Châu Âu và nỗi ám ảnh khủng bố

Thứ Ba, 03/12/2019, 11:29
Thứ sáu, ngày 29-11 đã trở thành "ngày thứ sáu đen tối" khi Usman Khan, 28 tuổi, đâm chết hai người và làm bị thương ba người trên cầu London (Anh) trước khi bị cảnh sát tiêu diệt. Điều đáng nói là Usman Khan có liên hệ với các nhóm khủng bố Hồi giáo và đã bị kết án năm 2012 vì các tội danh khủng bố.


Sau khi vụ án nảy xảy ra, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm khiến không chỉ nước Anh mà nhiều nước châu Âu khác cũng lo ngại các phần tử khủng bố bắt đầu hành động bởi chỉ vài giờ sau, người dân thành phố L'Aja của Hà Lan cũng hoảng sợ khi một người đàn ông dùng dao đâm bị thương ba thiếu niên.

Kẻ từng bị kết tội khủng bố được phóng thích trước thời hạn

Hai ngày sau khi kẻ khủng bố bị cảnh sát tiêu diệt, nhắc lại thời điểm cùng nhiều người lao vào khống chế Usman Khan, Stevie Hurst, 32 tuổi, một hướng dẫn viên du lịch cho biết khi đó anh đang lái xe trên cầu thì nhìn thấy một đám đông nên quyết định dừng xe và chạy tới. Khi thấy một người đàn ông cầm hai con dao lớn trên tay, Hurst vội lao tới cùng 5 người khác khống chế nghi phạm. "Chúng tôi đá vào đầu hắn để buộc hắn buông con dao. Hắn ta hét lên 'thả tao ra, thả tao ra', nhưng có người nói 'Đừng mơ'", Hurst kể.

Sau khi con dao văng ra ngoài, Stevie cho hay nghi phạm bị vật ngửa ra mặt đất và mọi người phát hiện thứ dường như là đai bom trên người y. Đám đông lúc đó rất sợ hãi, nhưng mọi người vẫn tiếp tục giữ chặt nghi phạm. Cảnh sát sau đó nhanh chóng tới hiện trường, yêu cầu đám đông lùi lại rồi bắn chết nghi phạm.

Các nhân chứng khác nói Usman Khan cầm con dao dài khoảng 50cm bị 3-4 người truy đuổi từ tòa nhà Fishmonger's Hall. "Một người cầm gậy và một người khác cầm theo bình cứu hỏa. Thủ phạm bị đấm, bị xịt bình cứu hỏa và bị đánh bằng gậy", nhân chứng Gary Lawrence, 48 tuổi, cho biết.

Tên khủng bố Usman Khan.

Theo hồ sơ của cảnh sát, Usman Khan bị bắt vào ngày 20-12-2010, chỉ 4 ngày trước khi hắn cùng với băng đảng lấy cảm hứng từ tổ chức al-Qaeda của hắn lên kế hoạch đặt bom trong các nhà vệ tinh ở Sở Giao dịch chứng khoán London. Năm 2012, Usman Khan bị kết án 16 năm tù. 

Tuy nhiên, tháng 12-2018, sau 7 năm ngồi tù, Usman Khan được trả tự do trước thời hạn với điều kiện phải tuân thủ 20 yêu cầu nghiêm ngặt, bao gồm đeo thiết bị giám sát và không được đặt chân tới London. Tuy nhiên, trước thời điểm xảy ra vụ tấn công, các quan chức quản chế đã cho phép Usman Khan đến London để tham dự một hội nghị dành cho những cựu tù nhân tại Đại học Cambridge.

Khi đến tham dự cuộc hội thảo tại Hội trường của Fishmongers do Phòng Tội phạm của ĐH Cambridge điều hành để những kẻ phạm tội tái hòa nhập xã hội sau khi ra tù, Usman Khan đã đe dọa làm nổ tung tòa nhà sau khi bắt đầu cuộc tấn công bằng dao kéo dài 5 phút và trước khi bị bắn hạ trên cầu London.

Sau khi vụ án xảy ra, Hãng tin Amaq của Nhà nước Hồi giáo tự xung (IS) ra thông báo khẳng định "Người thực hiện vụ tấn công ở London là một chiến binh IS, hành động theo lời kêu gọi nhằm vào dân thường các nước liên quân" tuy nhiên không chứng minh được liên hệ giữa tổ chức này với Usman Khan.

Tuy nhiên, việc Usman Khan được phóng thích trước thời hạn rồi tiếp tục gây án khiến Thủ tướng Anh Boris Johnson phẫn nộ và yêu cầu rà soát lại các phần tử khủng bố ra tù những năm gần đây. Thủ tướng Boris Johnson khẳng định hệ thống hiện nay "phải chấm dứt" và cam kết sẽ thay đổi luật nhằm đảm bảo rằng mọi bản án đã tuyên với những phần tử khủng bố và cực đoan bạo lực không bị rút ngắn. Ông cũng cho biết đảng Bảo thủ sẽ đề xuất mức án tối thiểu là 14 năm đối với bất kỳ ai phạm các tội khủng bố nghiêm trọng.

Bộ Tư pháp Anh hiện đang mở một cuộc điều tra khẩn cấp nhằm kiểm tra điều kiện trao trả tự do của khoảng 70 phần tử khủng bố bạo lực được ra tù trước thời hạn. Theo đó, từ ngày 1-12, những người này sẽ phải trình diện nhà chức trách thường xuyên hơn, đồng thời phải chịu các giới hạn nghiêm ngặt hơn đối với những sự kiện mà họ có thể tham gia.

Cảnh sát vũ trang chặn một con đường ở mạn nam của cầu London ở London, ngày 29-11-2019.

Châu Âu lo ngại các phần từ IS hồi hương

Vụ tấn công khủng bố ở London khiến không chỉ nước Anh mà nhiều nước châu Âu lo ngại các phần tử IS sẽ tổ chức khủng bố tại các địa điểm công cộng. Những nguy cơ càng có thể trở thành hiện thực khi đầu tháng 11-2019, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu thực hiện hồi hương các tay súng thánh chiến IS, trong đó có hàng nghìn đối tượng mang quốc tịch Đức, Pháp, Bỉ, Ireland và Mỹ. 

Các tù nhân trong tù, những đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi tư tưởng cực đoan của IS, sẽ là một vấn đề lớn đối với châu Âu. Trong khi Mỹ khẳng định đã đến lúc châu Âu phải gánh vác trách nhiệm vì phần lớn những tay súng IS người nước ngoài bị bắt giữ hiện nay là công dân châu Âu, thì các nước châu Âu đã thể hiện thái độ lưỡng lự, né tránh bằng những lý do an ninh ở trong nước và các thách thức về mặt hậu cần.

Dư luận nhiều nước cho rằng nếu cho phép các tay súng IS hồi hương, nguy cơ đất nước bị tấn công khủng bố sẽ tăng gấp nhiều lần, đồng thời hoạt động truyền bá tư tưởng cực đoan cũng sẽ gia tăng và trở nên khó giám sát… Chẳng ai dám bảo đảm những tay súng từng bị tiêm nhiễm tư tưởng thánh chiến sẽ không "ngựa quen đường cũ" ở ngay trên đất châu Âu.

Tại Diễn đàn an ninh khu vực ở Tashkent, tổ chức đầu tháng 11-2019 tại Thủ đô Uzbekistan, ông Alexander Bortnikov, Cục trưởng An ninh Liên bang Nga (FSB) cảnh báo rằng khoảng 2.000 phụ nữ và trẻ em là thân nhân của các chiến binh Nhà nước Hồi giáo IS có thể sẽ quay trở về nước Nga và tiến hành các cuộc tấn công.

Theo ông Bortnikov những người này bao gồm gia đình của các chiến binh IS vẫn còn ở Trung Đông hoặc đã rời khỏi khu vực này. Ông cũng cảnh báo rằng trong số các thân nhân của những chiến binh Hồi giáo quốc tịch Nga này, một số người vẫn giữ quan điểm cực đoan, e rằng sau khi trở về Nga, họ sẽ tiến hành các cuộc tấn công khủng bố.

"Những người hồi hương này thường mang về theo những tư tưởng cực đoan". Ông tiếp tục chỉ ra rằng "những người đứng đầu các tổ chức chống khủng bố quốc tế gọi những người này là những kẻ đánh bom tự sát của các mạng lưới khủng bố ngầm, tán phát các luận điệu kích động, tuyển mộ nhân viên và đặc vụ", ông Bortnikov lo ngại.

Cảnh sát Anh đã phải tăng cường tuần tra tại các địa điểm công cộng.

Ngày 14-11, cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao của liên quân quốc tế chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu đã diễn ra tại Washington D.C (Mỹ). Ðây là cuộc họp khẩn đầu tiên do Pháp đề xuất sau khi Mỹ tuyên bố rút quân khỏi miền Bắc Syria. Hiện, mối quan tâm hàng đầu của liên quân là giải quyết số phận của khoảng 10.000 tay súng IS cùng gia đình đang bị giam giữ ở khu vực Đông Bắc Syria và Iraq. 

Tại cuộc họp này, đại diện 31 nước thành viên của liên quân đã thể hiện những quan điểm bất đồng. Theo đó, Mỹ cho rằng Liên hiệp châu Âu (EU) phải chịu trách nhiệm tiếp nhận phần lớn tù binh IS mang quốc tịch châu Âu. Tuy nhiên, giới chức EU tìm cách trì hoãn với các lý do an ninh ở trong nước và các thách thức về mặt hậu cần.

Việc châu Âu tìm cách trì hoãn cũng như đùn đẩy trách nhiệm hồi hương các tay súng IS cũng có cơ sở. Trước hết, do các tù nhân IS phạm tội ở nước ngoài, nên lực lượng an ninh châu Âu sẽ gặp khó khăn trong việc tìm bằng chứng để truy tố, kết tội và giam giữ. Nếu không thể giam giữ, những đối tượng này có thể tiến hành các cuộc tiến công khủng bố ngay trên lãnh thổ châu Âu. 

Thậm chí ngay cả khi không trực tiếp tiến hành hoạt động khủng bố, những tay súng IS cũng có khả năng truyền bá tư tưởng cực đoan. Trên thực tế, dù IS đã bị đánh bại, song thời gian qua, hàng loạt các cuộc tiến công khủng bố ở châu Âu do các cá nhân thực hiện cũng bắt nguồn từ việc thủ phạm bị lây nhiễm các tư tưởng cực đoan của IS trên Internet.

Trong một tài liệu được tìm thấy trong ổ cứng máy tính mà một thành viên IS đánh rơi khi tham chiến tại thành trì cuối cùng ở Syria cho thấy IS đang âm mưu thực hiện các vụ khủng bố trên khắp châu Âu. Các tài liệu này đề cập chi tiết cách thức IS tiếp tục sử dụng để điều hành những mạng lưới quốc tế, vận chuyển thành viên qua biên giới, lên kế hoạch cướp ngân hàng, đâm xe, ám sát, tiến công mạng. Chính những lo ngại về an ninh kể trên khiến người dân châu Âu phản đối mạnh mẽ kế hoạch hồi hương chiến binh IS bởi những nguy cơ không thể kiểm soát.

Các nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại, những đối tượng này nếu trở về có thể đe dọa nền an ninh của châu Âu. Pháp đã đặt báo động cao sau khi thủ lĩnh IS al-Baghdadi bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt tại Syria. Ông Christophe Castaner, Bộ trưởng Nội vụ Pháp, kêu gọi tăng cường cảnh giác để ngăn chặn các vụ tấn công có thể xảy ra trong một lá thư gửi Cảnh sát quốc gia. 

"Hoạt động tuyên truyền thánh chiến có thể xảy ra sau cái chết này, có thể có hoạt động kêu gọi trả thù, đề nghị Cảnh sát quốc gia tăng cường cảnh giác cao nhất, đặc biệt trong các sự kiện đông người trong thời gian tới", ông Castaner cho biết. Ngoại trưởng Pháp Dominic Raab cho biết thêm: "Cái chết của Baghdadi là một dấu mốc quan trọng về hoạt động liên kết quốc tế đánh bại IS, nhưng đây chưa phải là dấu chấm hết cho mối đe dọa".

Báo cáo của cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) cho biết những phần tử IS bị giam có xu hướng duy trì và truyền bá tư tưởng cực đoan cho các phạm nhân khác. Báo cáo của Europol cho thấy số người tiếp nhận tư tưởng IS trên khắp châu Âu đang tăng, đặc biệt là ở nhóm phạm nhân trong tù và những người bị hồi hương, cũng như các cá nhân dễ bị tổn thương, dễ bị kích động thực hiện các hành vi khủng bố.

Trong các báo cáo gần đây của Europol và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã đánh giá rằng trong khi số lượng các cuộc tấn công khủng bố đang giảm dần, quan điểm và hệ tư tưởng của IS tiếp tục là một mối đe dọa trên toàn cầu, đặc biệt là với an ninh của châu Âu. Các báo cáo của Europol và Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng hệ tư tưởng của IS sẽ tiếp tục lan rộng trên khắp châu Âu ở các nhóm người dễ bị tổn thương, những người hồi hương (trong đó có thân nhân của các tay súng IS) và phạm nhân trong tù. 

Ảnh hưởng của hệ tư tưởng IS ở trong các nhà tù sẽ là một vấn đề nan giải. Hai báo cáo cho biết số vụ bắt giam và kết án những kẻ cực đoan trong năm qua đã gia tăng, cho phép các phần tử IS kỳ cựu đang ở trong tù có thể tiếp cận với nhiều đối tượng mới.

Rõ ràng cuộc chiến chống khủng bố sẽ còn tiếp diễn với những khó khăn hơn.

Ngọc Trang (tổng hợp)
.
.
.