Châu Âu chống khủng bố và di dân bất hợp pháp

Thứ Tư, 31/08/2016, 09:42
Cục Phản gián quân sự Đức đang phối hợp với cảnh sát kiểm tra các hồ sơ đăng ký gia nhập lực lượng vũ trang Đức nhằm nhanh chóng phát hiện các đối tượng cực đoan, khủng bố và tội phạm trà trộn vào hàng ngũ này. 


Thông tin trên tờ Welt am Sonntag số ra ngày 28-8 đang khiến dư luận quan tâm bởi theo Cục Phản gián quân sự (MAD) Đức, hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy, các đối tượng Hồi giáo cực đoan đang tìm cách gia nhập lực lượng vũ trang Đức để được đào tạo về quân sự, từ đó sử dụng các kỹ năng học được thực hiện các cuộc tấn công tại Đức hoặc nước ngoài. Do đó, MAD đang phối hợp với cảnh sát kiểm tra các hồ sơ đăng ký gia nhập lực lượng vũ trang Đức nhằm nhanh chóng phát hiện các đối tượng cực đoan, khủng bố và tội phạm trà trộn vào hàng ngũ này. 

Được biết, MAD đang phối hợp với cảnh sát để truy lùng 64 nghi can Hồi giáo, 268 nghi can cực đoan cánh hữu và 6 nghi can cực đoan cánh tả trong lực lượng vũ trang Đức. Giới chức Đức từng cảnh báo, hơn 43.000 tín đồ Hồi giáo đang sinh sống tại nước này và nhiều người là phần tử Hồi giáo cực đoan "vô cùng nguy hiểm".

Mấy hôm trước (26-8), cảnh sát Đức đã sơ tán một trung tâm mua sắm ở Schweinfurt, bang Bavaria sau khi nhận được tin báo về một người mặc đồ đen có dấu hiệu khả nghi. Cảnh sát Đức cũng vừa bắn chết 1 người đàn ông có vũ khí tại khu vực phía Tây thành phố Dortmund. Đối tượng này có những hành vi lừa đảo qua internet và ăn chặn tiền của gái bán dâm, đã bị bắt và đang được tại ngoại. Nhưng khi cảnh sát đột kích căn hộ của hắn, tên này lập tức bắn trả khiến 1 cảnh sát bị thương nên họ buộc phải bắn hạ.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere (trái) và Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve trong một cuộc họp báo chung ở Paris ngày 23-8.

Cảnh sát Đức còn phát lệnh bắt giam 2 nghi can ở Brandenburg vì bị cáo buộc lên kế hoạch tấn công khủng bố. Trước đó, cảnh sát Đức đã bắt đối tượng bán vũ khí cho kẻ gây ra trận cuồng sát ở thành phố Munich khiến 10 người thiệt mạng hôm 22-7.

Paris và Berlin vừa đề xuất một đạo luật chống khủng bố mới cho toàn châu Âu, bởi từ đầu năm 2016 đến nay, Pháp và Đức phải chứng kiến nhiều vụ tấn công khủng bố, trong đó đa số đều được lên kế hoạch qua điện thoại. Cảnh sát Pháp và Đức cho biết, những phần tử cực đoan đang lợi dụng không gian mạng để gieo tư tưởng cực đoan, kích động âm mưu khủng bố và có xu hướng tăng cường sử dụng các tin nhắn mã hóa để tuyên truyền, tạo điều kiện cho các hoạt động khủng bố dễ dàng hơn.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve và Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere khẳng định, phải áp dụng một đạo luật mới để buộc những người tạo ra các ứng dụng tin nhắn đã được mã hóa hỗ trợ cơ quan chức năng theo dõi thông tin giữa các đối tượng tình nghi là phần tử khủng bố và cực đoan.

Ông Bernard Cazeneuve nhấn mạnh, Ủy ban châu Âu nên soạn thảo một đạo luật bắt buộc các công ty công nghệ loại bỏ những nội dung bất hợp pháp hoặc giải mã các tin nhắn như một phần của cuộc điều tra chống khủng bố. Bởi chống khủng bố là ưu tiên hàng đầu của các nước châu Âu và đạo luật mới không có nghĩa việc bảo vệ dữ liệu và thông tin liên lạc của công dân sẽ bị vi phạm.

Ông Thomas de Maiziere nhất trí với quan điểm cho rằng, các nhà vận hành mạng phải có nghĩa vụ hỗ trợ giám sát, chống lại các hoạt động khủng bố trực tuyến. Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ thảo luận vấn đề thông tin liên lạc được mã hóa theo đề xuất chung của Pháp và Đức, tại hội nghị thượng đỉnh ở Bratislava, Slovakia hôm 16-9.

Cảnh sát Đức.

Về phần mình, Tổng thống Pháp Francois Hollande vừa tổ chức cuộc họp với Hội đồng An ninh và Quốc phòng để thảo luận về các biện pháp chống khủng bố và an ninh quốc gia sau loạt vụ tấn công gây nhiều thương vong gần đây.

Ngày 26-8, khi phát biểu trên đài phát thanh quốc gia, Thủ tướng Hungary Viktor Orban công bố kế hoạch xây dựng rào chắn thứ 2 tại khu vực biên giới miền Nam giáp với Serbia nhằm ngăn chặn làn sóng người nhập cư mới đổ về các nước EU. Bởi các đường biên giới của Hungary là cửa ngõ vào châu Âu, và đây được coi là biện pháp nhằm đối phó với làn sóng người nhập cư mới tràn vào châu Âu. Và để công việc này diễn ra thuận lợi, chính phủ Hungary sẽ tuyển thêm 3.000 cảnh sát để bổ sung cho lực lượng tuần tra biên giới gồm 3.500 nhân viên hiện nay.

Động thái của Hungary diễn ra trong bối cảnh Đức đang lên kế hoạch B để tránh bị động khi thỏa thuận về tiếp nhận người tị nạn giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU bị đổ vỡ. Trong khi đó, Áo cho rằng phải kiểm soát lâu dài đường biên giới dọc tuyến lộ trình Balkan như một biện pháp để ngăn chặn dòng người tị nạn đổ vào châu Âu. Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz khẳng định, cần đóng cửa tuyến lộ trình Balkan.

Lư Tuấn Nghĩa
.
.
.