Chiến dịch bắt giữ số hàng giả trị giá 37 triệu euro của Interpol

Thứ Năm, 19/03/2015, 09:30
Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) vừa thông báo cho biết, tổ chức này vừa điều phối chuyên án bắt giữ hàng giả và hàng hóa bất hợp pháp rất lớn, có giá trị lên tới 37 triệu euro.

Chuyên án có sự tham gia của lực lượng Cảnh sát 18 nước châu Âu này nằm trong chuỗi chiến dịch có tên White Mercury II  và Black Poseidon III kéo dài nhiều tháng qua với sự cộng tác của lực lượng Hải quan, Biên phòng các nước. Trong đó, cảnh sát đã tiến hành 1.500 cuộc khám xét ở nhiều địa điểm khác nhau khắp châu Âu, thu giữ 12 triệu hàng giả mà chủ yếu là phụ tùng xe ôtô, rượu, đồ chơi, quần áo, thuốc lá, mỹ phẩm và hàng gia dụng.

Tại Ukraina, cảnh sát đã phát hiện ba công ty chuyên sản xuất hàng giả, trong đó một công ty sản xuất quần áo thể thao giả, một công ty sản xuất xi măng giả và công ty thứ ba sản xuất rượu giả (riêng tại công ty này, cảnh sát thu giữ 15.000 lít rượu vodka giả đã được đóng chai trị giá hơn 50.000 euro). Tại Moldova, sử dụng tổng hợp các biện pháp nghiệp vụ, cảnh sát đã phát hiện thông tin và chặn bắt một đoàn xe tải đang chở hàng trên quốc lộ. Khi khám xét, cảnh sát đã bắt giữ 270.000 bao thuốc lá lậu được giấu trong các thùng hàng…

Khám xét các cửa hàng tiêu thụ hàng giả.

Ngay sau khi điều phối phá chuyên án, Interpol đã gửi thông báo toàn cầu TÍM đến toàn bộ cảnh sát 190 nước thành viên để yêu cầu cung cấp, hỗ trợ thông tin và truy lùng các loại hàng hóa có liên quan, phục vụ điều tra mở rộng.

Một quan chức cấp cao của Interpol cho biết, Interpol sẽ tiếp tục điều phối cảnh sát các nước triệt phá tận gốc các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia chuyên buôn bán, sản xuất, vận chuyển trái phép hàng hóa bất hợp pháp và hàng giả tới các nước châu Âu nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và lợi ích hợp pháp của các công ty sản xuất hàng hóa hợp pháp, góp phần lành mạnh hóa thị trường tiêu dùng.

Châu Âu được Interpol chọn là đột phá khẩu cho chiến dịch và trọng tâm tiến hành điều tra, bởi nơi đây nhiều năm nay luôn được các đối tượng buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả coi là thiên đường để lợi dụng hoạt động, thu siêu lợi nhuận.

Trong một số vụ án đơn lẻ trước đó, cảnh sát đã phát hiện những đường dây tội phạm lớn trong lĩnh vực này có sự tham gia bảo kê, bao che của một số quan chức trong lực lượng thực thi pháp luật và sự thông đồng của một số nhân viên các siêu thị, cửa hàng hoặc trong chuỗi phân phối khiến hàng giả, hàng bất hợp pháp được hợp pháp hóa, trà trộn cùng hàng thật, hàng hợp pháp để lừa đảo người tiêu dùng, gây thiệt hại khôn lường cho các hãng sản xuất hợp pháp.

Chiến dịch Black Poseidon III có sự tham gia của cảnh sát các nước Belarus, Bulgaria, Hungary, Lithuania, Latvia, Moldova, Ba Lan, Romania, Slovakia, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraina. Trong khi đó, chiến dịch White Mercury II có sự tham gia của các quốc gia và vùng lãnh thổ là Albania, Bosnia và Herzegovina, Bulgaria, Croatia, Macedonia, Montenegro, Serbia và Slovenia.

Chiến dịch White Mercury II  và Black Poseidon III nằm trong chương trình tổng thể chống buôn bán hàng giả và hàng hóa bất hợp pháp do Interpol phát động. Trong chương trình này, Interpol hỗ trợ cảnh sát các nước thành viên về tài chính, thông tin tình báo, kỹ thuật, dữ liệu để thực hiện các chuyên án tấn công vào các nhóm tội phạm có tổ chức chuyên buôn bán hàng giả, hàng hóa bất hợp pháp và xác định các tuyến đường mà bọn tội phạm sử dụng vận chuyển hàng giả, những tuyến đường mà tội phạm cũng thường sử dụng để buôn người và ma túy xuyên quốc gia.

Thông qua chiến dịch này, người dân cũng được nâng cao nhận thức về phòng, chống tội phạm buôn bán hàng giả, hàng bất hợp pháp và tự giác tham gia cùng lực lượng chức năng trong phòng chống tội phạm. Đồng thời, cảnh sát các nước cũng rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm và nâng cao được hiệu quả phối hợp quốc tế trong điều tra, xử lý các vụ án xuyên quốc gia. 

Phạm Oanh
.
.
.