Charles Sobhraj - Sát thủ "Người rắn"

Chủ Nhật, 16/08/2020, 08:04
Cuối năm 2019, Netflix - dịch vụ truyền dữ liệu video theo yêu cầu trên toàn thế giới, công bố ra mắt một bộ phim truyền hình mới ghi lại tội ác của Charles Sobhraj, một kẻ lừa đảo siêu hạng, một tên trộm cướp, một trùm buôn ma tuý máu lạnh và là thủ phạm của hàng loạt vụ giết người.


Di chuyển khắp Á-Âu, có tên trong danh sách truy nã của gần 30 quốc gia, người đàn ông mang hai dòng máu Việt Nam - Ấn Độ này quả thực là một trong những tên tội phạm nổi tiếng nhất thế giới.

Theo CNN, nam diễn viên người Pháp từng đoạt giải Tahar Rahim đảm nhận vai Charles Sobhraj trong loạt phim 8 phần mang tên "The Serpent" này. Từ đây, cuộc đời của kẻ giết người máu lạnh nói trên một lần nữa được tái hiện.

Charles Sobhraj là một trong những tên tội phạm nổi tiếng thế giới.

Đứa trẻ bị ruồng bỏ

Sinh ngày 6-4-1944 tại Sài Gòn, cậu bé Gurhmuk Sobhraj (tên thật của Charles Sobhraj) là con của một phụ nữ Việt Nam và một người đàn ông Ấn Độ. Charles Sobhraj lớn lên với cảm giác cha mẹ hoàn toàn thờ ơ với sự tồn tại của mình. Sau khi cha bỏ đi, mẹ của Charles Sobhraj đã kết hôn với trung uý người Pháp Alphonse Darreau. Rồi thế giới tù tội bắt đầu mở ra đối với đứa trẻ bị ruồng bỏ.

Năm 1963, Sobhraj bị bắt vì tội trộm cắp và bóc lịch 3 năm ở một nhà tù gần Paris (Pháp). Tại đây, nhờ vào tài ăn nói của mình, Sobhraj đã nhận được nhiều đặc ân. Hắn giả làm người đáng thương quá giỏi và còn giành được sự chú ý đặc biệt của một tình nguyện viên tới thăm các tù nhân tên là Felix d'Escogne. Ông này tới nhà tù Poissy mỗi tuần để giúp tù nhân viết và đọc thư, giải quyết những vấn đề pháp lý đơn giản và để làm người tâm sự, tư vấn. Charles Sobhraj nhanh chóng đeo bám Felix và luôn đối với ông này như với đấng cứu thế.

Sau khi được tha, Sobhraj nhanh chóng chuyển tới ở cùng Felix và tiếp tục lối sống vô đạo đức nhưng giờ đây hắn đã trở nên khôn ngoan và cẩn trọng hơn. Cuộc sống của hắn kẹp giữa hai thế giới rất khác nhau: một thế giới tươi sáng của Felix d'Escogne với rất nhiều công việc phải thực hiện và nhiều mối quan hệ với giới thượng lưu Paris; một thế giới thì tối tăm hơn nhưng lại là nơi Sobhraj cảm thấy như đang ở nhà - thế giới ngầm của Paris. Hắn tiến hành hàng loạt vụ trộm cướp và buộc phải quay lại trại giam đúng vào đêm cầu hôn với cô bạn gái Chantal.

 Vốn không thể tự nhận thức về tội lỗi của bản thân, Charles Sobhraj lại đổ lỗi cho thế giới về việc phải ngồi tù. Trong hàng loạt thư từ với Felix, hắn vẫn phủ nhận trách nhiệm của mình. Khi được thả, Sobhraj dùng số tiền kiếm được để cầu hôn Chantal. Chẳng bao lâu sau thì Chantal mang thai.

Charles Sobhraj khi bị cảnh sát Ấn Độ bắt giữ.

Cùng lúc đó Sobhraj quyết định rời châu Âu tới châu Á do nhà chức trách Pháp bắt đầu nghi ngờ hắn là thủ phạm của hàng loạt vụ trộm cắp các gia đình giàu có tại đây. Hai vợ chồng đi qua Đông Âu bằng giấy tờ giả và trộm cắp của những người coi chúng là bạn bè. Năm 1970, nhà Sobhraj tới Bombay (Ấn Độ) và Chantal hạ sinh một cô con gái.

"Làm ăn" ở Ấn Độ

Charles Sobhraj và Chantal nhanh chóng chiếm được cảm tình và hoà nhập vào cộng đồng người Pháp ở tiểu lục địa. Năm 1970, Sobhraj điều hành một đường dây trộm cắp và tiêu thụ xe ôtô ăn cắp của châu Âu và Mỹ, đáp ứng nhu cầu của những người Pháp nhớ quê hương, người Ấn Độ giàu có mê xe của phương Tây. Bên cạnh đó, Sobhraj còn máu mê cờ bạc.

Mặc dù kiếm được nhiều tiền từ ăn cắp và buôn lậu ôtô nhưng rốt cục, Sobhraj vẫn biết thế nào là "bác thằng bần". Hắn trở thành con nợ lớn của sòng bài Macao dù đã bán cả nữ trang của vợ. Do bị thúc bách bởi những chủ nợ nghiệt ngã hàng đầu thế giới, Sobhraj đã cùng đám tay chân mang súng đi cướp một cửa hiệu bán nữ trang trong khách sạn ở New Delhi.

Phi vụ này đã khiến cảnh sát lần ra Sobhraj và năm 1973, hắn bị bắt khi đang tiếp tục trộm cắp ôtô ở Bombay. Tên đạo tặc bị đưa tới nhà tù Tihar ở Bombay nhưng cũng chính tại nơi này, hắn đã lên một kế hoạch trốn tù với sự giúp đỡ đắc lực của vợ. Hắn giả vờ kêu la vì bị chảy máu trong nên được đưa tới bệnh viện. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm ruột thừa (dù thực ra Sobhraj hoàn toàn vô sự) và quyết định phẫu thuật.

Trong thời gian nằm viện chờ hồi phục, tên tù xảo quyệt đã thuyết phục được vợ đánh thuốc mê người canh gác, giúp hắn bỏ chạy. Tuy kế hoạch thành công nhưng sau này cảnh sát vẫn bắt lại được Sobhraj. Hắn chỉ thực sự biết tới tự do sau khi vay được tiền của bố ở Sài Gòn đóng tiền thế chân. Vừa được tại ngoại, Sobhraj đã đưa vợ con chạy khỏi Ấn Độ.

Trò đuổi bắt

Đến Kabul (Afghanistan) Sobhraj tiếp tục nuôi vợ nuôi con bằng cách lừa đảo và cướp của những khách du lịch từ phương Tây tới phương Đông. Tức giận, Chantal đưa con về Pháp, thề không bao giờ muốn gặp lại tên tội phạm mà mình phải gọi là chồng. Trong năm tiếp đó, Sobhraj đi khắp bán cầu đông, không bao giờ dừng lại ở nơi nào quá lâu để tránh sự nghi ngờ của cảnh sát về các phi vụ trộm cướp.

Hắn luôn có khoảng 10 hộ chiếu trong túi, một số là mua được, một số là đồ ăn cắp và không cái nào đề tên Charles Sobhraj. Sobhraj không còn sử dụng tên của mình nữa và thay đổi tên giả thường xuyên, phụ thuộc vào hộ chiếu hắn kiếm được.

Điều đó khiến nhà chức trách gặp khó khăn trong việc điều tra thủ phạm của những vụ lừa đảo, cướp của giết người. Từ năm 1972-1973, tên này đã tới Karachi (Pakistan), Rome (Italia), Tehran (Iran), Kabul (Afghanistan), Yugoslavia, Bulgaria và cả Copenhagen (Thuỵ Điển).

Dần dần, những nơi Charles Sobhraj có thể tới bị thu hẹp do hắn để lại quá nhiều tàn tích. Nhìn về phương Đông, Sobhraj thấy một thế giới mà hắn có thể dễ dàng hoà mình vào đó. Hình dạng con lai Ấn Độ - Việt Nam cho phép hắn có thể giả dạng bất kỳ quốc tịch nào hắn muốn và tại phương Đông, hắn có thể dễ dàng hành động và trốn tránh nhờ đút lót nhà chức trách, cảnh sát, miễn là có đủ tiền.

Có tin đồn hắn từng giết người từ trước đó nhưng phải tới năm 1975 mới để lại dấu vết. Hầu hết các nạn nhân đều từng giao du với bọn Sobhraj trong một thời gian trước khi chết và theo một số nhà điều tra, nạn nhân đều được Sobhraj tìm cách "tuyển dụng" nhưng từ chối và doạ sẽ tố cáo hắn. Nạn nhân đầu tiên là một nhà hành hương người Mỹ, Jennie Bollivar, tới phương Đông với lòng sùng kính đạo Phật. Nạn nhân tiếp theo là một chàng trai người Do Thái mê du lịch, Vitali Hakim…

Tháng 3-1976, Sobhraj quay lại Bangkok (Thái Lan) bằng cái tên "Jacob" trong cuốn hộ chiếu đã lấy được. Thời điểm này, sau cái chết của 2 người Hà Lan và 2 người Israel, cảnh sát Thái Lan bắt đầu nghi ngờ "một người đàn ông lai Ấn, Á cùng một phụ nữ phương Tây". Sau khi bị bắt hụt ở Bangkok, Sobhraj chạy xuống Songkhla rồi qua biên giới, vào đất Malaysia. Tháng 7-1976, Sobhraj đi Bombay, Ấn Độ.

Tại đây, hắn ta thu nạp hai thiếu nữ người Mỹ là Barbara Smith và Mary Ellen Eather. Nạn nhân đầu tiên của Sobhraj là một thanh niên người Pháp tên Jean Luc Solomon. Vẫn bằng cách pha thuốc ngủ vào rượu để cướp tài sản nhưng do pha quá liều, Solomon ngộ độc chết. Đến cuối tháng 7-1976, tại New Delhi, Sobhraj lừa một nhóm sinh viên Pháp bằng cách giới thiệu mình là hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp.

Một buổi chiều, trước bữa ăn tại khách sạn Vikram, Sobhraj đưa cho mỗi sinh viên một viên thuốc, nói là thuốc ngừa bệnh kiết lị vì điều kiện ăn uống ở Ấn Độ không bảo đảm vệ sinh. Tuy nhiên, có 3 sinh viên trong đó chỉ giả bộ uống. Khi nhìn thấy bạn bè mình lần lượt ôm bụng quằn quại, họ đã xông vào túm chặt lấy Sobhraj, lôi đến đồn cảnh sát. Khi bị thẩm vấn, hai cô gái người Mỹ nhanh chóng thú nhận âm mưu cướp tài sản của Sobhraj đồng thời khai luôn về vụ đầu độc Jean Luc Solomon.

Sobhraj bị kết án 12 năm tù giam nhưng tới ngày 17-2-1997, Sobhraj (52 tuổi) ung dung ra khỏi Tihar khi mà hầu hết các lệnh bắt, các bằng chứng và ngay cả những nhân chứng chống lại hắn đều đã mất. Không có nước nào để trục xuất Sobhraj tới, nhà chức trách Ấn Độ cho hắn quay về Pháp.

Lưới trời lồng lộng

Sobhraj sống thoải mái ở ngoại ô Paris với tài sản 15 triệu USD - là tiền kiếm được từ những lần trả lời phỏng vấn, viết hồi ký và bán bản quyền làm phim. Thế nhưng, chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào mà Sobhraj quay lại Nepal, nơi hắn đã giết người thanh niên Canada là Laurent Carriere và cô gái người Mỹ Connie Bronzich. Một số tờ báo Thái Lan gọi đó là "luật nhân quả".

Ngày 17-9-2003, một nhà báo tình cờ nhìn thấy Sobhraj trên đường phố ở thủ đô Kathmandu (Nepal). Hai ngày sau hắn bị bắt lúc đang đánh bài trong casino của khách sạn Yak&Yeti. Gần 1 năm sau, ngày 20-8-2004, Sobhraj bị tòa án Kathmandu kết án tù chung thân vì tội giết Carriere và Bronzich. Hầu hết các bằng chứng dùng để buộc tội Sobhraj do Lãnh sự quán Hà Lan ở Thái Lan và Interpol thu thập được.

Cuối năm 2007, luật sư của Sobhraj gửi một bản thỉnh nguyện thư đến  Tổng thống Pháp khi đó là Nicolas Sarkozy, đề nghị Chính phủ Pháp can thiệp với Chính phủ Nepal, phóng thích Sobhraj vì lý do nhân đạo bởi lẽ đã ở tù Ấn Độ suốt 22 năm rồi nhưng thỉnh nguyện thư bị từ chối. Và mặc dù tù chung thân có nghĩa là suốt đời sẽ không bao giờ còn được bước chân ra khỏi nhà giam nhưng một thiếu nữ Nepal 20 tuổi là Nihita Biswas lại quyết định lấy Sobhraj làm chồng.

Ngày 30-7-2010, Tòa án tối cao Nepal một lần nữa bác đơn kháng cáo của Sobhraj đồng thời bổ sung hình phạt 2.000 rupi (tiền Nepal) về hành vi sử dụng hộ chiếu giả. Bên cạnh đó, tòa cũng ra lệnh phong tỏa tất cả mọi tài sản của Sobhraj.

Tháng 3-2020, khi sắp tròn 76 tuổi, Charles Sobhraj lại đưa ra yêu cầu đòi được trả tự do với lý do lớn tuổi, sức khoẻ yếu. Theo luật pháp của Nepal, một tù nhân trên 65 tuổi có đủ điều kiện để giảm thời hạn tù lên đến 65%. Nhưng, quy định này không được áp dụng cho người nước ngoài và Sobhraj sẽ phải ở lại nhà tù thêm bốn năm nữa.

Chi Anh
.
.
.