Châu Á: "Thùng thuốc súng" hiện quá nóng tựa châu Âu trước Thế chiến I

Thứ Hai, 08/04/2013, 15:44

Những năm gần đây, căng thẳng luôn đeo đẳng khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tại Biển Đông, Trung Quốc ngang ngược gây hấn với Việt Nam (mới đây là bắn cháy tàu cá của ngư dân Việt ở Hoàng Sa gây bức xúc không chỉ Việt Nam mà cả dư luận quốc tế) và một số nước trong khu vực. Ngoài ra, "thùng thuốc súng" giữa Nhật và Trung Quốc có thể khai hỏa bất cứ lúc nào do những tranh chấp lãnh hải trên biển Hoa Đông. Bán đảo Triều Tiên cũng nóng lên từng ngày. Bình Nhưỡng đã đơn phương cắt đứt đường dây nóng Liên Triều cũng như hủy bỏ Hiệp ước đình chiến giữa hai nước.

Từ sự trỗi dậy của Trung Quốc

Một người biểu tình đứng đằng sau lá cờ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong một cuộc biểu tình về tranh chấp các đảo trên biển Hoa Đông trước đại sứ quán Nhật Bản tại Budapest (Hungary) mới đây.

Mặc dù không ai mong muốn sẽ có xung đột xảy ra ở châu Á, nhưng bóng ma u ám đang bao trùm lục địa này, chính là sự trỗi dậy về địa chính trị của Trung Quốc. Chính phủ các nước xa gần đang quan sát thận trọng một cường quốc mới nổi, đang ra sức muốn khẳng định mình trên trường quốc tế, và tiến hành một cuộc cạnh tranh ngầm với vị trí siêu cường của Hoa Kỳ đã tồn tại kể từ năm 1945.

Một số quốc gia đã vướng vào những tranh chấp nhạy cảm với Bắc Kinh: một số vùng biển đã bị khấy động trong những năm gần đây do sự tranh chấp trên các đảo không người cư trú ở phía Nam và đông Trung Quốc. Đó là nguyên nhân nổi lên khiến Trung Quốc có quan hệ dần xấu đi với Việt Nam, Nhật Bản và Philippine.

Bầu không khí căng thẳng hiện nay được so sánh cũng tương tự với thời điểm cách đây một thế kỉ. Trong số các ý kiến mới đây, có 2 vị cựu ngoại trưởng châu Á đã ví châu Á bây giờ giống như châu Âu thời trước Thế chiến thứ nhất, khi đó tình trạng căng thẳng tăng cao giữa 2 phe Hiệp ước và Liên minh.

Biển Đông - một vùng biển then chốt và chiến lược mà Trung Quốc đã xem nó như là "ao nhà" của mình, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng - cũng giống như vùng Balkan cách đây 100 năm trước, như một ngòi thuốc nổ rất dễ bắt lửa để trở thành một cuộc xung đột trong khu vực, nếu như đó không phải là một cuộc chiến tranh toàn diện.

Người Trung Hoa núp sau lá cờ biểu tình chống Nhật.

Ông Kevin Rudd, cựu Thủ tướng và Ngoại trưởng Australia phát biểu: "Giống như Balkan cách đây một thế kỷ, bị chia rẽ bởi các liên minh, lòng trung thành và sự thù hận, các yếu tố tác động chiến lược từ bên ngoài tại Đông Á rất phức tạp. Có ít nhất 6 nước hay thực thể chính trị đã vướng vào những tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, 3 trong số đó có quan hệ đồng minh chiến lược với Hoa Kỳ".

Tới sự suy giảm của Mỹ và Nhật

Sự suy giảm vai trò của Washington tại Thái Bình Dương, một lực lượng có vai trò đối trọng với sức mạnh đang lớn dần lên của Trung Quốc, tạo thành bối cảnh toàn thể cho tất cả các tranh chấp lãnh thổ vốn âm ỉ từ lâu. Các quy luật của trò chơi đang thay đổi trong khu vực này và sự bất định làm tăng nguy cơ đối đầu giữa các nước.

Ông Yoon Young-kwan, cựu Ngoại trưởng của Hàn Quốc đã chỉ ra một điểm giống nhau giữa tình hình hiện nay so với đầu thế kỷ XX: "Hồi đó sức mạnh quốc tế của nước Anh đã suy giảm, trong khi nước Đức đã gia tăng kể từ khi thống nhất vào năm 1871. Tương tự như vậy, ít nhất là về khía cạnh kinh tế, Hoa Kỳ và Nhật Bản dường như đang bắt đầu trên đà suy thoái so với Trung Quốc. Vào thời điểm ngôi vị siêu cường bị thay đổi, khi đó các nhà lãnh đạo chính trị quan trọng của thế giới rất dễ có khả năng tạo ra những chính sách ngoại giao sai lầm. Sự quản lý yếu kém về các mối quan hệ quốc tế tại những thời điểm nhạy cảm này có thể dẫn đến những cuộc chiến tranh lớn"

Lài Nguyễn - Linh Thùy (theo WC)
.
.
.