Chặn, xét hỏi – chiêu mới của Cảnh sát Mỹ

Thứ Tư, 26/10/2016, 14:58
Ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi cảnh sát toàn nước Mỹ sử dụng chiến lược chặn - xét người ở các thành phố, vì đó là cách tốt nhất ngăn chặn dân da màu phạm tội hình sự !

Ngày 21-9, tỷ phú Trump được người dẫn chương trình “Cuộc gặp về sự quan ngại dân Mỹ gốc Phi” của Hãng tin Fox News hỏi nếu trúng cử tổng thống, ông sẽ giải quyết tình trạng “người da đen phạm pháp với người da đen” thế nào. Ông Trump đáp sẽ dùng biện pháp chặn-xét người, một chiến thuật mà cựu Thị trưởng Rudy Giuliani từng áp dụng ở New York. Ông nói: “Chúng tôi đã làm ở New York và nó đạt hiệu quả cao”.

Ứng cử viên phát biểu vung vít

Ông Giuliani cùng đảng Cộng hòa và đang ủng hộ ông Trump, làm thị trưởng  New York từ năm 1996 đến ngày 31-12-2001 đã cho cảnh sát áp dụng chiến thuật chặn-xét người, rồi người kế nhiệm ông là Michael Bloomberg cũng cho tiếp tục.

Sau đó, nhóm tranh cử của ông Trump “đính chính” lời ông Trump chỉ nhằm vào tình trạng bạo lực gia tăng tiếp diễn ở Chicago. “Nên ông Trump cùng nhiều người Mỹ tin biện pháp chặn - xét người” từng áp dụng thành công ở New York thời Thị trưởng Giuliani đã cứu được nhiều mạng người và kéo giảm tội phạm. Ý ông Trump nhằm để Chicago lại an toàn và giảm tình trạng bạo lực tăng chọc thủng trời ở thành phố này”.

Cảnh sát New York bắt một nghi phạm da màu.

Ngày 21-9, Cảnh sát trưởng Chicago cho biết trong hai năm tới sẽ phải tuyển thêm 970 cảnh sát, gồm cảnh sát tuần tra và điều tra viên, nhằm đối phó nạn giết người gia tăng khiến hơn 500 người chết trong năm 2016. Nhưng ông Eddie Johnson không nói ngân sách thành phố có đủ trả lương cho họ hay không. Chicago hiện có 12.656 cảnh sát và vì thiếu người, nhiều người phải tăng ca, tuần tra. 

Xem ra ông Trump đã có một tuyên bố “vung vít”, chẳng đúng lúc: dân da màu đang gây loạn từ những cuộc biểu tình phản đối cảnh sát da trắng quá tay, đàn áp đối với người da màu không vũ khí ở các thành phố  như Ferguson, Missouri, Baltimore…

Sự tranh cãi nạn bạo lực do cộng đồng da màu gây ra đã nóng lên, sau vụ một nữ cảnh sát bắn chết Terence Crutcher ở Tulsa(bang Oklahoma) hôm 16-9, và cảnh sát cũng bắn chết Keith Lamont Scott ở Charlotte (bang Bắc Carolina) hôm 20-9. Cảnh sát trưởng nói Scott cầm súng đến gần một cảnh sát. Hai nạn nhân đều là da màu, và hai vụ này dẫn đến những vụ phản đối. Người biểu tình ở Charlotte đã khiến 16 cảnh sát và 5 người biểu tình bị thương hôm 20-9.

Cảnh sát chặn-xét người đi bộ là vi hiến

Không rõ ông Trump nếu trúng cử sẽ áp dụng “chiêu” chặn-xét người hay ông chỉ khuyến khích các địa phương thực hiện. Hiện có 18.000 sở cảnh sát địa phương trên toàn nước Mỹ, mỗi đơn vị có qui trình, chính sách riêng. 

Darrel Stephens, chủ nhiệm Hội Cảnh sát trưởng thành phố lớn (thành viên là chỉ huy của 68 sở cảnh sát lớn nhất Mỹ) nói: “Ông Trump chẳng biết mình nói gì. Cảnh sát là lực lượng địa phương do chính quyền bang trao quyền. Quan điểm của tổng thống chắc chắn quan trọng, nhưng một tổng thống không thể áp đặt kiểu chính sách mà ông Trump gợi ý”.

Chặn - xét người cụ thể là cảnh sát tuần tra sẽ chặn - hỏi và khám xét nếu họ “có đủ sự nghi ngờ hợp lý” một ai đó nguy hiểm, mang súng hoặc mang hàng lậu. Cảnh sát các thành phố Mỹ khác như Chicago, Newark cũng sử dụng biện pháp này.

Nhưng nhiều cuộc biểu tình phản đối đã bùng lên, cùng những vụ kiện cáo thành công ở New York và các thành phố lớn khác trong vài năm qua, chỉ ra đó là một chiến thuật giúp cảnh sát “nhắm” vào công dân thuộc các cộng đồng thiểu số và vi phạm quyền dân sự của họ.

Và nó cũng đã bị chứng minh không hiệu quả sau 50 năm áp dụng.

Thực ra việc chặn-xét người ở New York chỉ giảm dần sự phạm pháp, chứ nó tạo ra sự kỳ thị cộng đồng da màu và người gốc La-tinh. Năm 2013, nữ thấm phán cấp liên bang Shira Scheindlin đã tuyên Sở Cảnh sát New York (NYPD) chọn biện pháp này là vi hiến “khi tuần tra giao thông chỉ nhằm vào đàn ông da màu và La tinh, và là một trải nghiệm nhục nhã, làm mất phẩm cách của người da màu.

Lẽ ra không ai phải sợ bị chặn xét mỗi khi rời nhà để hòa nhập vào các hoạt động đời sống”.

Phán quyết này tiếp sau hơn 5 triệu vụ chặn - xét người kể từ năm 2002 đến 2015, và gần 90% vụ là người vô tội, 90% là người da màu hoặc gốc La tinh, theo một phân tích của Hội Quyền dân sự tự do New York (NYCLU).

Cuối năm 2013, cuộc điều tra của công tố viên bang New York cho biết: chỉ có 3% vụ chặn-xét “dẫn đến sự buộc tội hoặc nhận tội tại tòa”, và chỉ 0,1% người bị bắt có hành vi phạm tội bạo lực. Cùng năm, ông Trump viết trên tài khoản Twitter: “Nếu hủy biện pháp này, nó sẽ làm tăng những vụ khủng bố”.

Thị trưởng New York mắng ông Trump điên

Ý tưởng của ông Trump bị người phát ngôn Hội đồng thị chính New York lên án lập tức, nhắc nhớ chiêu này là vi hiến, không làm giảm tội phạm và “bào mòn nghiêm trọng quan hệ giữa cảnh sát với cộng đồng nhân dân mà họ phục vụ”.

Đương kim Thị trưởng New York, ông Bill de Blasio (đảng Dân chủ) từng trúng cử năm 2013 vì quyết chấm dứt kiểu chặn - xét người. Ông nói việc ông Trump kêu gọi áp dụng chiêu này trên toàn quốc là “kinh hoàng”, và nói không có điều khoản luật nào cho phép một tổng thống buộc cảnh sát địa phương phải áp dụng biện pháp này.

Ảnh minh họa.

Ông nói: “Hãy nhớ, một là ông Trump dốt lịch sử New York, hai là nói láo về lịch sử này. Tôi không hiểu tại sao một người tự nhận là dân New York lại không biết điều gì xảy ra ở thành phố này vài năm qua. Chúng tôi đã giúp thành phố này an toàn hơn từ khi chúng tôi chấm dứt chặn-xét người và số vụ đã giảm nhiều. Ông ta là một tỷ phú được nuông chiều, xa rời quần chúng, chẳng hiểu gì về các cộng đồng mà ông ta nói đến. Ông ta không có kinh nghiệm gì về cộng đồng da màu hoặc các cộng đồng thiểu số khác. 

Chắc chắn ông ta chẳng nói với những người như Bill Bratton và  Jimmy O’Neill (cựu và đương kim chỉ huy NYPD) vì chắc chắn họ sẽ nói thẳng rằng ông ta điên”.

Vài năm qua, NYPD giảm tối đa vụ tuần tra-chặn xét, từ 700.000 vụ năm 2011 chỉ còn 22.000 vụ năm 2015. Trong năm 2016, số vụ chặn-xét chỉ còn 20.000 vụ, so với con số kỷ lục 685.700 vụ năm 2011 (giảm 97%). 83% số vụ chặn-xét từ năm 2004 đến 2012 liên quan dân da màu và gốc La tinh, dù hai nhóm này chỉ chiếm chưa tới 50% tổng dân số New York.

Trang báo điện tử DNAinfo cho biết từ năm 2002 đến 2011, số vụ chặn-xét người/năm ở New York tăng 600%, nhưng chỉ 6% các vụ có kết quả bắt người và 2% có kết quả tịch thu vũ khí. Và 85% số người bị chặn-xét là dân da màu hoặc gốc La tinh.

Cử tri da màu không ưa ông Trump

Xem ra việc ông Trump ủng hộ “chiêu” chặn-xét người sẽ khiến ông khó lấy được thiện cảm của cử tri da màu vốn chiếm 13% trong tổng số dân Mỹ. Hiện cuộc chạy đua làm chủ Nhà Trắng (từ sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 8-11 tới) giữa ông với nữ đối thủ Hillary Clinton đang tăng tốc.

Thăm dò cho thấy cử tri Mỹ gốc Phi ủng hộ vị nữ cựu Ngoại trưởng Mỹ, và chỉ có 1% cử tri da màu ủng hộ ông Trump.

Vì thế, ông Trump chiêu dụ cộng đồng này, tự nhận là “ứng viên của luật pháp và trật tự”. Ông cũng thường viện lý do nạn bạo lực trong cộng đồng da màu là lý do để ông sẽ có nhiều phiếu bầu trong ngày bầu cử. Nhưng  ông đã bị ghi nhận là người thường kích động bạo lực, liên tục có những tuyên bố kỳ thị màu da, như đã liên tục hứa cấm tất cả 1,6 tỉ tín đồ Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ.

Ngày 22-9, ông Trump nói: “Hãy nhìn đi, cộng đồng Mỹ gốc Phi quí vị có gì để mà mất ? Quí vị hiện không học hành, không việc làm. Quí vị luôn bị bắn trên đường phố. Nói đúng ra, những chỗ như Afghanistan còn an toàn hơn vài thành phố của chúng ta”.

Bảo Vĩnh (tổng hợp)
.
.
.