Châu Âu tăng cường bảo vệ các khu vực nhạy cảm

Thứ Hai, 16/01/2017, 19:20
Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere vừa kêu gọi tập trung lực lượng cảnh sát để đối phó và ngăn chặn nguy cơ khủng bố. Ông Thomas de Maiziere thừa nhận, hệ thống an ninh của Đức quá manh mún nên phải thu về một mối ở trung ương và đề xuất thành lập các "trung tâm xuất cảnh liên bang" nhằm giảm bớt sức ép của việc trục xuất người xin tị nạn nhưng không được chấp thuận.


Nhiều quan chức cấp cao Đức cũng yêu cầu siết chặt hơn biện pháp an ninh, cũng như nới rộng quyền cho cảnh sát liên bang. Sở dĩ có lời kêu gọi kể trên bởi quyền hạn của cảnh sát liên bang ở mỗi bang rất hạn chế.

Mặc dù Anis Amri, nghi phạm khiến 12 người chết và hơn 50 người bị thương chịu sự giám sát của 40 cơ quan, nhưng không đơn vị nào phát hiện ra “vấn đề” ở tên này. Ngày 9-1, Thủ tướng Angela Merkel cam kết giải quyết một cách nhanh chóng các vấn đề an ninh đặt ra sau vụ tấn công bằng xe tải vào chợ Giáng sinh Breitscheiplatz ở Thủ đô Berlin hôm 19-12-2016.

Sĩ quan cảnh sát bịt mặt của Bỉ bên ngoài nhà ga xe lửa Gare du Midi ở Brussels.

Trước đó, Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel yêu cầu đóng cửa các nhà thờ giảng thuyết Salafi cực đoan của người Sunni. Ông Sigmar Gabriel cũng chủ trương giải tán các cộng đồng Salafi. Tuyên bố kể trên được ông Sigmar Gabriel đưa ra sau khi cơ quan chức năng tìm thấy mối liên kết giữa Anis Amri với một nhà thuyết giáo rao giảng thuyết Salafi.

Ngày 8-1, Giám đốc Cơ quan an ninh Hans-Georg Maassen cảnh báo, số lượng các phần tử cực đoan tại Đức không những tăng, mà ngày càng đa dạng về cách thức tổ chức, cũng như hoạt động. Và việc này đang đặt ra những thách thức lớn trong công tác theo dõi và giám sát của lực lượng chức năng.

Theo ông Hans-Georg Maassen, số phần tử Hồi giáo cực đoan đã tăng hơn 9.700 người, so với con số 3.800 của năm 2011. Trước đó (6-1), cảnh sát Đức phát hiện 100kg vật liệu nổ tại thị trấn Lauterecken, cách thành phố Frankfurt khoảng 100km về phía Tây Nam và đang điều tra 2 nghi phạm để xác định âm mưu tấn công của lực lượng cực hữu.

Nhưng theo kết quả khảo sát vừa được Viện Nghiên cứu Emnid của Đức công bố lại cho thấy, 79% người Đức được hỏi không sợ bị khủng bố tấn công.

Ngày 9-1, tờ Het Laatste Nieuws cho biết, tình trạng cực đoan hóa tại Bỉ dường như ngày càng tăng cao, sau khi một tài liệu hướng dẫn chế tạo bom được phát hiện tại nhà tù Saint-Gilles, ở Thủ đô Brussels.

Bộ trưởng Tư pháp Koen Geens thừa nhận, phát hiện trong nhà tù Saint-Gilles là sự việc đáng quan ngại, tuy việc này đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Bộ Tư pháp đã đồng ý chi hơn 5 triệu euro cho cuộc chiến chống cực đoan hóa, và Bỉ tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến nhằm ngăn chặn tình trạng cực đoan hóa trong nhà tù thông qua việc tăng cường hoạt động kiểm tra tại các nhà giam.

Trước đó (5-1), Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon đã yêu cầu triển khai hệ thống an ninh được áp dụng tại sân bay Brussels cho các nhà ga tàu hỏa lớn của thủ đô và các địa điểm khác có đông người qua lại.

Việc lắp đặt hệ thống camera cho phép giám sát và đọc biển kiểm soát, phát hiện khuôn mặt và đánh giá hành vi đặc biệt tập trung vào những hành xử của khách du lịch và hành khách.

Cảnh sát Đức đứng gác tại một địa điểm công cộng ở Berlin.

Theo giới truyền thông, việc triển khai hệ thống an ninh kể trên nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng bố tại Bỉ. Ngày 3-1, ông Jan Jambon cho biết, cảnh sát đang nỗ lực ngăn chặn các thông điệp hận thù và truy lùng tác giả của những tin nhắn phân biệt chủng tộc trên mạng xã hội, sau cái chết của một thanh niên Bỉ gốc Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ tấn công khủng bố ở hộp đêm Reina tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).

Bộ trưởng Nội vụ còn tuyên bố, tác giả của những tin nhắn này phải bị trừng phạt. Có một chi tiết đáng quan tâm khi lãnh đạo cảnh sát giao thông liên bang Bỉ đề nghị Bộ trưởng Nội vụ Jan Jambon bổ sung thêm nhân lực bởi đây được coi là một trong những nguyên nhân khiến lực lượng này lao đao trước nguy cơ đe dọa khủng bố.

Tờ Daily Mail vừa dẫn nguồn tin từ cơ quan tình báo Italia cho biết, Lavdrim Muhaxheri (còn được gọi là Abu Abdullah al Kosova), kẻ bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố toàn cầu, được cho đã thâm nhập vào châu Âu từ Syria cùng khoảng 300-400 chiến binh Hồi giáo dưới quyền, dưới vỏ bọc người tị nạn. Ngày 9-1, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, Washington đã liệt 2 lãnh đạo cấp cao Hezbollah vào danh sách khủng bố. Đó là Ali Damush (trợ lý của Thủ lĩnh Hassan Nasrallah) và Mustafa Mughniyeh, 2 đối tượng khủng bố bị truy nã đặc biệt theo sắc luật 13224. Theo trang Local.se, lực lượng bảo vệ 3 nhà máy điện hạt nhân của Thụy Điển là Oskarshamn, Ringhals và Forsmark sẽ được trang bị vũ khí mới vào ngày 4-2, nhằm tăng cường an ninh trước các nguy cơ khủng bố.

Mạnh Phong
.
.
.