Châu Âu căng mình đối phó với nguy cơ khủng bố

Chủ Nhật, 11/12/2016, 10:38
Một loạt nước châu Âu và các cơ quan an ninh của “lục địa già” đã tiến hành nhiều hoạt động trong thời gian qua nhằm đối phó với nguy cơ khủng bố đang ngày một tăng cao.

Hãng AP vừa dẫn lời giới chức Đức cho biết (2-12), cảnh sát nước này đã bắt đối tượng Hekmat T., 20 tuổi, người Afghanistan bị nghi là thành viên Taliban.

Theo các công tố viên, Hekmat T., từng là người của Taliban ở Afghanistan và liên tục tham chiến chống cảnh sát và các lực lượng an ninh tại nước này từ năm 2013.

Trước đó (30-11), Văn phòng công tố viên Duesseldorf đã mở cuộc điều tra hình sự đối với một công dân Đức bị tình nghi "chuẩn bị gây ra hàng loạt hoạt động bạo lực nghiêm trọng đe dọa tới an ninh của liên bang".

Người đàn ông này tuy cải sang đạo Hồi (từ năm 2014), nhưng làm việc (từ tháng 4) tại Cục Bảo vệ Hiến pháp Liên bang Đức (BfV) và từng đóng phim khiêu dâm đồng tính. Và mới bị bắt hôm 16-11 với cáo buộc chia sẻ tài liệu mật và tuyên truyền cho IS trên Internet.

Theo hãng AFP, tờ Der Spiegel và tờ Die Welt, nghi phạm dùng tên giả và được cho đã lên kế hoạch đánh bom trụ sở của BfV tại thành phố Cologne. Ngày 30-11, Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maiziere cho biết, người này đã có những hành vi bí mật trong quá trình làm việc và đào tạo nên bị bắt.

Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cho biết (30-11), cảnh sát nước này đã bắt 2 đối tượng người Maroc bị tình nghi có liên quan tới IS và 1 trong 2 tên này (đang sống ở ngoại ô Thủ đô Madrid) đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền để tuyển mộ thành viên mới cho IS.

Trước đó (28-11), cảnh sát đã bắt 4 đối tượng tình nghi có quan hệ với một mạng lưới di cư trái phép bị coi có liên quan tới IS. 4 đối tượng này có liên hệ với "tuyến đường của người tị nạn Syria" mà IS bị cho là đã lợi dụng để đưa những kẻ tấn công Paris (Pháp) hồi tháng 11-2015 tới châu Âu qua đảo Leros của Hy Lạp.

Cảnh sát cho rằng, những đối tượng bị bắt đã liên hệ với 2 phần tử cực đoan bị bắt ở Salzburg (Áo) ngay sau khi xảy ra các vụ tấn công hồi tháng 11-2015.

Ngày 27-11, cảnh sát đã bắt 1 người đàn ông mang quốc tịch Tây Ban Nha, gốc Palestine, tại sân bay Barajas-Adolfo Suarez ở Thủ đô Madrid, vì bị nghi đang tìm cách tới Syria để gia nhập IS.

Đối tượng này sống tại thị trấn Vencidario, đảo Gran Canaria. Đây là vụ bắt giữ thứ 163 các đối tượng bị tình nghi cực đoan kể từ khi Chính phủ Tây Ban Ban nâng cảnh báo khủng bố lên mức 4 (từ tháng 6-2015).

Và tính đến nay cảnh sát Tây Ban Nha đã bắt gần 170 đối tượng tình nghi là thành viên IS, sau khi xảy ra hàng loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Thủ đô Paris của Pháp tối 13-11-2015.

Cảnh sát Italia tuần tra trên đường phố.

Hãng Reuters vừa dẫn thông tin từ kênh truyền hình Zembla của Hà Lan cho biết (30-11), thông tin do Europol thu thập về nhiều cuộc điều tra quốc tế đối với các nhóm khủng bố đã được đăng trên mạng một cách ngẫu nhiên mà không được bảo vệ bằng mật khẩu.

Theo Zembla, những tài liệu này bao gồm thông tin về 54 cuộc điều tra khác nhau của cảnh sát, trong đó có tên và số điện thoại của các đối tượng tình nghi. Sự cố rò rỉ bắt nguồn từ một cựu nhân viên Europol mang tài liệu về nhà và cài chúng vào một ổ cứng có kết nối với mạng Internet.

Nghị sỹ Nghị viện châu Âu (EP) Sophie Veld khẳng định, một lượng tài liệu lớn đã bị rò rỉ. Phó Giám đốc Europol Wil van Gemert cũng thừa nhận về vụ rò rỉ thông tin kể trên, nhưng không bình luận.

Trong khi đó, Cơ quan Tình báo Liên bang Thụy Sĩ cho biết, trung bình mỗi ngày họ xử lý khoảng 100 cảnh báo liên quan đến khủng bố. Và dự kiến con số này sẽ hơn 30.000, tăng nhiều so với 9.000 cảnh báo của năm ngoái. 

Theo đó, khối lượng công việc của Cơ quan Tình báo Liên bang Thụy Sĩ cũng không ngừng tăng lên kể từ sau loạt vụ tấn công tại Paris, Nice (Pháp) và Brussels (Bỉ).

Cảnh sát Thụy Sĩ sẵn sàng làm nhiệm vụ.

Tính đến tháng 10, Cơ quan Tình báo Liên bang Thụy Sĩ đã đưa 480 đối tượng vào diện theo dõi, trong khi con số này của năm 2015 và 2014 lần lượt là 400 và 290 người. Hãng Anadolu vừa dẫn lời Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim - Ankara không có nghĩa vụ phải bảo vệ châu Âu trước các mối đe dọa.

Ngày 30-11, hãng Al Arabiya dẫn thông tin từ tòa án của Saudi Arabia cho biết, đã kết án tử hình 3 đối tượng và 1 đối tượng bị kết án 12 năm tù giam. Cả 4 đối tượng này đều bị cáo buộc tham gia vào một nhóm cực đoan tại Qatif (một trong những thành phố của Saudi Arabia có cộng đồng người Hồi giáo dòng Shiite thiểu số sinh sống) và sử dụng vũ khí để tấn công các trụ sở của cảnh sát và một nhà tù.

Cùng ngày 30-11, cảnh sát Bỉ đã bắt 6 nghi can có liên quan tới một vụ tấn công bằng dao nhằm vào 2 nữ cảnh sát nước này hồi tháng 8. Các công tố viên Liên bang Bỉ cho biết, trong các cuộc khám xét 8 ngôi nhà ở trong và gần thành phố Charleroi, cảnh sát đã thu giữ nhiều vũ khí.

Tuệ Sỹ
.
.
.