Châu Á tìm hướng đi trong cuộc chiến thương mại

Thứ Hai, 07/10/2019, 09:56
Các nước châu Á đang tìm kiếm chất xúc tác ngoài Trung Quốc để thúc đẩy nền kinh tế của họ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến nhu cầu xuất khẩu của Trung Quốc bị thu hẹp.


Thái Lan đã tiết lộ một gói tái định vị, bao gồm các ưu đãi về thuế và thay đổi luật pháp để thu hút các công ty nước ngoài. Malaysia đã thành lập một hội đồng theo dõi nhanh các khoản đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp và cho biết họ đã phê duyệt hơn 500 triệu đô la các đề xuất trong tháng này. Ngân hàng Trung ương Indonesia đã cắt giảm lãi suất chuẩn lần thứ ba trong 3 tháng vào cuối tháng 9, đồng thời công bố các biện pháp để thúc đẩy chi tiêu trong nước. Ấn Độ và Philippines đã cắt giảm lãi suất nhiều lần.

Xuất khẩu sang Trung Quốc từ châu Á đã chậm lại trong năm nay, khiến người bán tìm kiếm thị trường thay thế. Nhật Bản và Hàn Quốc chứng kiến xuất khẩu của họ sang Trung Quốc giảm trong nửa đầu năm, nhưng các chuyến hàng của họ đến Mỹ, Anh và Nga đã tăng trong thời gian đó. Xuất khẩu của Malaysia và Thái Lan sang các thị trường như Mỹ, Singapore và Việt Nam đã tăng trưởng. 

“Các nỗ lực tìm kiếm thị trường thay thế đã thấy sự gia tăng các chuyến hàng đến các quốc gia như Chile, Qatar và Sri Lanka”, Phó Thống đốc Ngân hàng Indonesia Dody Budi Waluyo nói với Reuters. “Chúng tôi đã đa dạng hóa các điểm đến xuất khẩu của mình để có thể bù đắp các chuyến hàng sang Trung Quốc hoặc sang Mỹ đang biến mất”.

Một phân tích của tờ Reuters về 8 nền kinh tế lớn bao gồm Hàn Quốc, Indonesia và Đài Loan cho thấy đóng góp của doanh thu xuất khẩu từ Trung Quốc vào tổng GDP đã giảm xuống còn 8% vào nửa đầu năm 2019, so với 9,3% một năm trước đó. 

Trong khi đó, nhu cầu trong nước góp thêm 0,7 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP của Nhật Bản, 1,8% trong quý II, nhiều hơn so với việc bù đắp khoản đóng góp tiêu cực 0,3 điểm từ nhu cầu bên ngoài. Nền kinh tế Malaysia chứng kiến sự tăng trưởng vững chắc 4,9% trong quý II, nhờ vào tiêu dùng tư nhân mạnh mẽ.

“Tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại ở các nước châu Á mới nổi, một phần do căng thẳng thương mại. Tuy nhiên, tiêu dùng tư nhân trong nước đang tăng tốt”, OECD cho biết trong một báo cáo hồi tháng 7.

Một xu hướng gần đây của các công ty châu Á là đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc và chuyển về quê nhà để giúp giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo một ghi chú của Nomura trong tháng 9, các công ty Đài Loan như Flexium Interconnect và Quanta Computer, Công ty SK Hynix của Hàn Quốc và các công ty Nhật Bản như Mitsubishi Electric và Toshiba Machine đang tìm cách chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.

Ngoài ra, một số công ty của Mỹ và châu Âu đang chuyển các nhà máy của họ từ Trung Quốc sang các quốc gia có chi phí thấp hơn như Việt Nam, Philippines và Campuchia. Tập đoàn đồ thể thao Puma của Đức đã chuyển một số sản phẩm sang Việt Nam và Bangladesh từ Trung Quốc, trong khi các nhà bán lẻ của Mỹ như Gap Inc., Steve Madden Ltd., và Macy’s Inc. cũng chuyển ra khỏi Trung Quốc. Ấn Độ đang nhắm mục tiêu thu hút các công ty bao gồm Apple, Foxconn và Wilstrong Crop, theo một tài liệu được xem bởi Reuters.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng mạnh ở một số thị trường giá rẻ trong khu vực, củng cố số dư tài khoản vãng lai của họ và giúp tạo thêm cơ hội cho các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất chính sách trong năm nay. Vốn đầu tư vào Việt Nam đã tăng lên 12 tỷ đô la trong 8 tháng đầu năm 2019, từ mức 11,25 tỷ đô la một năm trước đó. Malaysia và Thái Lan cũng đã chứng kiến sự gia tăng của FDI.

Tommy Wu, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Oxford Econom, cho biết các quy trình sản xuất đòi hỏi kỹ năng cao sẽ chuyển sang các nền kinh tế như Hàn Quốc và Đài Loan, trong khi những doanh nghiệp khác có thể sẽ đến các nước như Ấn Độ và Việt Nam.

Ngay cả trước cuộc chiến thương mại Mỹ, rất nhiều công ty đã tìm cách di dời do chi phí sản xuất tăng ở Trung Quốc. Nhưng sau đó, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là một yếu tố kích thích để tăng tốc toàn bộ quá trình này.

Kim Thu
.
.
.