Châu Âu siết chặt quản lý ngân hàng

Thứ Sáu, 19/10/2018, 16:26
Biểu tượng 3 chiếc chìa khóa lồng vào nhau thể hiện tính bảo mật tuyệt đối dành cho các chủ tài khoản khi gửi tiền bạc, kim cương, tài liệu mật của UBS, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ đang vướng vào kiện tụng khi phải hầu tòa tại Pháp.


Và các thẩm phán Pháp sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng vào ngày 15-11, nếu bị buộc tội, ngân hàng UBS (tên gọi đầy đủ là UBS Group AG) có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 5 tỷ euro (5,76 tỷ USD). Theo 2 công tố viên điều tra Serge Toumaire và Guillaume Daieff, ngân hàng UBS đã giúp những khách hàng người Pháp trốn thuế với tổng số tiền khoảng 10 tỷ euro trong giai đoạn 2004-2012. 

Cổ phiếu của ngân hàng lớn nhất Đan Mạch lao dốc do bê bối rửa tiền.

Theo tờ Diễn dàn Geneve, tính đến cuối năm 2008, ngân hàng UBS đã có 38.000 tài khoản của khách hàng Pháp, với số tiền gửi lên tới 8,4 tỷ euro. Để đưa ra tuyên bố kể trên, 2 công tố viên Serge Toumaire và Guillaume Daieff đã mất 6 năm điều tra. Cơ quan Phòng chống tội phạm tài chính Pháp ước tính, ngân hàng UBS đã dàn xếp để giúp hàng chục nghìn tài khoản của các đại gia Pháp giấu số tiền khoảng 10 tỷ euro, nên không phải đóng một khoản thuế nào. 

Được biết, các giám đốc điều hành ngân hàng UBS tại Pháp qua các thời kỳ, trong đó có Dieter Kiefer, cựu giám đốc quản lý tài chính của UBS ở Tây Âu, sẽ bị xét xử tùy vào vai trò của họ trong vụ án kể trên. 

Giới truyền thông cho biết, cuộc điều tra được tiến hành sau khi một cựu nhân viên của ngân hàng tiết lộ với giới chức Pháp về hệ thống sổ kế toán kép được UBS thiết lập để che giấu các hoạt động chuyển tiền vào Thụy Sĩ. Trước đó, UBS từng bị Tòa án Nhân quyền châu Âu tuyên phải nộp thế chấp khoản tiền 1,1 tỷ euro vì bị cáo buộc gian lận thuế, sau khi bác bỏ đơn kháng cáo của ngân hàng này nộp lên tòa án Pháp.

Trước thời điểm Pháp chính thức xét xử ngân hàng UBS (8-10), Thụy Sĩ đã bắt đầu tự động chia sẻ dữ liệu khách hàng với giới chức thuế ở hàng chục quốc gia và đây là bước đi đánh dấu “kỷ nguyên bí mật” của các ngân hàng ở nước này. 

Theo thông báo của Cục Quản lý thuế Liên bang Thụy Sĩ (FTA), lần trao đổi dữ liệu tài khoản tài chính đầu tiên hồi cuối tháng 9 dựa trên các tiêu chuẩn được thiết lập để trấn áp nạn gian lận thuế. FTA đã cung cấp chi tiết tài khoản tại 7.000 tổ chức tài chính cho các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cùng Canada, Australia, Iceland, Nhật Bản, Na Uy, Hàn Quốc… 

Từ năm 2019, việc trao đổi dữ liệu sẽ mở rộng tới 80 quốc gia đối tác của Thụy Sĩ. Cùng thời điểm kể trên, ngân hàng Trung ương Ireland cũng đã phạt ngân hàng Citibank Europe Plc 1,33 triệu euro (1,53 triệu USD) do vi phạm những quy định trong bộ luật Cho vay đối với những tổ chức liên quan (luật Code). 

Theo đó, trong giai đoạn (1/1/2011 - 14/9/2016), ngân hàng Citibank Europe Plc đã vi phạm các quy định về áp dụng các yêu cầu quản trị, thi hành chính sách và quy trình cần thiết sau khi bộ luật Code có hiệu lực. Những vi phạm của ngân hàng Citibank Europe Plc từng được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phát hiện lần đầu tiên sau vụ sáp nhập chi nhánh Citibank International Limited tại Anh vào ngân hàng Citibank Europe hồi tháng 1-2016.

Ngày 12-10, hãng xếp hạng tín dụng Moody uy tín hàng đầu của Mỹ đã hạ mức tín nhiệm dài hạn của ngân hàng lớn nhất Đan Mạch Danske Bank, từ A1 xuống A2. Moody cho biết, quyết định này được đưa ra sau khi Danske Bank chính thức thừa nhận đang bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra về nghi vấn chi nhánh của họ tại Estonia đã đại diện cho khách hàng để thực hiện các hoạt động rửa tiền trong giai đoạn 2007-2015, với tổng giá trị 200 tỷ euro. 

Ngân hàng UBS hầu tòa tại Pháp

Moody còn nhận định, cuộc điều tra có thể khiến Danske Bank phải đối mặt với những khoản phạt lớn và các nhà đầu tư cùng nhiều khách hàng đã bắt đầu rút vốn khỏi ngân hàng này. Theo giới truyền thông, tâm lý quan ngại của giới đầu tư về nguy cơ Danske Bank có thể đối mặt với án phạt lớn của Mỹ đã khiến giá cổ phiếu của ngân hàng lớn nhất Đan Mạch giảm gần 9% trong phiên giao dịch hôm 5-10 tại sàn giao dịch chứng khoán Copenhaghen. 

Hơn 10 ngày trước (8-10), Cơ quan Giám sát ngân hàng châu Âu (EBA) đã mở cuộc điều tra về công tác giám sát của chính quyền Đan Mạch đối với Danske Bank sau khi ngân hàng lớn nhất nước này vướng vào bê bối rửa tiền trị giá hàng trăm tỷ euro. Chủ tịch EBA Andrea Enria thông báo, Danske Bank đã bị điều tra. 

Ngoài ra, ông Andrea Enria còn cho biết, EBA đang đánh giá lại cách thức tất cả các nước thành viên EU đang triển khai những quy định chống rửa tiền của khối và sẽ có báo cáo chi tiết vào cuối năm nay. Các bộ trưởng tài chính EU cũng từng cam kết đẩy mạnh công tác chống nạn rửa tiền sau khi vụ bê bối rửa tiền tại Danske Bank lộ sáng.

Quốc Dũng
.
.
.