Châu Âu "bó tay" trước nạn di dân

Thứ Năm, 22/09/2016, 17:08
Trong khi Thủ tướng Slovakia Robert Fico tuyên bố (sáng 17/9), hội nghị thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu (EU) thành công - nhất trí về lộ trình nhập cư, chống khủng bố... nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel lại cảnh báo về nguy cơ "bị xói mòn" trong vấn đề người tị nạn và nhập cư. 


Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban coi Hội nghị đã thất bại trong việc ngăn chặn dòng người tị nạn tràn vào châu Âu. Trước đó (10-9), Thủ tướng Viktor Orban đã kêu gọi chính phủ nước này cần chuẩn bị cho một cuộc đấu tranh lâu dài với EU trong việc thay đổi cơ chế phân bổ hạn ngạch người di cư cho các quốc gia thành viên. Và cuộc trưng cầu dân ý tại Hungary hôm 2-10 cũng có liên quan tới quy chế phân bổ hạn ngạch người di cư của EU đối với nước này.

Ngày 16/9, người phát ngôn Hải quân Libya Ayoub Qassem cho biết, khoảng 1.050 người di cư trên 7 thuyền cao su đã bị buộc phải quay lại đất liền hôm 14/9. Và chỉ trong 2 ngày qua, lực lượng tuần tra trên biển của Libya đã chặn giữ tổng cộng 1.425 người di cư (hầu hết đến từ các nước châu Phi cận Sahara) khi họ đang cố vượt Địa Trung Hải đến châu Âu.

Trong số những người di cư có nhiều phụ nữ và trẻ em.

Trước đó (14/9), Hải quân Ai Cập cho biết đã ngăn chặn thành công 2 vụ đưa người di cư bất hợp pháp qua Địa Trung Hải vào châu Âu, bắt tổng cộng 440 người mang nhiều quốc tịch khác nhau. Theo thống kê, trong 3 năm qua, Italia đã cứu hơn 400.000 người tị nạn cố vượt Địa Trung Hải trên những chiếc thuyền ọp ẹp được các tổ chức buôn người ở Bắc Phi, chủ yếu từ Libya, thuê để thực hiện hành trình tìm đến "miền đất hứa".

Bộ Nội vụ Italia cũng vừa thông báo, kể từ đầu năm 2016 đến nay, đã có khoảng 124.500 người di cư đến Italia, vượt con số kỷ lục 122.000 người trong năm 2015. Italia hiện là "điểm nóng" của người nhập cư khi làn sóng người di cư từ các nước xảy ra xung đột ở Trung Đông và châu Phi "tái bùng phát".

Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), kể từ khi tuyến đường di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Hy Lạp bị chặn, Italia trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng di cư với khoảng 115.000 người đã tràn tới nước này hồi cuối tháng 8. Và cứ 42 người di cư từ Bắc Phi tới Italia thì có 1 người chết, tăng mạnh so với tỷ lệ 1/52 người hồi năm ngoái.

Về phần mình, hôm 16/9, cảnh sát Pháp bắt đầu dỡ bỏ khu lán trại ở phía Bắc thủ đô Paris, nơi có khoảng 1.500 người nhập cư sinh sống. Bộ trưởng Nhà ở Pháp Emmanuelle Cosse cho biết, đa phần người di cư sống tại đây đến từ Sudan, Afghanistan và Eritrea, trong đó có nhiều trẻ em.

Và để tránh việc hình thành những khu lán trại bất hợp pháp mới, chính quyền Paris quyết định mở một trung tâm tiếp đón nhân đạo vào giữa tháng 10, trước khi bố trí họ tới những nơi ở mới. Phe đối lập đã phản đối kế hoạch bố trí chỗ ở mới cho người tị nạn, vì Chính phủ Pháp thành lập các trung tâm tiếp nhận trên toàn quốc sau khi dỡ bỏ những lán trại tạm bợ ở Calais.

Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve cam kết, sẽ từng bước phá bỏ khu lều trại, trước tiên là khu vực phía Bắc Calais và hiện có từ 7.000 đến 9.000 người nhập cư đang tạm trú tại đây để chờ cơ hội vào Anh.

Trong một diễn biến liên quan, Quốc hội Australia sẽ sớm phê duyệt dự luật mới trình hôm 15-9, trong đó cho phép giam giữ vô thời hạn những người bị kết án với tội danh khủng bố. Bộ trưởng Tư pháp George Brandis là người đệ trình dự luật chống khủng bố kể trên. Bộ trưởng Tư pháp George Brandis coi những biện pháp tăng cường mới nhằm đảm bảo luật pháp Australia đủ cứng rắn và cập nhật, để lực lượng cảnh sát và các cơ quan chức năng có thể chống khủng bố có hiệu quả.

Australia đã cảnh giác cao trước nguy cơ tấn công khủng bố mới bởi những phần tử Hồi giáo cấp tiến hoặc "sói đơn độc". Và đang tìm cách giám sát chặt chẽ những mối đe dọa tiềm tàng bằng cách hạ thấp độ tuổi của đối tượng tình nghi liên quan đến khủng bố xuống 14. Thủ tướng Malcolm Turnbull cũng vừa cảnh báo, khoảng 100 công dân Australia đã đến Syria để tham chiến trong hàng ngũ của IS.

Ngày 15/9, Bộ Tài chính Mỹ đã liệt vào danh sách trừng phạt 2 đối tượng Mohamad Alsaied Alhmidan và Hussam Jamous ở Thổ Nhĩ Kỳ, vì họ bị cáo buộc hỗ trợ tài chính cho IS. Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Jeh Johnson cũng vừa cảnh báo về nguy cơ tấn công khủng bố dưới hình thức "sói đơn độc". Giám đốc CIA John Brennan cũng có quan điểm giống ông Jeh Johnson.

Trong khi đó, Cơ quan chống khủng bố tại Lahore, Pakistan vừa bắt 4 phiến quân IS âm mưu thực hiện các vụ tấn công nhằm vào những mục tiêu chính phủ ở thành phố này. Ngoài việc bắt giữ 4 đối tượng kể trên, cảnh sát còn thu giữ 1,6 kg thuốc nổ và ngòi nổ.

Lư Tuấn Nghĩa
.
.
.