Châu Âu đối mặt với những bất ổn mới

Thứ Hai, 06/02/2017, 11:45
Ngày 1-2, đại diện cảnh sát Đức cho biết, sáng 1-2, hơn 1.100 cảnh sát đã lục soát 54 ngôi nhà, cơ sở kinh doanh cùng các thánh đường Hồi giáo tại Frankfurt và những thị trấn tại bang Hesse, và bắt một đối tượng người Tunisia bị tình nghi đang lên kế hoạch tấn công khủng bố.


Tổng Công tố Frankfurt cho biết, nghi phạm bị bắt vì bị coi là kẻ tuyển mộ người cho IS tại Đức kể từ tháng 8-2015 và thiết lập mạng lưới những phần tử ủng hộ để tấn công khủng bố tại Đức. Cảnh sát cũng đang điều tra 15 nghi phạm khác và việc này diễn ra sau khi 3 người đàn ông bị bắt ở Thủ đô Berlin hôm 31-1 vì bị tình nghi có quan hệ gần gũi với IS và đang lên kế hoạch tới Trung Đông để tham gia huấn luyện chiến đấu.

Trong khi đó, Bộ trưởng An ninh Anh Ben Wallet cho rằng, mối đe dọa ngày càng tăng ở “xứ sở sương mù” và châu Âu sẽ nguy hiểm hơn nếu IS sử dụng vũ khí hóa học để tăng mức độ thương vong.

Cảnh sát Đức trong chiến dịch trấn áp tội phạm khủng bố ở bang Hesse.

Theo ông Ben Wallet, hiện có khoảng 800 công dân Anh được cho đã đến Syria, Iraq và phần lớn trong số đó đang tham chiến cho IS. Hiện an ninh trên toàn châu Âu vẫn đang được đặt trong tình trạng báo động.

Giới chuyên môn đang quan tâm tới việc cảnh sát bang Saxony-Anhalt vừa phát hiện hàng trăm vũ khí, gồm súng ngắn và súng trường tại gác xép trong ngôi nhà ở thành phố Dessau-Rosslau của một người đàn ông đang bị điều tra về hành vi vi phạm luật kiểm soát vũ khí. Cảnh sát còn phát hiện nhiều vũ khí nằm trong diện phải chịu sự kiểm soát tại ngôi nhà cũ của nghi phạm này ở thị trấn Hoexter.

Cảnh sát Italia cũng vừa bắt 4 đối tượng (3 người Italia, 1 công dân Libya) thuộc một đường dây chuyên buôn lậu vũ khí và các nguyên, vật liệu lưỡng dụng tới các quốc gia đang bị cấm vận vũ khí như Iran và Libya. Được biết, 4 đối tượng kể trên đã sử dụng công ty bình phong ở Tunisia và Ukraine để vận chuyển vũ khí thuộc diện bị cấm vận tới Iran và Libya trong giai đoạn 2011-2015.

Tuy nhiên, theo Đại tá cảnh sát Gianluca Campana, họ chưa phát hiện dấu hiệu nào cho thấy 4 đối tượng bị bắt đã bị tiêm nhiễm hệ tư tưởng cực đoan, hoặc có các mối liên hệ với IS. Về phần mình, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev vừa tiết lộ, trong năm 2016, các lực lượng chức năng Nga đã phát hiện và ngăn chặn hơn 900 phần tử khủng bố âm mưu xâm nhập vào nước này từ bên ngoài.

Và các tổ chức khủng bố nhận được sự hỗ trợ của "quốc gia nào đó" đã tuyên truyền tư tưởng cực đoan, tuyển mộ thành viên mới và gửi họ đến các trại huấn luyện khủng bố. Ông Nikolai Patrushev còn nói, Moskva hy vọng đối thoại mang tính xây dựng với Mỹ về cuộc chiến chống khủng bố quốc tế trong năm 2017.

Trong khi đó, hôm 1-2, đại diện các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí gia hạn việc kiểm soát biên giới trong Khu vực đi lại tự do Schengen thêm 3 tháng. EU thông qua quyết định này trong bối cảnh "vấn nạn người di cư" và an ninh tiếp tục chi phối chương trình nghị sự chính trị của liên minh này.

Và điều này đồng nghĩa với việc Khu vực tự do đi lại Schengen đã sụp đổ sau khi khoảng 1,5 triệu người tị nạn và di cư đến EU trong giai đoạn 2015-2016, khiến liên minh này gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo an ninh và phá vỡ tính thống nhất vốn bất định của EU.

Trước đó (31-1) Tòa án cấp cao EU cho phép các nước thành viên bác đơn xin tị nạn của những người có liên hệ với tổ chức khủng bố, kể cả khi họ không thực hiện hoặc âm mưu thực hiện hành vi bạo động.

Tòa án Công lý EU đã giữ nguyên quyết định của Bỉ, bác bỏ đơn xin tị nạn cách đây 5 năm của ông Mostafa Louani, người Morocco, bị kết án tù tại Bỉ năm 2006 vì là thành viên của một nhóm hiếu chiến Hồi giáo Morocco.

Trên trang mạng của Viện Nghiên cứu chính sách châu Âu tại Cộng hòa Czech, chuyên gia Christian Kvorning Lassen vừa có bài phân tích về động thái tăng cường kiểm soát biên giới gần đây của Thụy Điển và Đan Mạch, cũng như tác động đối với tương lai của Khu vực tự do đi lại Schengen. Theo đó, chính sách của Thụy Điển và Đan Mạch tuy hạn chế dòng người di cư, nhưng lại gây lo ngại sâu sắc đối với các cam kết của châu Âu liên quan tới việc tự do đi lại của người dân.

Theo nhận định của các tổ chức phi chính phủ, Cộng hòa Czech, Hungary, Ba Lan, Slovenia và Bulgaria là các nước có cơ chế tiếp nhận người tị nạn khắt khe nhất. Bộ trưởng Nội vụ Áo Wolfgang Sobotka cho biết, nhiều người di cư đã tới Áo bằng đường sắt từ Slovakia, do đó cần tăng cường giám sát hệ thống tàu hỏa. Cảnh sát Cộng hòa Czech cũng cho rằng, việc ngăn chặn dòng người tị nạn bất hợp pháp thâm nhập lãnh thổ nước này là hợp pháp và cần thiết.

Nhiệm Bình
.
.
.