Chiến dịch chống tin giả COVID-19 trên toàn cầu

Chủ Nhật, 12/07/2020, 08:17
Liên Hợp Quốc (LHQ) đang kêu gọi mọi người bình tĩnh, cẩn trọng và đưa ra những phán quyết sáng suốt khi chia sẻ các thông tin trên mạng xã hội, đặc biệt là những thông tin liên quan đến đại dịch COVID-19 vốn đang trở thành nỗi lo và mối đe dọa lớn trên toàn cầu.


Tạm dừng trước khi chia sẻ

Trả lời báo giới, Tổng thư ký truyền thông của LHQ Melissa Fleming cho hay, LHQ đã phát động một chiến dịch mới mang tên "Pause" (Tạm dừng) để chống phát tán thông tin sai lệch trên mạng Internet về dịch COVID-19. Mục đích của chiến dịch là kêu gọi người sử dụng các nền tảng số hóa dừng lại để suy nghĩ về thông tin mà họ định chia sẻ trước khi đăng tải nó lên mạng.

"Cách dễ dàng nhất để truyền bá thông tin sai lệch mà không cần tiếp xúc trực tiếp với người khác là chia sẻ trên mạng xã hội. Bạn có thể nhân nó lên hàng ngàn lần tùy thuộc vào số lượng người theo dõi bạn trên mạng xã hội. Trong một môi trường đang đầy rẫy sự lo ngại về bệnh tật thì những tin tức sai lệch sẽ lan nhanh như ngọn lửa và đốt cháy tất cả. Sự gia tăng của thông tin sai lệch đang có tác động tàn phá dữ dội đối với các nỗ lực phòng, chống COVID-19 trên toàn cầu", Melissa Fleming nói.

Việc lan truyền thông tin giả mạo, chưa được kiểm chứng trên mạng Internet nguy hiểm không khác gì virus gây bệnh chết người.

Hãng tin Reuters thì cho hay, chiến dịch "Pause" bao gồm các video, đồ họa, quà tặng nhỏ đầy màu sắc và những bài viết tuyên truyền chỉ rõ sự phân biệt nội dung đáng tin cậy được đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội. Chiến dịch đã nhận được sự ủng hộ của gần 200 quốc gia với khoản tiền hỗ trợ hơn 500 triệu USD.

Trong thông cáo báo chí, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã nhấn mạnh: “Thông tin sai lệch đang phát tán nhanh hơn virus và đang cản trở nghiêm trọng các nỗ lực y tế công bằng việc xuyên tạc một cách nguy hiểm những chỉ dẫn khoa học đúng đắn. LHQ khuyến khích người sử dụng mạng lưu tâm trước khi chia sẻ rộng rãi thông tin".

Một kết quả phân tích gần đây đã chỉ ra rằng, có tới hơn 40% các bài viết về COVID-19 đăng trên nền tảng truyền thông xã hội được thực hiện bởi bots – các ứng dụng phần mềm chạy các tác vụ tự động hóa trên mạng được ngụy trang như con người và liều thuốc giải cho đại dịch thông tin sai lệch này chính là tin tức và những phân tích dựa trên thực tế.

“Các nhà báo và các nhân viên truyền thông đóng vai trò hỗ trợ quan trọng để chúng tôi có thể đưa ra những quyết định sáng suốt. Trong một đại dịch, thì những quyết định đó có thể cứu sống nhiều mạng người. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần phương tiện truyền thông để ghi lại những gì đang diễn ra, để phân biệt giữa thực tế và hư cấu và gán trách nhiệm cho các nhà lãnh đạo”, ông Antonio Guterres nói.

Thống kê cho thấy, kể từ khi ca nhiễm COVID-19 đầu tiên được ghi nhận hồi cuối năm 2019, đến nay, những thông tin giả mạo liên quan đến virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện với số lượng và tần suất ngày càng dày đặc trên các trang mạng xã hội, khiến cho cuộc chiến chống dịch bệnh ngày càng trở nên khó khăn và phức tạp.

Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters dựa trên 225 thông tin sai lệch liên quan đến dịch COVID-19 hồi tháng 5 cho thấy, có đến 88% lượng thông tin trên xuất hiện ở các nền tảng mạng xã hội, trong khi con số này chỉ là 9% đối với truyền hình và 8% trên báo chí.

Với khoảng 3 tỷ người dùng trên khắp thế giới, các trang mạng xã hội đã và đang dễ dàng trở thành nơi chia sẻ và lan truyền những tin tức này với tốc độ nhanh hơn bất kỳ nền tảng nào khác, bất chấp nỗ lực kiểm soát từ các hãng công nghệ.

Hậu quả của những tin đồn thất thiệt này không chỉ dừng lại ở việc cản trở công tác chống dịch của các tổ chức y tế hay gây ra bất ổn xã hội, mà còn đe dọa đến tính mạng của người dùng nếu làm theo những chỉ dẫn sai lệch này. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã gọi đây là một “đại dịch tin giả” (infodemic) và đưa ra cảnh báo: “Tin giả lan truyền nhanh và dễ dàng hơn cả virus, nhưng mức độ nguy hiểm thì không hề thua kém”.

Tình nguyện viên kỹ thuật số

Để ngăn chặn sự lan truyền thông tin không chính xác về COVID-19, Tổng thư ký truyền thông của LHQ nhấn mạnh rằng chỉ những nền tảng như Facebook hay Twitter mới có thể làm và hiện các công ty này đều cam kết thúc đẩy "Pause" đồng thời nhân rộng các nỗ lực của họ để triệt tiêu thông tin sai lệch.

Đánh giá về sự phối hợp của các trang mạng xã hội trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để sớm phát hiện và loại bỏ thông tin giả trước khi chúng được phát tán rộng rãi, bà Melissa Fleming còn kêu gọi các nền tảng truyền thông xã hội này xây dựng hành động cụ thể dựa trên các nỗ lực giúp ngăn chặn sự lan truyền của những tin đồn nguy hiểm và các phương pháp chữa bệnh giả mạo.

"Chúng ta đang trong thời điểm khá nhạy cảm, từ đại dịch lan rộng trên toàn cầu đến các cuộc biểu tình trên toàn thế giới vì công lý, chống phân biệt chủng tộc, chống biến đổi khí hậu. Thông tin sai lệch, ngôn từ kích động thù địch và tin tức giả mạo đang thúc đẩy và bóp méo tất cả, tạo nên nhiều thách thức. Nó hoạt động như một loại virus, khai thác điểm yếu, sự thiên vị và định kiến của chúng ta", Tổng thư ký truyền thông LHQ cảnh báo.

Một báo cáo dựa trên thông tin thu thập tại Anh, Italy, Tây Ban Nha, Đức và Pháp cho hay, khi dịch COVID-19 đạt đỉnh tại châu Âu vào tháng 3 và tháng 4 vừa qua, thông tin giả mạo và đôi khi là các lời khuyên nguy hiểm về cách chữa trị COVID-19 đã xuất hiện tràn lan trên Internet và mạng xã hội.

Nhiều áp phích, tranh và hình ảnh cổ động chiến dịch "Pause" của Liên hợp quốc đã được giới truyền thông sử dụng để thu hút sự quan tâm của người dân.

Chẳng hạn thuốc trị sốt rét Hydroxychloroquine, hiện chưa được chứng minh có tác dụng trong điều trị COVID-19, cũng được lan truyền như một "cứu tinh" cho nạn nhân của căn bệnh này. Các thuyết âm mưu thì phủ kín mạng Internet như virus SARS-CoV-2 do con người tạo ra, hoặc có liên quan đến mạng 5G...

Vì thế, theo tiết lộ của bà Melissa Fleming, để chiến dịch "Pause" thực sự hữu ích và được người dân khắp thế giới lắng nghe, thực hiện, LHQ đã tuyển dụng các tình nguyện viên kỹ thuật số để cung cấp các dữ liệu thực tế hàng ngày trên các phương tiện truyền thông cũng như giúp giám sát tin tức giả mạo. Chỉ trong tháng 6, hơn 10.000 người đã đăng ký tham gia tình nguyện viên kỹ thuật số và con số đang gia tăng hàng ngày.

Những người này đang làm việc bằng 9 ngôn ngữ khác nhau, để sửa thông tin sai lệch về cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu thông qua các kênh truyền thông xã hội của riêng họ. Nếu phát hiện chuỗi tin giả, các tình nguyện viên kỹ thuật số này sẽ báo cáo với nền tảng để ngăn chặn sự lây lan của nó.

Bên cạnh đó, giới truyền thông cũng đã nỗ lực thông tin với mọi người về phương cách phát hiện và phá vỡ chuỗi tin tức giả mạo về COVID-19. Gợi ý về cách nhận biết này được thực hiện theo khuyến cáo của Europol với các bước như: chú ý các tiêu đề; kiểm tra độ tin cậy của trang web thông qua trang, nhiệm vụ và thông tin liên hệ của trang; kiểm tra xem các nguồn khác có báo cáo cùng thông tin hay không và có bao nhiêu nguồn thực sự được đề cập trong câu chuyện; chạy hình ảnh thông qua một tìm kiếm trực tuyến để xác định xem nó được sử dụng ngoài ngữ cảnh hay không; truy cập các trang web có uy tín... Ngoài ra, các phương tiện thông tin truyền thông khác liên tục đăng tải hình ảnh về chiến dịch "Pause" với quan điểm "mưa dầm thấm lâu". 

Ngọc Khuê (tổng hợp)
.
.
.