Châu Âu gồng mình đối phó với người di cư

Chủ Nhật, 13/11/2016, 14:21
Lực lượng bảo vệ bờ biển Italia vừa cho biết (5-11), lại có hơn 2.200 người di cư được giải cứu trên Địa Trung Hải khi họ tìm cách tới châu Âu. Tổ chức Di trú quốc tế cho biết, từ đầu năm đến nay đã có 4.220 người di cư thiệt mạng trên Địa Trung Hải, so với con số 3.777 của năm 2015.


Nhưng trước đó (3-11), Tổ chức Ân xá quốc tế lại cáo buộc, vì áp lực từ Liên minh châu Âu (EU) nên Cảnh sát Italia đã sử dụng những biện pháp đối xử tàn tệ với người tị nạn như trục xuất trái phép, thậm chí đánh đập và sốc điện.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng vừa cảnh báo, vì đã thực hiện những đòi hỏi của Brussels và có nhiều sửa đổi trong 14 năm qua theo yêu cầu của EU, nhưng nếu trước cuối năm nay EU không miễn thị thực cho công dân nước này vào châu Âu, Ankara sẽ rút khỏi thỏa thuận với EU về kiềm chế người tị nạn.

Người nhập cư được kiểm tra sức khỏe tại cảng Corigliano, miền Nam Italia.

Theo giới truyền thông, EU đã khởi động chương trình Mạng An toàn xã hội khẩn cấp (ESSN) - phát thẻ thanh toán điện tử hàng tháng cho 1 triệu người di cư ở Thổ Nhĩ Kỳ, như một phần trong thỏa thuận trước đó. Chương trình ESSN trao cho những người tị nạn các thẻ trả trước để thanh toán chi phí thực phẩm, nhà ở, trường học và y tế ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ủy viên châu Âu phụ trách viện trợ nhân đạo và quản lý khủng hoảng Christos Stylianides khẳng định, ESSN là minh chứng cho cam kết của EU nhằm đối phó với thách thức do cuộc khủng hoảng người di cư gây ra.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Áo Hans Peter Doskozil cho biết, nước này đã triển khai 60 binh sỹ tới khu vực biên giới của Hungary giáp ranh với Serbia, bởi thỏa thuận về người di cư giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ đang có dấu hiệu đổ vỡ.

Đồng thời khẳng định, đây là thời điểm thích hợp để các quốc gia EU đối mặt với thách thức này. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO đã nhất trí tăng cường hợp tác với EU trong việc ngăn chặn nạn di cư trái phép.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh, sự hợp tác NATO-EU đang chặt chẽ hơn bao giờ hết, và họ tiếp tục triển khai lực lượng tại biển Aegean để ngăn chặn vấn nạn kể trên.

Việc chính thức khai trương Trung tâm đón tiếp người vô gia cư tại Paris hôm 5-11 với sự có mặt của Thị trưởng Paris Anne Hidalgo và Bộ trưởng Bộ Nhà ở Emmanuelle Cosse cho thấy nỗ lực của Pháp trong vấn đề này.

Trước đó (4-11), Cảnh sát Paris đã giải tỏa khu lán trại trái phép tại các bến tàu điện ngầm Jaures và Stalingrad, phía Bắc Paris.

Cảnh sát chống bạo động cũng đột kích vào một khu trại bất hợp pháp dành cho người nhập cư ở Đông Bắc Paris. Máy xúc đã được huy động để dọn dẹp một phần khu trại và cảnh sát kiểm tra giấy tờ của khoảng 2.500 người sống tại đây.

Chính phủ Pháp cũng đang có những biện pháp nhằm tăng cường kiểm soát người nhập cư tại Paris. Trước đó (2-11), Bộ Nội vụ Pháp quyết định đóng cửa 4 nhà thờ Hồi giáo rao giảng tư tưởng cực đoan tại vùng Ile-de-France.

Theo Bộ Nội vụ Pháp, tại 4 nhà thờ kể trên thường diễn ra các cuộc họp nhằm thúc đẩy hệ tư tưởng cực đoan, đi ngược lại với các giá trị của nền cộng hoà và có thể tạo nguy cơ nghiêm trọng, đe dọa an ninh và trật tự công cộng.

Được biết, từ tháng 12-2015 đến nay, có hơn 20 nhà thờ Hồi giáo và các điểm cầu nguyện bị cho là rao giảng tư tưởng cực đoan ở Pháp đã bị đóng cửa.

Ngày 6-11, tờ Le Figaro cho biết, số lượng du khách đến Pháp trong năm nay sẽ giảm từ 4% đến 5% do tâm lý e ngại về vấn đề an ninh tại nước này sau các vụ tấn công khủng bố gây thương vong lớn gần đây.

Do đó, chính phủ Pháp đang xem xét các biện pháp an ninh bảo vệ khách du lịch, nhất là du khách châu Á nhằm cứu vãn ngành "công nghiệp không khói" của quốc gia này.

Ngày 7-11, Thủ tướng Manuel Valls chủ trì cuộc họp của ủy ban chính phủ về du lịch, trong đó thông qua khoản ngân sách 48 triệu USD cho các hoạt động an ninh và quảng bá nhà hàng, khách sạn để thu hút khách du lịch.

Ngày 5-11, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo, hàng nghìn tay súng người Nga đã gia nhập các nhóm cực đoan tại Syria, trong đó có IS nay trở về nước có thể đang lên kế hoạch thực hiện các vụ tấn công ngay trong nước Nga. Được biết, tính đến tháng 12-2015, gần 3.000 công dân Nga đã sang Iraq và Syria tham chiến cho các nhóm cực đoan. Giám đốc FBI James Comey từng cảnh báo tình trạng "phân tán khủng bố" trên thế giới sẽ diễn ra trong mấy năm tới sau khi IS thất thủ. Cùng ngày 5-11, Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Juan Ignacio Zoido cho biết, với sự trợ giúp của cơ quan chức năng Pháp, cảnh sát Tây Ban Nha đã bắt thủ lĩnh tổ chức ly khai xứ Basque (ETA) Mikel Irastorza tại một ngôi nhà ở làng Ascain gần núi Pyrenees, miền Tây Nam nước Pháp.

Tuệ Sỹ
.
.
.