Chạy đua vũ trang an ninh công nghệ cao ở World Cup 2014

Thứ Năm, 03/07/2014, 09:00

Trong khi bạn đang ở Brazil và dõi theo các cầu thủ tại ngày hội bóng đá thế giới World Cup 2014, có thể một chiếc máy bay không người lái đang dõi theo bạn.

Các sự kiện quốc tế lớn như giải FIFA World Cup là một phần của một cuộc chạy đua vũ trang an ninh công nghệ cao ngày càng leo thang, có thể ảnh hưởng lâu dài lên cuộc sống riêng tư của công dân các nước chủ nhà. Cho đến nay, Brazil công bố đã chi gần 900 triệu USD không chỉ cho 150.000 nhân sự mà còn cho các robot dò mìn mua từ quân đội Hoa Kỳ, máy bay không người lái của Israel, máy quét di động của Anh có thể phát hiện súng nhựa in bằng công nghệ in 3D, 90 hệ thống quét X quang của Trung Quốc và nhiều thứ khác như kính nhận dạng khuôn mặt, trực thăng giám sát công nghệ cao, trung tâm chỉ huy kỹ thuật số…

Các thiết bị an ninh công nghệ cao trong và ngoài sân vận động không chỉ có ở Brazil. Tại Olympic mùa đông Sochi, Nga mới đây được biết đến với sự hiện diện của VibraImage, thiết bị phát hiện những vị khách quá khích bằng cách đo các rung động trên khuôn mặt và cơ bắp của họ. Cảnh sát Anh trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội London 2012 có thể theo dõi mọi ngóc ngách của thành phố với hệ thống camera giám sát mở rộng CCTV. Và World Cup 2010 của Nam Phi đã lắp đặt hệ thống mật mã lượng tử để ngăn chặn các hacker…

Công tác bảo đảm an ninh cho World Cup 2014 rất chu đáo với chi phí cao.

An ninh nay đã trở thành một "nghi lễ" tại các sự kiện thể thao lớn như World Cup. Điều này cũng xuất phát từ lịch sử. Tại Olympics Munich năm 1972, một nhóm khủng bố Palestine đã giết chết 11 vận động viên Israel và 1 cảnh sát Đức. Từ đó, các thành phố chủ nhà bắt đầu lo lắng các sự kiện thể thao lớn của họ cũng có thể trở thành mục tiêu của khủng bố.

Tuy nhiên, sau sự kiện ngày 11/9 ở Hoa Kỳ, ám ảnh khủng bố mới trở thành yếu tố chính cho kế hoạch an ninh tại các sự kiện thể thao lớn. Các bên liên quan (những cơ quan như Ủy ban Olympic quốc tế hoặc FIFA) gia tăng áp lực lên các nước chủ nhà về bảo đảm an ninh.

Brazil đã chi 900 triệu USD cho robot và máy bay không người lái bảo đảm an ninh.

Chính phủ và hội đồng an ninh các nước tham gia sự kiện cũng có thể đưa ra những đòi hỏi cụ thể về an ninh, tùy theo những gì họ cho là đe dọa đội nhà. Để đáp ứng những đòi hỏi an ninh của các nước tham gia, tại Olympics 2004 (sự kiện thể thao lớn đầu tiên tổ chức sau vụ 11-9), Hy Lạp phải chấp nhận chịu sự giám sát của các tập đoàn an ninh đến từ Hoa Kỳ, Anh, Đức, Israel, Australia, Pháp, Tây Ban Nha cũng như của Tổ chức Bắc Đại Tây dương (NATO), Đặc vụ Mỹ (FBI), Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA), Tình báo Anh (MI6) và Israel (Mossad).

Tất cả những biện pháp an ninh này đi kèm với chi phí đắt đỏ và ngày càng tăng cao. Chẳng hạn, ngân sách an ninh của Brazil năm nay cao gấp 5 lần so với World Cup trước ở Nam Phi. Nhưng đối với nước chủ nhà, chi phí đắt đỏ cũng có giá của nó. Những sự kiện như vậy là cơ hội để cải thiện hình ảnh toàn cầu của họ, và quan trọng hơn, có thể cải thiện khả năng an ninh của họ. Bộ trưởng Bộ An ninh Nam Phi từng nói vào năm 2010: "Những đầu tư này không chỉ phục vụ World Cup mà sẽ tiếp tục giúp cảnh sát trong cuộc chiến chống tội phạm thời gian dài sau khi giải đấu kết thúc".

Tại Brazil, ngoài máy bay không người lái và robot, các trung tâm an ninh được xây dựng ở mỗi thành phố đăng cai World Cup, với những bộ não chính đặt ở Rio de Janeiro và Sao Paulo. Mỗi trung tâm được kết nối với mạng lưới lên đến 4.000 camera, tùy thuộc vào diện tích cũng như sự phức tạp của thành phố, có nhiệm vụ chuyển hình ảnh và dữ liệu thu thập được cho cảnh sát, quân đội và các lực lượng tình báo

Trương Minh (tổng hợp)
.
.
.