Chân dung tướng cướp gây rúng động Sài thành những năm đầu thế kỷ và những bản án tử hình

Thứ Sáu, 22/11/2013, 13:30

Gần mười năm trôi qua, các chủ tiệm vàng vẫn bị ám ảnh khôn nguôi bởi giây phút đối đầu tên cướp. Mỗi lần chuẩn bị gây án, đạn đều đã lên nòng. Băng cướp do Huỳnh Văn Tiếm cầm đầu sẵn sàng nổ súng vào bất kỳ ai chống đối, bằng mọi giá phải cướp được vàng. Có thể nói đây là một trong những băng nhóm tội phạm manh động, đáng gờm và táo bạo nhất vào những năm đầu thế kỷ 21.

Sau vụ trọng án xảy ra với một chủ tiệm vàng, Công an vào cuộc điều tra, truy lùng gắt gao, tình hình an ninh xiết chặt. Thấy tình hình căng thẳng, Huỳnh Văn Tiếm cùng đồng bọn tỏa ra nhiều hướng, kẻ nào việc ấy để ẩn mình. Thế nhưng, ở đời có vay có trả. Quen với cuộc sống cướp bóc, vơ tiền như rác, Tiếm và động bọn khát vàng nên muốn tìm lại đường cũ. Lần trở lại này cũng là những ngày tháng cuối cùng trước khi Tiếm và đồng bọn xộ khám.

Sống bằng “nghề” cướp

Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ngoài ba mươi tuổi, cuộc đời Huỳnh Văn Tiếm (tức Tím, 54 tuổi, ngụ ấp Long Yên, xã Long Thành Nam, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) đã bắt đầu gắn với những ngày tháng lao tù. Hồi đó, tháng 7/1991, Tiếm dính án 7 năm tù vì hành vi cướp giật tài sản của công dân và chế tạo, tàng trữ vũ khí trái phép. Trong thời gian cải tạo tại trại Tống Lê Chân, Tiếm làm quen rồi thân thiết với Lê Anh Kiệt (49 tuổi, ngụ quận 8, TP HCM). Là “đàn em” nhưng khác với Tiếm, Kiệt ít nói, lầm lì, gương mặt sắc lạnh. Năm 1995, Kiệt bị Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM tuyên phạt mức án 6 năm tù do dính líu đến một vụ án giết người. Năm 1996, Tiếm chấp hành xong hình phạt. Trước khi cởi bỏ áo tù, gã đàn ông không quên trao đổi thông tin, địa chỉ liên lạc với Kiệt cùng lời hẹn “sẽ có ngày gặp lại”.

Mãn hạn tù, Tiếm trở về địa phương. Ly thân với vợ cả từ lâu, lần trở về này Tiếm sống với người vợ thứ cùng năm đứa con nhỏ dại. Không nghề nghiệp, lười lao động, sống vất vưởng qua ngày, máu tham trong gã đàn ông từng dính tiền án tội cướp giật lại trỗi dậy. Hắn nghĩ đến con đường cũ, con đường kiếm tiền trên mồ hôi nước mắt và nỗi đau người khác. Thế nhưng những vụ cướp giật cỏn con, mang tính may rủi không đủ đáp ứng lòng tham của kẻ khát tiền. Tiếm nghĩ đến những túi vàng rủng rỉnh, những đồng ngoại tệ có giá trị cao…nơi có những thứ đó không đâu khác là các tiệm vàng. Nghĩ vậy, Tiếm quyết định quay lại sống bằng “nghề” cướp.

Tiệm vàng đầu tiên lọt vào “tầm ngắm” của Tiếm lúc bấy giờ là tiệm vàng KTân Tiến ở ngay chợ Long Hoa trong huyện. Trung tuần tháng 9/2000, Tiếm bắt đầu “chiến dịch”. Trà trộn vào những người dân đi chợ, Tiếm theo dõi, nghiên cứu quy luật buôn bán, sinh hoạt đi về của vợ chồng chủ tiệm vàng để lập kế hoạch. Nắm được đường đi, nước bước của “con mồi”, Tiếm lên TP HCM rủ Kiệt tham gia. Lúc này, Kiệt mới bị ngã xe nên cử đàn em là Trần Hữu Lộc thay mình giúp sức “đại ca”. Ngày 21/9/2000, Lộc lên đường theo Tiếm về Tây Ninh để thực hiện kế hoạch. Đó cũng là vụ cướp vàng đầu tiên mở màn cho chuỗi ngày cướp bóc táo bạo của băng nhóm giang hồ này. Những vụ án nhiều vàng nhưng cũng đầy máu và nước mắt những người vô tội.

Vàng và máu

Theo kế hoạch, tối 22/9/2000, Tiếm chuẩn bị một cây gậy tầm vông và một khẩu súng K59 đưa cho Lộc. Trời đổ tối. Khoảng 19h30p, ông bà chủ tiệm vàng thu dọn tiền, vàng bỏ vào giỏ xách chuẩn bị ra về. Lập tức, Tiếm điều khiển chiếc Honda 67 chở Lộc đến đoạn đường đất đỏ vắng người nơi họ sẽ đi qua mai phục sẵn. Lộc lăm lăm chiếc gậy tầm vông và khẩu súng bên mình còn Tiếm dừng xe cách đó chừng 10 mét nổ máy chờ sẵn. Khi chiếc xe vừa trườn vào đoạn đường đất đỏ vắng người, Lộc từ lề đường xông ra vung cây tầm vông vụt thẳng vào đầu người chồng làm chiếc xe đổ xuống. Chưa kịp hoàn hồn, người vợ lao theo giữ lấy giỏ xách rồi hô “cướp!cướp”. Thấy vậy, Lộc thẳng tay vụt liên tiếp nhiều cái vào người chị rồi giật lấy chiếc giỏ nhảy lên xe Tiếm tẩu thoát.

Chạy đến xã Trường Đông, huyện Hòa Thạnh, Tiếm dừng xe, cả hai chia đôi số vàng cướp được gồm 48 lượng vàng các loại và 5,5 triệu đồng. Lộc bắt xe đem vàng về TP HCM đưa cho Kiệt khò ra thành từng thỏi đem bán và chia cho Kiệt 5 triệu đồng. Số vàng này, Tiếm cũng đem khò thành thỏi bán dần tiêu xài. Nạn nhân được đưa đi bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh cấp cứu sau đó tiếp tục chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) điều trị, một tuần sau mới được xuất viện.

Ngày 14/1/2001, vụ cướp thứ 2 do Tiếm và Kiệt trực tiếp thực hiện. Lần này, nạn nhân là ông Lương Văn Khìn - chủ tiệm vàng Phú Khìn tại thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Tối đó, khi ông Khìn đã đem vàng về tới trước cửa nhà, đang dừng xe bóp còi chờ người nhà ra mở cửa thì bị Kiệt bám theo, nhảy xuống dùng gậy sắt đánh thẳng vào đầu làm ông ngã quỵ xuống đất, chỉ kịp la “cướp! cướp”. Nhanh chóng đoạt chiếc thùng thiếc đựng vàng, Kiệt nhảy lên xe cho Tiếm chở đi. Phát hiện sự việc, một người đi đường tăng tốc bám theo. Gần đến nơi, thấy Kiệt tay cầm súng quay lại bắn chỉ thiên nên họ sợ hãi dừng lại. Nạn nhân được người nhà đưa đi cấp cứu nên thoát chết. Tiếm và Kiệt chia đôi tài sản cướp được là 78 lượng vàng.

Mặc dù số tài sản cướp được khá nhiều nhưng những đồng tiền không mất mồ hôi công sức nhanh chóng cạn sạch cùng những thói ăn chơi phù phiếm. Cơn khát vàng liên tục thúc ép Tiếm và đồng bọn gây tội ác. Cuối năm 2001, Tiếm, Kiệt bàn nhau mua thêm hai khẩu súng ngắn rồi rủ thêm Trần Hữu Lộc, Phan Văn Tưởng, Nguyễn Tấn Thông tham gia cướp tiệm vàng Thanh Tâm ở thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi, TP HCM. Tương tự thủ đoạn trước, tối 7/11/2001, khi ông Tâm mang túi vàng về tới trước cửa nhà bị Kiệt nổ súng bắn gãy tay phải rồi cướp túi vàng lên xe của đồng bọn chạy tẩu thoát. Để uy hiếp những người đuổi theo, Tiếm chở Lộc phối hợp rút súng bắn chỉ thiên. Vụ này, cả bọn cướp được 200 lượng vàng, 30 triệu đồng,  210.000 Yên Nhật và 500 USD, ông Tâm bị tỷ lệ thương tật 18% vĩnh viễn.

Sau những vụ trọng án ở Tây Ninh và TP HCM, Tiếm cùng đồng bọn còn mở rộng địa bàn hoạt động ra khắp các tỉnh từ Đồng Nai, Long An đến Vĩnh Long. Lóa mắt vì vàng nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, bằng bất cứ giá nào băng cướp của Tiếm đều ra tay rất nhanh, rất gọn, rất tàn bạo miễn sao cướp được vàng. Là bàn tay đắc lực của “đại ca” Huỳnh Văn Tiếm, Kiệt ra lệnh cho tất cả đàn em: “Trong lúc cướp, nếu chống trả lập tức bắn bỏ, đứa nào cầm súng mà không bắn thì họng súng sẽ chĩa vào đầu đứa đó và chính tao sẽ là người bóp cò”. Câu nói của Kiệt khiến những người ta phải “sởn da gà” về sự liều lĩnh và tàn nhẫn.

Tử tù Lê Anh Kiệt.

Hàng loạt vụ cướp do Tiếm, Kiệt và đồng bọn gây ra đã làm rúng động không chỉ giới kinh doanh vàng khắp các tỉnh miền Nam mà còn là nỗi ám ảnh của biết bao người dân những năm đầu thế kỷ. Thế nhưng, tàn bạo nhất có lẽ vẫn là vụ cướp tiệm vàng Kim Thành tại chợ Phạm Thế Hiển, quận 8, TP HCM diễn ra vào tối 2/10/2004. Sau khi theo dõi, nắm bắt quy luật kinh doanh của chủ tiệm, Tiếm, Kiệt quyết định cho nhóm đàn em “đánh” vào tối 2/10. Trước khi đi, Kiệt không quên nhắc lại nhiệm vụ “đi làm phải bảo vệ nhau, đứa nào không nghe theo tao sẽ bắn đứa đó”. Hôm ấy, Tưởng chở Kiệt còn Tiếm chở Nguyễn Văn Nhãn (56 tuổi, Tây Ninh), tất cả đều mặc áo mưa, Tưởng và Kiệt còn đeo khẩu trang che mặt, đến trước tiệm vàng Kim Thành phía bên kia đường chờ sẵn.

Khoảng 19h, dọn dẹp cửa tiệm xong, ông Doãn Mỹ (chủ tiệm) bỏ tiền và vàng vào hai giỏ xách buộc ở giữa xe rồi chở vợ về nhà. Khi vợ chồng ông chạy qua đoạn đường vắng người, Tưởng điều khiển xe áp sát xe ông Mỹ, Kiệt ngồi sau rút súng bắn thẳng một phát vào người ông rồi nhảy xuống đạp đổ xe của họ. Súng nổ, bị đạn găm vào người, ông Mỹ gắng ôm Kiệt giằng co. Lúc này, Kiệt nhắm vào người ông Mỹ bắn tiếp một phát nữa nhưng súng không nổ liền lấy báng súng đánh vào đầu. Người vợ hốt hoảng chạy ra khỏi xe hô cướp. Ngay lúc đó, Tưởng chạy đến giật hai giỏ xách đưa cho Nhãn một giỏ định tẩu thoát. Quay sang, thấy ông Mỹ vẫn đang giằng co với Kiệt, Nhãn bước tới rút súng chĩa thẳng vào người ông Mỹ bắn một phát khiến ông gục xuống chết ngay tại chỗ. Kiệt thoát ra được và nhảy lên xe do Tưởng đang chờ sẵn tẩu thoát. Khi lên xe, Kiệt lên đạn bắn tiếp một phát chỉ thiên để uy hiếp.

Khám nghiệm tử thi nạn nhân Doãn Mỹ thu giữ được hai đầu đạn cỡ 9mm. Tại hiện trường vụ cướp đẫm máu, Công an thu giữ 3 vỏ đạn và một viên đạn. Phân viện Khoa học Hình sự - Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an kết luận những vỏ đạn và đầu đạn trên với những vỏ đạn thu giữ tại hiện trường vụ cướp tiệm vàng Kim Quang tại chợ Trảng Bàng, Tây Ninh ngày 31/12/2004 cùng do hai khẩu súng bắn ra. Băng nhóm thực hiện các vụ cướp trên được xác định là một. Cơ quan chức năng vào cuộc, truy lùng gắt gao, những tên cướp dạt về nhiều nơi để tạm lánh sau khi thực hiện “cú chót” tại một tiệm vàng ở tỉnh Vĩnh Long vào ngày 10/7/2005. 

Sa lưới

Tính từ khi Tiếm thực hiện vụ cướp vàng đầu tiên vào năm 2000 đến giữa năm 2005, Huỳnh Văn Tiếm và đồng bọn đã thực hiện tổng cộng 8 vụ cướp vàng với số lượng đặc biệt lớn với hơn 800 lượng vàng, hơn 600 triệu đồng, 84 viên kim cương…với tổng trị giá hơn 33 tỷ đồng. Tổng cộng đã có 1 người chết, 15 người bị thương dưới gậy gộc và họng súng của băng nhóm này. Mặc dù khoản tiền chia chác sau mỗi vụ cướp rất lớn nhưng Tiếm, Kiệt, Nhãn và các đối tượng khác chẳng giữ được là bao, tất cả được nướng vào những trò cờ bạc, hút chích, bồ bịch…qua đường. Khi đã bước sang tuổi 54, sang bên kia cái dốc cuộc đời nhưng Huỳnh Văn Tiếm vẫn chưa nguôi ngoai thèm khát những đồng tiền bất chính. Cuộc sống cướp giật và thói dùng tiền để cung phụng những trò phù phiếm thúc giục gã đàn ông ngoại ngũ tuần trở lại con đường cũ. Tiếm quyết định lên thành phố rủ Lê Anh Kiệt và nhóm đàn em trở lại với những ngày gây án.

Tháng 6/2011, Tiếm cùng đàn em Nguyễn Văn Nhãn lên TP HCM tìm Kiệt. Những ngày này, các sĩ tử cuối cấp cùng gia đình đang túi bụi bận rộn, lo cho những kỳ thi đại học. Con của Kiệt cũng không ngoại lệ. Do vậy, cuộc gặp gỡ ngắn ngủi. Kiệt cho biết đang bận đưa con đi thi đại học, bận việc gia đình nên không thể tham gia, đợi khi nào xong tính tiếp. Tiếng Tiếm là kẻ cầm đầu trong băng nhóm nhưng thực chất Kiệt cũng là đàn anh, đàn chị, là cánh tay phải đắc lực của Tiếm. Do vậy, Tiếm đành về lại Tây Ninh, sai Nhãn tìm mua một khẩu súng K54 chờ “người anh em” nhận lời. Tháng 8/2011, Nhãn tuân lệnh “đại ca” đem khẩu súng K54 lên TP HCM giao cho Kiệt. Nhận khẩu súng, Kiệt ngầm hiểu sắp đến ngày hoạt động trở lại, khẩu súng là vật để chuẩn bị cho những ngày sắp tới.

Sau khi Kiệt đưa con đi thi đại học về, Tiếm đích thân từ Tây Ninh xuống TP HCM gặp Kiệt giao đi theo dõi xem tiệm vàng nào ở TP HCM có thể cướp được. Nhận nhiệm vụ, Kiệt đi theo dõi hai tiệm vàng, trong đó một tiệm ở quận 4, một tiệm ở quận 8 chuẩn bị cho kế hoạch. Tuy nhiên, thấy chủ tiệm vàng để vàng rải rác tại tiệm không đem về, cho rằng tỷ lệ cướp thành công 100% rất khó nên Kiệt quyết định đình kế hoạch. Tiếm cùng Nhãn lại quay về Tây Ninh.

Nóng ruột không hiểu vì sao Kiệt tỏ ra nấn ná, ngày 8/10/2011, Tiếm lại lên TP HCM hẹn gặp Kiệt tại quán cà phê Thu Hồng trên đường Lê Văn Lương, phường Tân Phong, quận 7. Tại đây, Kiệt nói với Tiếm phải có hai khẩu súng thì Kiệt mới tham gia cướp tiệm vàng, nếu chỉ có một khẩu thì Kiệt nhất định không tham gia. Trước thái độ kiên quyết của đàn em, Tiếm im lặng sau đó bảo nếu vậy Kiệt hãy trả lại khẩu súng. Kiệt lập tức lấy xe máy về nhà ở ấp 2, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP HCM lấy khẩu súng K54 và 3 viên đạn bỏ vào túi nilon đem đến quán cà phê Thu Hồng trả lại cho Tiếm. Khi Kiệt đang giao lại súng cho Tiếm và Nhãn thì Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an ập vào bắt quả tang, thu giữ khẩu súng. Sau hơn mười năm hoạt động, Huỳnh Văn Tiếm và đồng bọn sa lưới.

Đền tội

Ngày Tiếm và đồng bọn ra tòa, một số tay đàn em như Trần Hữu Lộc, Nguyễn Tấn Thông, Nguyễn Đức Công đã chết vì bệnh tật do thói ăn chơi trước khi khởi tố vụ án. Bốn đàn em của Tiếm cùng hầu tòa gồm Kiệt, Nhãn, Tưởng và Đặng Văn Phước. Lúc Tiếm, Kiệt bị bắt, những người xung quanh không tin nổi đó lại là một trong hai tay “thủ lĩnh” từng gây ra những vụ cướp động trời. Được chia bao nhiêu vàng không đếm xuể nhưng cuộc sống của vợ con Tiếm và Kiệt vốn chẳng giàu sang. Sau khi mãn hạn tù bản án giết người, Kiệt tỏ ra trầm tính, lầm lì khiến những người mới gặp còn tưởng rằng hắn lành như cục đất, duy chỉ có cặp mắt tỏ ra khá lạnh lùng.

Từ giữa năm 2005, trong thời gian ẩn mình, ngày ngày Kiệt đi lấy rau về cho vợ đưa ra chợ bán kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Thế nhưng, khi gây án, đằng sau vỏ bọc ấy lại là một bản tính quyết đoán, lạnh lùng và tàn nhẫn. Còn Tiếm, sau những lần vung tiền như rác để chiều lòng những cô gái qua đường, hắn chẳng còn gì ngoài nỗi khát tiền. Năm 2009, Tiếm còn bị Công an địa phương xử phạt hành chính về hành vi khai thác tài nguyên trái phép. Không ai có thể ngờ trong tay những gã đàn ông “khù khờ” ấy lại là một băng cướp kinh hoàng. Cũng vì thế mà khi băng cướp này xộ khám, những người thân của các bị cáo không ai vướng vào lao lý với những tội đại loại như không tố giác tội phạm hay che giấu tội phạm. Giàu lên “nhờ” cướp có lẽ chỉ có Phan Văn Tưởng.

Tháng 11/2003, Tiếm rủ Tưởng và Đặng Văn Phước đều là bạn tù ở trại giam Tống Lê Chân nhập bọn. Sau khi tham gia hai vụ, Phan Văn Tưởng dồn toàn bộ số vàng được chia mua một xe tải và gần 3.000 mét vuông đất để kinh doanh. Lúc bị bắt, Tưởng đang ẩn danh là một ông chủ gara ôtô giàu có.

Đứng trước vành móng ngựa, đối diện với 11 người bị hại có mặt tại tòa, Huỳnh Văn Tiếm tỏ ra khá lạnh lùng. Tiếm thừa nhận tội cướp nhưng phủ nhận tội giết người. Hắn cho rằng mình không phải là kẻ trực tiếp nổ súng làm chết và bị thương các nạn nhân nên bị cáo bị oan. Trái lại với thái độ quanh co của Tiếm, suốt quá trình điều tra cho tới lúc ra tòa, không chút quanh co, Kiệt thẳng thắn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội.

TAND TP HCM đã tuyên phạt Huỳnh Văn Tiếm, Lê Anh Kiệt, Nguyễn Văn Nhãn cùng mức án tử hình về các tội “giết người”, “cướp tài sản” và “tàng trữ, sử dụng, mua bán trái phép vũ khí quân dụng”. Phan Văn Tưởng lãnh án tù chung thân cũng về ba tội danh trên. Riêng Đặng Văn Phước lãnh án 15 năm tù về hai tội “cướp tài sản” và “tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”.

Sau bản án, ba tử tù kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Phiên tòa phúc thẩm hôm ấy có rất ít người dự khán. Tử tù Huỳnh Văn Tiếm đến tòa trên chiếc xe lăn vì sức khỏe yếu. Tử tù Nguyễn Văn Nhãn gầy gò, hốc hác lê từng bước chân nặng nề do mắc bệnh HIV giai đoạn cuối. Riêng tử tù Lê Anh Kiệt, gương mặt vẫn lầm lì khó hiểu. Không biết do bản lĩnh ngang tàn của một thời ngang dọc hay do dự cảm được cái giá phải trả nên Tiếm và Kiệt bình thản đến lạnh lùng. Không khóc lóc van xin như những tử tù khác, sau khi tòa bác đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, giữ nguyên ba bản án tử hình, các bị cáo im lặng đưa tay vào chiếc còng số 8.

Huỳnh Văn Tiếm ngồi trên xe lăn được đồng chí Công an đẩy đi trước. Kiệt và Nhãn lầm lũi theo sau giữa hai hàng Cảnh sát. Từng bước chân không biết các bị cáo nghĩ gì nhưng những cặp mắt lạnh lùng ấy, đâu đó vẫn lóe lên nỗi khát khao được sống. Thế nhưng với tội ác chất chồng, tàn bạo của Tiếm và đồng bọn, chuyện thứ tha là điều không thể. Một người dự khán thở dài “đó là cái giá phải trả khi gây tội ác trên đời”

PV
.
.
.