đổ hoàng gia. Chính phủ đương nhiệm bị chỉ trích mạnh mẽ do thân phương Tây và nguồn lợi từ tài nguyên quốc gia chạy vào Mỹ, Anh. Đây là nguyên cớ dẫn đến cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979. 

Cuộc tuần hành lớn đầu tiên chống lại Vua Pahlavi bởi các nhóm Hồi giáo diễn ra vào tháng 1-1978. Giới sinh viên và các lãnh đạo tôn giáo ở thành phố Qom đã tuần hành để phản đối những câu chuyện bôi nhọ Khomeini được in trên báo chí nhà nước. Quân đội đã được gửi đến giải tán các cuộc tuần hành và sát hại một số sinh viên (theo chính phủ con số này là 2 và theo các nhóm đối lập là 70).

Tức nước vỡ bờ

Theo phong tục của người Shi'ite, các hoạt động tưởng niệm được tổ chức 40 ngày sau khi mất. Trong các đền thờ dọc đất nước, đã có những lời kêu gọi vinh danh các sinh viên bị sát hại. Vì thế, ngày 18-2, một số nhóm đã tuần hành ở các thành phố để tưởng niệm những người đã ngã xuống và phản đối chế độ của Pahlavi. Lần này, bạo lực nổ ra ở Tabriz, và có hơn 100 người biểu tình đã thiệt mạng. 

Ngày 29-3, một lượt tuần hành khác diễn ra trên toàn quốc. Các khách sạn, rạp chiếu phim, nhà băng, cơ quan chính phủ và các biểu tượng khác của chế độ quân chủ bị phá hủy; một lần nữa các lực lượng an ninh đã can thiệp và giết rất nhiều người. 

Vào ngày 10-5, mọi việc lại tái diễn. Đến tháng 9, quốc gia này nhanh chóng bị mất cân bằng, những cuộc biểu tình lớn diễn ra thường xuyên. Vua đã công bố thiết quân luật và ra lệnh cấm tất cả mọi cuộc biểu tình. Một cuộc phản đối rất lớn diễn ra tại Tehran, được biết đến với tên Ngày thứ Sáu đen tối.

Người phản đối và quân đội đụng độ.

Giới lãnh đạo tăng lữ truyền đi tin đồn, "hàng ngàn người đã bị quân đội người Zion thảm sát". Quân đội cho rằng thực ra là người Kurd đã bị bắn, và con số bị giết không phải là 15.000 mà chỉ có 700 người (?), nhưng sự tàn ác của chính phủ đã làm rất nhiều người Iran và các đồng minh của Vua Pahlavi ở nước ngoài căm giận. 

Một cuộc tổng bãi công vào tháng 10 dẫn đến tê liệt nền kinh tế, ngành công nghiệp quan trọng phải đóng cửa, "khóa chặt số phận của Pahlavi”. Pahlavi quyết định trục xuất Ayatollah Khomeini khỏi Iraq vào ngày 24-9-1978. 

Tuy nhiên, từ nước ngoài, hình ảnh và phát biểu của Ayatollah Khomeini nhanh chóng trở thành tin nóng của các hãng thông tấn thế giới. Ngày 2-12, trong tháng Hồi giáo Muharram, hơn 2 triệu người đã tràn xuống Quảng trường Azadi (sau này là Quảng trường Shahyad) tại Tehran để đòi Shah ra đi và đề nghị Khomeini quay về. 

Ngày 16-1-1979, Pahlavi và hoàng tộc rời Iran theo lời đề nghị của Thủ tướng, tiến sĩ Shapour Bakhtiar. Cuộc đảo chính năm 1979 có tinh thần bài Mỹ cao độ, thể hiện qua việc học sinh sinh viên chiếm Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Tehran trong suốt cuộc cách mạng.

Sau cuộc cách mạng này, Iran trở thành Cộng hòa Hồi giáo và luôn chứa đựng bất đồng sâu sắc với phương Tây, đặc biệt là Anh và Mỹ, vì những “thù xưa oán cũ”. Chính vì thế, suốt nhiều năm qua, Tehran luôn nỗ lực hạn chế ảnh hưởng của Washington tại Trung Đông. Iran đích thị là một “cái gai” đối với Mỹ cùng các đồng minh Saudi Arab hay Israel.

Thay đổi thái độ?

Mossadegh được tạp chí Time chọn làm nhân vật của năm, năm 1953.

Lời thú nhận của CIA được đưa ra vào thời điểm khá nhạy cảm cho vị tổng thống mới theo đường lối ôn hòa của Iran, Tổng thống Hassan Rousani, người lên nắm quyền từ tháng 6 và hứa hẹn sẽ tạo một bước ngoặc thay đổi trong chính sách đối ngoại, so với người tiền nhiệm Mahmoud Ahmadinejad. 

Rousani, người đã chiến thắng vang dội trong bầu cử, mới đây đã chỉ định cựu Đại sứ Iran tại Mỹ Mohammad Javad Zarif làm Ngoại trưởng. Zarif được cho là người đóng vai trò chủ chốt trong các cuộc đàm phán với Mỹ để cố giải quyết những “điểm chết ngoại giao” giữa 2 nước, vốn leo thang dần từ những sự kiện kể từ năm 1953. 

Gần đây, trong một tranh cãi liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran, (cựu) Tổng thống Ahmadinejad yêu cầu người Mỹ phải xin lỗi về cuộc đảo chính năm 1953.

Tuy nhiên, theo tờ Iran Review, Bộ Ngoại giao Iran cho rằng các tài liệu do CIA mới công bố “không có thông tin gì mới” so với trước đó, vì vậy sẽ không làm thay đổi quan hệ giữa 2 nước.

Hòn Rồng
.
.
.