Châu Âu đối mặt với đợt bùng phát dịch COVID-19 mới

Thứ Tư, 21/10/2020, 07:46
Châu Âu lại đối mặt với đợt bùng phát dịch COVID-19 mới khi số ca bệnh tăng mạnh trở lại ở các nước thành viên với 100.000 ca mắc mới/ ngày, chiếm 1/3 số ca nhiễm mới hàng ngày trên toàn cầu.


Châu Âu đang đứng trước thách thức trong cuộc chiến chống đại dịch này. Nhiều quốc gia châu Âu bắt đầu tái áp đặt các hạn chế trong nỗ lực kiểm soát dịch bùng phát trở lại...

Nhiều nước áp dụng lệnh giới nghiêm

Kể từ 0 giờ ngày 17-10, khoảng 20 triệu dân vùng Paris và các thành phố Lyon, Lille, Toulouse, Montpellier, Saint-Etienne, Aix-Marseille, Rouen và Grenoble (Pháp) phải ở nhà trong thời gian từ 21 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, chỉ được ra ngoài trong những trường hợp cấp thiết. Cũng như trong thời gian phong tỏa vào mùa xuân vừa qua, những người ra ngoài trong lúc giới nghiêm phải mang theo giấy phép di chuyển. Trước mắt lệnh giới nghiêm có hiệu lực trong 4 tuần, nhưng có thể được gia hạn thành 6 tuần.

Nếu như trong đợt dịch thứ nhất, các vùng ít bị tác động có thể hỗ trợ cho những vùng bị dịch nặng, thì hiện tại cả nước Pháp đang phải đối mặt với đà lây nhiễm nhanh với hơn 30.000 ca nhiễm mới/ngày. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: "Chúng ta cần hành động để ngăn chặn sự lây lan của virus để bảo vệ mọi người, đôi khi là chính chúng ta".

Ngành du lịch các nước châu Âu bị thiệt hại nặng vì COVID-19.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gérald Darmanin, khoảng 12.000 cảnh sát và hiến binh, với sự hỗ trợ của cảnh sát địa phương ở các thành phố nói trên, sẽ được huy động để bảo đảm việc tuân thủ lệnh giới nghiêm. Những ai vi phạm sẽ bị phạt 135 euro và nếu vi phạm đến 3 lần thì có thể lãnh án tù 6 tháng và bị phạt tiền 3.750 euro. Biện pháp cứng rắn này được Tổng thống Pháp giải thích là nhằm bảo vệ người cao tuổi và hệ thống y tế. Mục đích là giảm số ca nhiễm mới hàng ngày xuống còn khoảng 3.000, thay vì luôn trên ngưỡng 10.000, thậm chí trên 20.000 như hiện nay để xử lý tốt hơn và bệnh viện không bị quá tải.

Không chỉ ở Pháp mới áp dụng các biện pháp cứng rắn để chống dịch. Tại vùng Lombardy của Italia, tâm dịch của làn sóng dịch bệnh thứ nhất tại châu Âu, đã yêu cầu từ ngày 17-10 tới ngày 6-11, sau 18 giờ hằng ngày, tất cả các quán bar không được phép đón khách mới và từ thời điểm này, các quán cũng không được phép bán đồ uống có cồn mang đi. Mọi hoạt động ăn uống ở nơi công cộng ngoài trời đều sẽ bị cấm. Mọi sự kiện thể thao không chuyên tại đây cũng đều đã tạm hoãn. Lombardy là nơi ghi nhận ca bệnh đầu tiên trong làn sóng dịch bệnh thứ nhất tại châu Âu hồi tháng 2. Hiện địa phương này đang triển khai những biện pháp hạn chế chủ yếu nhắm tới nhóm trẻ tuổi như các sự kiện thể thao, câu lạc bộ đêm, cấm đến thăm các viện dưỡng lão nếu không có giấy phép từ cơ quan y tế. Vùng Campania, địa phương chịu tác động mạnh thứ hai tại Italia, cũng áp dụng một số biện pháp hạn chế mới như đóng cửa các trường học, cấm tiệc tùng và cử hành tang lễ.

Nhiều người làm việc trong ngành khách sạn ở Pháp lo ngại về khả năng xảy ra một đợt phong tỏa thứ hai.

Tại Bỉ, lệnh giới nghiêm đã có hiệu lực từ ngày 19-10, thời gian áp dụng từ nửa đêm cho đến 5 giờ sáng. Các quán bar và nhà hàng phải đóng cửa trong thời gian ít nhất một tháng. Tại Anh, Chính phủ đã dùng biện pháp phong tỏa từ nửa đêm ngày 16-10 ở thủ đô London. Hiện có khoảng 11 triệu người dân Anh bị áp dụng chế độ y tế khắt khe hơn. Trừ việc gặp nhau tại công viên hay ngoài trời, các cuộc họp mặt gia đình và bè bạn ở nhà riêng bị cấm triệt để…

Tại Ba Lan, Thủ tướng Mateusz Morawiecki đã yêu cầu người dân ở nhà nếu có thể khi ông thông báo một loạt biện pháp hạn chế tại các thành phố lớn nhằm ngăn chặn sự tăng vọt các ca nhiễm mới trong thời gian gần đây. Người đứng đầu Chính phủ Ba Lan cũng khuyến khích người dân làm việc tại nhà.

Còn tại Đức, ngày 17-10, Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi người dân hạn chế tối đa các hoạt động tiếp xúc xã hội và đi lại, nâng cao ý thức phòng dịch cá nhân sau khi chính quyền các bang và liên bang cuối cùng cũng đạt được nhất trí về các biện pháp kiềm chế làn sóng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp thứ hai tại quốc gia này. Bà kêu gọi người dân bằng mọi cách ngăn chặn kịch bản virus lây lan mất kiểm soát. Theo Viện Robert Koch (RKI), dù tỷ lệ nhiễm bệnh tại Đức hiện thấp hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia châu Âu, nhưng số ca mắc tại nước này vẫn đang gia tăng và ngày 17-10 lên mức cao nhất là 7.830 ca/ngày.

Với người châu Âu, giờ đây ra đường đeo khẩu trang trở thành thói quen.

Vừa phải chống dịch vừa duy trì phát triển kinh tế

Theo Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu, 16 quốc gia châu Âu được xếp vào vùng đỏ có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19. Các chuyên gia y tế cho biết, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới và sẽ đối mặt với một mùa Thu và Đông rất khắc nghiệt, trong đó số ca tử vong đang tăng tỷ lệ thuận với số ca mắc. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp ở châu Âu khi hơn 50% các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), cùng với Anh, đã phải dán nhãn màu đỏ trên bản đồ cảnh báo mới của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC). Theo ECDC, có tới 17 trong số 31 nước mà cơ quan này theo dõi, có số ca mắc trung bình trong 14 ngày qua là trên 50 ca/100.000 dân mỗi ngày.

Một vấn đề đặt ra với tất cả các nước châu Âu lúc này là làm thế nào để vừa chống dịch nhưng vẫn phải duy trì phát triển kinh tế, trong đó có nhiều ngành rất quan trong như du lịch mới bắt đầu phục hồi. Bởi từ đầu năm 2020 tới nay, dịch COVID-19 đã làm cho ngành du lịch các nước châu Âu thiệt hại nặng nề trong khi đây vốn là nguồn thu cực lớn.

Tại Pháp, rất nhiều người làm việc trong ngành khách sạn lo ngại về khả năng xảy ra một đợt phong tỏa thứ hai. Những áp lực trên buộc giới chức tại các thành phố như Marseille và Paris cho phép các nhà hàng mở cửa trở lại, dù cả 2 thành phố này vẫn bị đặt ở mức "cảnh báo tối đa", nghĩa là số ca nhiễm COVID-19 vẫn ở mức cao. Theo bà Catherine Hill, một nhà dịch tễ học nổi tiếng người Pháp, giải quyết được cuộc khủng hoảng COVID-19 thì sẽ đồng thời giải quyết được cuộc khủng hoảng kinh tế.

Hậu quả từ việc phong tỏa toàn quốc vào đầu năm nay đã khiến kinh tế Anh suy giảm tới 20% trong quý 2, đẩy nước này vào cuộc suy thoái. Theo ông Andrew Goodwin, Trưởng bộ phận kinh tế Anh tại công ty tư vấn Oxford Economics, ưu tiên hàng đầu vào lúc này là phải kiểm soát được dịch bệnh. Đó là cách nhanh nhất, mạnh mẽ nhất có thể làm để mang lại triển vọng tốt nhất cho nền kinh tế. Một đợt nới lỏng phong tỏa trong ngắn hạn, theo cảnh báo từ các nhà khoa học tư vấn cho Chính phủ Anh, có thể khiến GDP nước này giảm tới 2,5% trong quý 4-2020.

Italia đang tìm cách ngăn chặn đợt dịch mới.

Ông Jonathan Portes, giáo sư kinh tế tại trường Đại học King's College London, cho rằng "một chiến lược ngăn chặn COVID-19 thành công mới là điều tốt nhất cho nền kinh tế", ngay cả khi điều này đồng nghĩa với việc chính phủ cần vay thêm tiền để hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Còn theo ông Robert West, điểm mấu chốt nằm ở việc Chính phủ Anh có tận dụng thời gian phong tỏa để cải thiện các hệ thống có thể giúp kiểm soát virus sau khi các lệnh hạn chế được dỡ bỏ hay không. "Sẽ là một sự lãng phí thời gian nếu chúng ta tiến hành phong tỏa mà không phát triển hệ thống xét nghiệm và theo dõi dịch bệnh sau đó," ông nói.

Trong khi đó, Chính phủ Ireland đã từ chối lời kêu gọi tái áp đặt các lệnh phong tỏa trên toàn quốc từ các chuyên gia y tế, bất chấp số ca nhiễm COVID-19 đang có dấu hiệu tăng mạnh ở nước này. Thủ tướng Ireland Micheal Martin thay vào đó chỉ siết chặt các lệnh hạn chế từng phần của đất nước trong 3 tuần. "Điều quan trọng là cần phải hiểu rằng chúng ta đang ở trong một tình thế rất khác so với tháng 3 vừa qua. Các doanh nghiệp đang bắt đầu phục hồi và các dịch vụ y tế công cộng quan trọng vẫn còn khả năng hoạt động. Các lệnh hạn chế nghiêm ngặt trong thời điểm này sẽ gây tác động rất nặng nề mà các dịch vụ và doanh nghiệp đó khó khôi phục được", ông Martin nói.

Theo các chuyên gia, dù có thực hiện các biện pháp phong tỏa hay không, thì kinh tế châu Âu vẫn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch COVID-19 của chính phủ các nước khi mùa đông đến gần.

Minh Trang (Tổng hợp)
.
.
.