Chân dung kẻ buôn nội tạng người tị nạn ở Lebanon

Chủ Nhật, 14/05/2017, 05:31
Abu Jaafar, tay buôn nội tạng người tị nạn “chuyên nghiệp” ở Lebanon nói rằng, cảm thấy tự hào với công việc mình đang làm. Dòng người tị nạn từ Syria tới Lebanon đã tạo ra nhiều cơ hội cho Abu Jaafar hoạt động. Abu Jaafar đã môi giới những người đang sống trong tuyệt vọng bán một phần cơ thể để kiếm tiền.


"Tôi có lợi và người tị nạn cũng có lợi"

Abu Jaafar từng làm việc như một nhân viên bảo vệ trong quán rượu trước khi trở thành kẻ môi giới mua bán nội tạng người di cư chuyên nghiệp như hiện nay. “Tôi khai thác cơ thể người tị nạn.

Nhiều người có thể đã chết ở Syria và việc bán một bộ phận cơ thể không có gì ghê gớm so với những gì kinh hoàng mà họ phải trải qua. Tôi có lợi và người tị nạn cũng có lợi”, Abu Jaafar nói.

Để có tiền trang trải cuộc sống, nhiều người di cư ở Lebanon đã phải bán nội tạng của mình.

Trung tâm môi giới của Abu Jaafar là một quán cà phê nhỏ nằm ở vùng ngoại ô phía Nam Beirut. Đó là quán cà phê nhỏ, lụp xụp, được bài trí đơn giản, thậm chí sơ sài. Tại đây, Abu Jaafar đã môi giới thành công việc mua bán nội tạng với 30 người tị nạn trong ba năm qua.

"Khách hàng thường yêu cầu thận nhưng tôi cũng có thể hỏi mua thêm những bộ phận cơ thể khác. Có người tị nạn sẵn sàng bán cả mắt của mình. Sau khi thỏa thuận với người tị nạn, tôi chụp ảnh và gửi cho một trung tâm thu mua nội tạng khác qua Whatsapp để xác nhận”, Abu Jaafar nói.

Khách hàng gần đây nhất của Abu Jaafar là một thanh niên người Syria 17 tuổi. Chàng trai này đến từ Lebanon sau khi cha chết ở Syria ba năm trước. Để có tiền đỡ đần mẹ và năm chị em khác, chàng trai đồng ý bán thận phải với giá 8.000 USD.

Abu Jaafar dẫn người tị nạn đồng ý bán nội tạng đến một địa điểm bí mật chờ đến ngày phẫu thuật. Đó có thể là căn nhà thuê, phòng khám tạm thời - nơi mà những người bán nội tạng sẽ được làm các xét nghiệm cơ bản trước khi phẫu thuật. “Sau phẫu thuật, tôi tiếp tục chăm sóc người tị nạn trong thời gian gần một tuần đến khi vết khâu kín miệng.

Sau thời gian này, tôi không quan tâm đến những gì xảy ra với họ nữa. Ngay cả khi người bán nội tạng chết, tôi cũng thực sự không quan tâm vì đã có những gì tôi muốn và người bán, người mua nội tạng đều đã được thanh toán sòng phẳng", Abu Jaafar cho biết.

Một trong những cách kiếm tiền nhanh nhất

Ước tính, khoảng 1/4 người Lebanon hiện là người di cư chạy trốn cuộc xung đột ở Syria. Hầu hết người di cư từ Syria không được phép làm việc theo luật pháp Lebanon nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Một số người tị nạn, đặc biệt là trẻ em ăn xin trên đường phố. Trẻ em trai thường làm việc đánh giày, bán kẹo cao su hoặc giấy ăn trên đường. Không ít trường hợp trẻ em bị bóc lột sức lao động, thậm chí hoạt động mại dâm.

"Những người không được đăng ký tị nạn đang phải vật lộn với cuộc sống. Họ có thể làm gì để kiếm tiền. Họ đang tuyệt vọng và không còn cách nào khác ngoài việc bán nội tạng. Bán nội tạng là một trong những cách kiếm tiền nhanh nhất”,  Abu Jaafar nói.

Abu Jaafar nói rằng, không biết các cơ quan nội tạng được mang đi đâu, bằng cách nào sau khi được mua nhưng có thể, chúng được xuất khẩu sang nước ngoài. Theo Abu Jaafar, thị trường xuất khẩu có thể là khu vực Trung Đông vì các quốc gia này thiếu trầm trọng nội tạng để cấy ghép.

Abu Jaafar cho biết, có ít nhất 7 công ty môi giới mua bán nội tạng đang hoạt động trên khắp lãnh thổ Lebanon. Abu Jaafar biết những gì mình làm là trái pháp luật nhưng không sợ chính quyền. Số điện thoại của Abu Jaafar được sơn phun rất to trên bức tường gần nhà.

“Tôi biết những gì đang làm không được phép nhưng tôi muốn giúp mọi người. Khách hàng sử dụng tiền bán nội tạng để cải thiện cuộc sống của bản thân và gia đình. Anh ta có thể mua một chiếc xe và chạy taxi, thậm chí là di chuyển đến một quốc gia khác.

Tôi làm việc có ích cho nhiều người và tôi không quan tâm đến luật pháp. Tôi không ép buộc ai thực hiện hoạt động này. Tôi chỉ làm việc theo nhu cầu của người bán và người mua”, Abu Jaafar nói. Abu Jaafar nói thêm rằng, buôn nội tạng là lĩnh vực kinh doanh đang bùng nổ. Nó sẽ ngày càng phát triển khi dòng người Syria đến Lebanon tăng nhanh.

Mạnh Tường (Tổng hợp)
.
.
.