Thêm thông tin về vụ Mỹ theo dõi EU:

"Châm ngòi" một cuộc chiến tranh lạnh mới?

Thứ Sáu, 12/07/2013, 21:33

Tạp chí Der Spiegel của Đức số ra cuối tuần trước trích dẫn tài liệu do cựu điệp viên CIA Eward Snowden tiết lộ cho biết, Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã tiến hành nghe lén các văn phòng của Liên minh châu Âu (EU) tại Washington, Brussels và Liên hiệp quốc.

Theo một tài liệu năm 2010 của NSA, EU được gọi là "địa điểm mục tiêu". Thông tin trên đang ảnh hưởng sâu sắc đến mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và EU. Báo giới nhận định, hành xử của Mỹ khiến người ta nghĩ đến cách ứng xử trong thời chiến tranh lạnh.

Đức và trụ sở EU là "tâm điểm"

Theo thông tin đăng tải trên Der Spiegel, NSA đã khai thác thông tin bằng việc nghe lén và xâm nhập vào mạng máy tính nội của EU ở Washington, Brussels và Liên hiệp quốc. Tài liệu được đóng dấu "tuyệt mật" cho thấy, Mỹ đã theo dõi Đức và EU trong một thời gian dài. NSA còn bị cáo buộc từng đứng sau một chiến dịch nghe trộm điện tử, nhắm tới tòa nhà Justus Lipsius, nơi làm việc của Hội đồng Bộ trưởng EU và Hội đồng châu Âu.

Những thông tin được tiết lộ đã bác bỏ sự biện minh của Nhà Trắng khi khẳng định, chương trình giám sát là cần thiết để ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố.

Ông Alexander, người đứng đầu NSA đã từng nói rằng, nhờ có chương trình giám sát này mà NSA đã ngăn chặn được 10 vụ tấn công khủng bố tại Mỹ. Nếu tính trên phạm vi toàn cầu, đã có đến 50 âm mưu khủng bố thất bại vì bị NSA phát hiện.

Theo thống kê và phân tích của Der Spiegel thì trung bình, mỗi ngày cuối tháng 12 năm ngoái, NSA thu thập dữ liệu từ 15 triệu cuộc gọi điện thoại và 10 triệu dữ liệu từ Internet.

Riêng ngày 24/12, NSA thu thập dữ liệu trên khoảng 13 triệu cuộc gọi điện thoại. Những ngày "cao điểm", như ngày 7/1/2013, thông tin mà NSA thu thập tăng vọt lên gần 60 triệu lượt giám sát. Nước Đức cũng trở thành "tâm điểm" của các hoạt động giám sát khi có đến 500 triệu thông tin được thu thập từ các loại hình liên lạc như điện thoại, email hay tin nhắn… mỗi tháng. Điều này làm cho Đức trở thành nguồn cung cấp dữ liệu dồi dào nhất cho NSA.

Phân tích cũng cho thấy, không ít thông tin NSA có được từ việc theo dõi hoạt động của các quốc gia như Pháp và Italia. Theo đó, NSA đã ghi lại dữ liệu khoảng 2 triệu kết nối thông tin mỗi ngày và khoảng 7 triệu kết nối thông tin vào đêm Giáng sinh. Ở Ba Lan, NSA cũng tiến hành giám sát từ 2 triệu đến 4 triệu kết nối trong ba tuần đầu tiên của tháng 12. Sự quan tâm hàng đầu của NSA chính là một số trung tâm Internet lớn ở miền tây và miền nam nước Đức.

Hồi tưởng đến cách hành xử trong thời kỳ chiến tranh lạnh

"Nếu thông tin trên các phương tiện truyền thông là chính xác sẽ khiến người ta nhớ đến những hành động của kẻ thù trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Không thể tưởng tượng nổi Mỹ lại xem châu Âu như kẻ thù. Nếu đúng là đại diện của EU tại Brussels và Washington bị NSA theo dõi thì Mỹ khó có thể biện minh rằng, chương trình của mình vì mục đích chống khủng bố", Bộ trưởng Bộ Tư pháp Đức - Sabine Leutheusser Schnarrenberger chia sẻ.

Người phát ngôn của Thủ tướng Đức Merkel, Steffen Seibert cũng nhận định, "nghe lén bạn bè là hành động không thể chấp nhận được. Chúng ta không còn trong thời kỳ chiến tranh lạnh". Cũng theo ông Seibert, Đức muốn có hiệp định tự do thương mại xuyên Đại Tây Dương để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho người dân, song để đạt được thỏa thuận thì việc tin tưởng lẫn nhau là yếu tố vô cùng quan trọng.

Ông Martin Schulz, Chủ tịch Nghị viện châu Âu và cũng là một người Đức nói rằng, nếu những thông tin đăng tải trên Der Spiegrl là đúng thì sẽ "ảnh hưởng nghiêm trọng" đến mối quan hệ giữa EU và Mỹ. "Thay mặt cho Nghị viện châu Âu, tôi yêu cầu Mỹ làm rõ một cách nhanh chóng và cung cấp thêm thông tin liên quan đến những cáo buộc này", ông Martin Schulz nói.

Trước sự chỉ trích mạnh mẽ của EU, Nhà Trắng chưa có phản hồi chính thức nào. Ngoại trưởng John Kerry biện minh rằng, nước Mỹ cũng như rất nhiều Chính phủ trên thế giới đã và đang sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để bảo vệ lợi ích quốc gia mình

Tường Phạm
.
.
.