Châu Âu bó tay trước nạn buôn người?

Thứ Tư, 25/05/2016, 08:09
Theo số liệu vừa được Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) công bố, chỉ tính riêng trong năm 2015, những kẻ buôn người đã kiếm được hơn 5 tỷ USD từ dịch vụ đưa người tị nạn tới châu Âu. Và điều này cho thấy, các đường dây đưa người tị nạn bất hợp pháp vào châu Âu thường do các tổ chức tội phạm từng có liên quan tới buôn bán ma túy cầm đầu và lợi nhuận chúng kiếm được từ dịch vụ này là rất lớn. 


Vẫn theo số liệu thống kê của Europol và Interpol, hơn 1 triệu người di cư đã tới châu Âu trong năm ngoái và con số này dự kiến sẽ cao hơn trong năm nay. Để hợp pháp hóa khoản tiền lớn thu được, bọn buôn người sử dụng hình thức chuyển tiền qua biên giới bằng cả đường bộ và hàng không, sau đó chúng "rửa" số tiền này thông qua các cửa hàng, hệ thống đại lý xe hơi, các nhà hàng hay các doanh nghiệp vận tải.

Europol và Interpol cho biết, có tới 90% người tị nạn đến châu Âu thông qua dịch vụ kể trên, và chi phí cho mỗi chuyến vượt biên có giá từ 3.200 USD/người đến 6.500 USD/người. Trong đó, hơn 50% trả bằng tiền mặt và khoảng 16% được thành viên gia đình người tị nạn đã tới châu Âu trước đó chi trả.

Người tị nạn đến Đức.

Theo Interpol và Europol, những kẻ đứng ra tổ chức các đường dây buôn người là người có cùng quốc gia với người tị nạn, nhưng có hộ chiếu một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) hoặc giấy phép được cư trú tại châu Âu. Và để các hoạt động được trót lọt, bọn buôn người tổ chức hối lộ cho các quan chức ở biên giới. Interpol và Europol xác định khoảng 250 điểm nóng về nạn buôn người tại các trạm xe buýt, nhà ga xe lửa và sân bay dọc theo hành trình vào châu Âu. Trong số này có 170 điểm nóng nằm trong lòng EU, số còn lại nằm bên ngoài châu Âu.

Europol và Interpol cũng cảnh báo, mạng lưới buôn người xuyên quốc gia tại hơn 100 quốc gia trên thế giới đang đứng sau làn sóng người tị nạn kể trên. Giám đốc Europol Rob Wainwright cho biết, Europol và Interpol đưa ra báo cáo kể trên với mong muốn gửi đi một thông điệp rõ ràng cho EU và các quốc gia thành viên rằng, 2 cơ quan cảnh sát này phải đấu tranh mạnh mẽ để chống lại những mạng lưới buôn người bất hợp pháp, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Công bố của Interpol và Europol được đưa ra trong thời điểm thỏa thuận về người di cư và tị nạn giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục gây tranh cãi. Ngoài ra, Ủy ban châu Âu (EC) còn cho rằng, việc xóa bỏ thị thực cho người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm gia tăng đáng kể nguy cơ tấn công khủng bố vào "lục địa già", do những kẻ khủng bố hay tội phạm sẽ lợi dụng cơ chế đi lại tự do để có được hộ chiếu Thổ Nhĩ Kỳ.

EC cũng quan ngại rằng, tội phạm hoạt động trong những mạng lưới buôn lậu vũ khí, ma túy hay buôn người tại Thổ Nhĩ Kỳ có thể dễ dàng mở rộng hoạt động ở châu Âu. Đồng thời lo lắng trước đề xuất miễn thị thực cho người dân Kosovo, Ukraine và Gruzia, vì coi đây là vùng lãnh thổ và những quốc gia mà tội phạm có tổ chức mang tính đặc hữu.

Người tị nạn xếp hàng tại một trung tâm tiếp nhận tại thị trấn phía Bắc Tornio, Phần Lan.

Từ năm 2014, EU đã nhận thấy sự gia tăng chưa từng có về số lượng người di cư bất hợp pháp vào châu Âu. Và làn sóng người di cư đạt mức kỷ lục vào năm 2015 và xu hướng này vẫn tiếp tục tăng trong năm 2016. Theo thống kê của The Migrants Files (nhóm các nhà báo đến từ hơn 10 nước châu Âu), 1.473 người đã bỏ mạng trên đường tới châu Âu trong năm ngoái và từ đầu năm tới nay, số người chết đã là 1.134 người.

Trong khi đó, đặc phái viên Liên hợp quốc về nhân quyền Francois Crepeau vừa chỉ trích phản ứng của EU với cuộc khủng hoảng người tị nạn là "thiếu tầm nhìn", bởi vận hành theo một cơ chế luật pháp mơ hồ và tiếp tay cho việc tạm giữ những người nhập cư mới tại Hy Lạp. Do đó, châu Âu cần có chiến lược mang tính cấu trúc, dài hạn, định hướng hơn cho vấn đề người di cư trong 10 hay 20 năm nữa.

Cảnh sát vừa cho biết, khoảng 2.500 người tị nạn đã "biến mất" khỏi trung tâm tiếp nhận người tị nạn tại Phần Lan và chính quyền địa phương không có đầu mối về nơi những người này làm ăn sinh sống vì các thông tin chưa được lưu lại. “Đây là một tình huống nguy hiểm, chúng tôi không biết những người này là ai, tại sao họ đến đây và sống như thế nào nếu họ không có giấy chứng nhận tị nạn, nhưng vẫn quyết định ở lại đây”, Sanna Palo, người đứng đầu Văn phòng Trung ương điều tra của Phần Lan cho biết.

Đây không phải là lần đầu tiên người tị nạn “biến mất” khỏi trung tâm tiếp nhận ở châu Âu, bởi khoảng 13% người di cư hợp pháp đến Đức năm 2015 cũng không quay lại chỗ ở được cung cấp của mình. Và có ít nhất 5.835 trẻ tị nạn “mất tích” ở Đức năm ngoái.

Nhiệm Bình
.
.
.