Chạy đua kinh tế - Kỳ cuối

Thứ Năm, 17/08/2017, 11:40
Một tòa nhà chọc trời đang được xây dựng ở thành phố cảng Jeddah của Saudi Arabia, tháp Jeddah với dự kiến chiều cao hơn 1.000m. Ở phía bắc Tehran, một tổ hợp khách sạn lớn nhất nước cũng đang được xây trên sườn núi đá của dãy Alborz. Ai xây dựng cao hơn và nhanh hơn? Ai hiện đại hơn? Ngay cả việc xây dựng ở hai nước cũng giống như một cuộc chạy đua.


Saudi Arabia vẫn có thể sống nhờ hàng tỷ đô la dầu mỏ kiếm được trong suốt thời kỳ dầu hỏa giá cao kéo dài hàng thập niên. Nhưng sự bùng nổ đã kết thúc và giá dầu đang sụt giảm. Trong khi đó, quốc gia này đã lỡ nhúng tay vào can thiệp quân sự tốn kém ở Yemen, đang rút tiền từ các khu vực khác để bù đắp. Saudi Arabia cũng cố tình sản xuất dầu dư thừa để giữ giá thấp và gây tổn hại cho nền kinh tế Iran.

Nhưng cái giá phải trả thì không hề rẻ cho Saudi Arabia: năm 2015, mức thâm hụt ngân sách khoảng 100 tỷ đô la. Nếu tình hình không thay đổi, quốc gia này dự kiến sẽ bị suy giảm dự trữ ngoại tệ trong vòng 5 năm. Một số kế hoạch xây dựng đầy tham vọng chẳng hạn như "Economic City" trên biển Đỏ, và một quận tài chính tương lai ở Riyadh - hiện chỉ thi công như rùa bò.

Đa dạng hóa kinh tế

Ngay cả nếu giá dầu tăng trở lại, thì dự trữ của Saudi Arabia cũng chỉ hạn chế như của đối thủ Iran. Cả 2 nước đều biết rõ sự phụ thuộc vào các nguồn lực khai khoáng là một vấn đề.

Cả 2 nước đều có những vấn đề rất giống nhau: mất cân bằng, kinh tế cứng nhắc và dân số trẻ đang đòi hỏi nhiều hơn sự cởi mở, linh động cũng như cải tổ chính trị - xã hội từ lãnh đạo già nua. Mùa xuân Ảrập cho thấy sự thất vọng của đám đông có thể san bằng cả những nền độc tài cứng rắn nhất ở Trung Đông - một sự thừa nhận cảnh báo cả các nhà lãnh đạo Saudi lẫn Iran.

Đáp lại, Thái tử Mohammad bin Salman đã tuyên bố những thay đổi mạnh mẽ. Dầu mỏ là mạch máu của đất nước, nhưng mục tiêu của Saudi hiện nay là đa dạng hóa nền kinh tế. Những nỗ lực mới nhất bao gồm một chương trình hiện đại hóa với các sáng kiến trong bộ máy quản lý, nền kinh tế quốc doanh và thậm chí bán một phần Tập đoàn dầu mỏ Aramco. Chương trình cải cách đã được giới thiệu với tên gọi "Tầm nhìn 2030". Mở đầu cho việc cải tổ là việc miễn nhiệm Bộ trưởng Dầu mỏ lâu đời Ali al-Naimi.

Tòa nhà chọc trời Kingdom Tower đang được xây dựng ở Jeddeah, Saudi Arabia

Ai xây dựng cao hơn và nhanh hơn? Ai hiện đại hơn? Ngay cả việc xây dựng ở 2 nước cũng giống như một cuộc chạy đua. Ở phía bắc Tehran, doanh nhân Ebrahim Pourfaraj đang xây dựng khách sạn lớn nhất nước trên sườn núi đá của dãy Alborz. Để xây dựng, công nhân phải đào một hố sâu khổng lồ, sâu gần 75m trong núi hòn đá.

Khoảng 125 khách sạn mới 4 - 5 sao hiện đang được lên kế hoạch. Iran, với những đền thờ Hồi giáo, vườn tược và các đền thờ lửa hiện đang được nhiều người coi là một điểm đến phiêu lưu lãng mạn. Chính phủ nước này ước tính tăng trưởng du lịch 400% thời gian từ nay đến năm 2025, khi đó sẽ có 20 triệu du khách đến thăm mỗi năm và con số chi tiêu lên đến 40 tỷ USD.

Tất cả mọi thứ đều được dự kiến  đổi mới: công nghiệp ô tô, nhà máy đóng tàu, sân bay. Chỉ riêng việc khôi phục các nhà máy sản xuất dầu khí tự nhiên đã cần ít nhất 100 tỷ USD/năm.

Những năm cô lập có thể đã chấm dứt, nhưng hậu quả của nó vẫn còn. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã xây dựng một đế chế kinh doanh khổng lồ. Họ bước vào để lấp đầy khoảng trống khi các công ty quốc tế rời khỏi đất nước và sẽ rất khó khăn để họ rút lui trong tương lai.

Cả 2 nước đều có nền kinh tế không bền vững, tham vọng của họ và sự quan tâm của họ đối với các nhà đầu tư quốc tế lúc đầu sẽ tạo cơ hội cho phương Tây. Các quốc gia như Đức đã có quan hệ kinh doanh với Saudi Arabia và sẽ bắt đầu với Iran trong nay mai. Các điều kiện chính trị có thể gắn liền với những thỏa thuận kinh doanh hấp dẫn.

Nó cũng cung cấp cho phương Tây một cơ hội để làm một số việc có thể giúp ngăn chặn sự tàn phá ở Trung Đông và sự lan rộng của khủng bố Hồi giáo trên thế giới.

Hai đối tác rắc rối

Saudi Arabia là một quốc gia trẻ, mạnh mẽ và là đồng minh của phương Tây, đã được “nối mạng” khắp thế giới. Trong khi đó, với thỏa thuận hạt nhân hiện nay, Iran giờ đây có thể hòa nhập vào thị trường toàn cầu ở mức độ mà Saudi Arabia đang tận hưởng.

Phương Tây đã quen với việc xem Trung Đông như một vùng khủng hoảng vĩnh cửu trong chính trị toàn cầu, nơi chủ nghĩa cuồng tín và hoang tưởng chiến thắng sự thỏa hiệp và lý trí. Nhưng cuộc xung đột giữa Saudi Arabia và Iran không chỉ bao gồm những kẻ cuồng tín, mà cả những tiếng nói quan trọng và cấp tiến hơn.

Giới quan sát cho rằng, phương Tây không cần phải chọn giữa Iran và Saudi để tìm kiếm một đối tác duy nhất. Xét cho cùng, cả Saudi Arabia lẫn Iran đều là những đối tác lý tưởng.

Mỹ từ lâu đã thu lợi lớn từ dầu mỏ Trung Đông, và điều này đã ảnh hưởng đến chính trị trong khu vực. Nếu rời khởi khu vực sau các sứ mệnh thất bại ở Afghanistan và Iraq, Washington sẽ mắc sai lầm vì có thể để lại những khoảng trống cho những đối thủ chính trị khác, chẳng hạn Nga ở Syria.

Điều bắt buộc là Washington phải hành động nhanh chóng để củng cố mối quan hệ vững chắc với Saudi Arabia, đồng thời hàn gắn quan hệ với Iran chứ không phải đổ lỗi cho Tehran về tất cả những điều tồi tệ xảy ra trong khu vực như trước đây.

Để giải quyết các vấn đề như xung đột Syria, phương Tây cần đẩy mạnh đàm phán trực tiếp giữa Iran và Saudi Arabia. Để gia tăng sức ép lên tầng lớp thượng lưu của cả 2 nước, châu Âu có 2 công cụ mạnh mẽ: 500 triệu người tiêu dùng sống ở EU và khả năng áp đặt các kiểm soát nghiêm ngặt hơn đối với xuất khẩu quốc phòng.

Dấu hiệu hy vọng?

Cờ của Cộng hòa Hồi giáo vẫn bay ngày hôm nay qua các cửa sổ bị đóng cửa của Đại sứ quán Iran bị bỏ rơi ở Riyadh. Tại Tehran, Đại sứ quán Saudi Arabia bị chặn bằng những barie thép. Những vệt màu loang lổ từ các loại cocktail Molotov được những người biểu tình ném vào tòa nhà hồi tháng 1 vừa qua vẫn có thể nhìn thấy trên mặt tiền trắng. Các quan chức thành phố đã đổi tên đường phố dẫn tới Đại sứ quán, gọi là đường Martyr al-Nimr.

Cả Saudi Arabia lẫn Iran đều chưa sẵn sàng để thực hiện bất cứ cuộc đàm phán nào với phía bên kia, và Thụy Sĩ đang được dự kiến sẽ bước vào làm trung gian hòa giải. Sau 30 năm nắm vai trò “đưa thư” giữa Mỹ và Iran, các nhà ngoại giao Thụy Sĩ sẽ đóng vai trò tương tự giữa Riyadh và Tehran.

Hy vọng, những cuộc đàm phán có thể kết thúc cuộc chiến tranh lạnh dai dẳng giữa hai thế lực lớn nhất của thế giới Hồi giáo hiện nay.

Hòn Rồng
.
.
.