Anh - Mỹ: Chiến dịch hợp tác đặc biệt chống tin tặc

Thứ Tư, 21/01/2015, 07:53
Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc hội đàm tại Nhà Trắng vào cuối tuần trước. Một trong những nội dung quan trọng trong cuộc gặp gỡ này là hai bên sẽ hợp tác trong cuộc chiến chống tin tặc toàn cầu. Theo đó, các chuyên gia an ninh mạng sẽ cùng tham gia bảo vệ hệ thống máy tính của các ngân hàng lớn, giao thông công cộng, công ty cung cấp năng lượng trước nguy cơ bị tấn công khủng bố trực tuyến.

80% công ty lớn của Anh từng bị tin tặc tấn công

Một báo cáo của Cơ quan tình báo tín hiệu Anh (GCHQ) cho hay, hoạt động của tội phạm mạng là mối đe dọa lớn với các doanh nghiệp của Anh. Hơn 80% công ty lớn của Anh từng bị tin tặc tấn công dưới một hình thức nào đó vào năm ngoái. Ước tính, những vụ tấn công gây thiệt hại cho kinh tế Anh khoảng 1,5 triệu bảng. Hợp tác giữa hai quốc gia được đưa ra khi những mối nguy hiểm tiềm năng của tội phạm mạng đã được "chứng minh" bằng việc một nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng tấn công vào tài khoản Twitter và YouTube của quân đội Mỹ hồi tuần trước. Trước đó, hệ thống máy tính của Sony Pictures cũng bị tấn công gây nên hậu quả nghiêm trọng.

Một tài liệu từ Hội đồng tình báo quốc gia Mỹ nhận định, mã hóa là phương thức "phòng thủ tốt nhất" cho người dùng máy tính để bảo vệ dữ liệu cá nhân nhưng dường như cách làm này cũng không mấy phát huy hiệu quả khi trình độ của tin tặc ngày càng được nâng cao. Vấn đề lớn nhất trong việc bảo vệ các doanh nghiệp, công dân trước hoạt động gián điệp, phá hoại của tội phạm mạng gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu khoảng 400 tỷ USD/năm.

Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một cuộc gặp gỡ vào năm ngoái.

Sự hợp tác lớn nhất trong lịch sử

Thủ tướng Cameron cho biết, "chúng tôi đang làm việc với đồng minh thân cận của mình để bảo vệ người dân và quốc gia từ các mối đe dọa truyền thống, trước mối đe dọa mới như tấn công trên không gian mạng. Mối đe dọa đối với sự phát triển của các doanh nghiệp khiến chúng tôi quyết định hợp tác với Mỹ. Đây là sự hợp tác lớn nhất trong lĩnh vực này từ trước đến nay". Trong chiến dịch hợp tác này, tình báo Anh và Mỹ sẽ cùng làm việc với nhau để chia sẻ thông tin về các mối đe dọa và đề ra các phương án đối phó với cuộc tấn công. Đây là lần đầu tiên Anh hợp tác trong cuộc chiến chống tin tặc với đối tác ở nước ngoài. Cơ quan tình báo nội địa Anh (MI5), Cơ quan tình báo tín hiệu Anh (GCHQ) sẽ phối hợp chặt chẽ với Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI).

Những chuyên gia an ninh mạng giỏi sẽ được lựa chọn để tham gia chiến dịch đào tạo. Bài thử nghiệm đầu tiên là trò chơi mang tên "chiến tranh". Theo đó, các chuyên gia sẽ diễn tập cuộc tấn công trực tuyến ở thủ đô London và Wall Street để đánh giá chất lượng hệ thống máy tính của các công ty tài chính lớn như Ngân hàng Anh và một số ngân hàng thương mại. Tiếp sau đó, các chuyên gia sẽ tiến hành kiểm tra cơ sở hạ tầng quan trọng ở cả hai quốc gia như hệ thống máy tính kiểm soát nguồn cung cấp điện, hệ thống giao thông và mạng lưới đường sắt. Trong động thái khác, hai Chính phủ sẽ đầu tư nguồn lực để đào tạo các chuyên gia an ninh mạng trẻ và đưa ra lời khuyên bảo mật mới nhất cho các công ty đa quốc gia có thể là mục tiêu tấn công của kẻ khủng bố trực tuyến.

Yêu cầu Facebook và Twitter có hành động mạnh mẽ chống lại khủng bố

Trong cuộc gặp gỡ, Thủ tướng Cameron đề nghị Chính phủ Mỹ yêu cầu các công ty có trụ sở tại Mỹ như Facebook và Twitter có hành động mạnh mẽ chống lại hoạt động của khủng bố thông qua phương tiện truyền thông xã hội. "Các công ty cần phải hợp tác với chúng tôi. Họ phải có trách nhiệm trong cuộc chiến chống khủng bố. Chúng ta không được phép tạo ra không gian an toàn cho những kẻ khủng bố hoạt động. Đó là một thách thức rất lớn nhưng cũng là nguyên tắc cần phải nắm vững", Thủ tướng Cameron nói. Đồng thời, Thủ tướng Cameron muốn các công ty công nghệ cho phép tình báo Anh truy cập vào các tài khoản nghi ngờ của chiến binh có âm mưu tấn công khủng bố. Các công ty internet của Mỹ được yêu cầu lưu trữ và bàn giao các dữ liệu cần thiết cho cơ quan tình báo. Nếu nhận thấy bất kỳ cuộc thảo luận, trao đổi cực đoan nào, các công ty này cần thông báo với lực lượng tình báo để ngăn chặn kịp thời.

Tuần trước, một ngày sau khi cuộc tấn công vào văn phòng Tuần báo biếm họa Charlie Hebdo ở Paris, ông Andrew Parker, Giám đốc MI5 cảnh báo rằng, sự phát triển của công nghệ mới khiến công tác theo dõi những kẻ cực đoan trở nên khó khăn hơn. Vào tháng 10/2014, Robert Hannigan, người đứng đầu của GCHQ cho biết, phương tiện truyền thông xã hội đã trở thành "mạng lưới được lựa chọn" của những kẻ khủng bố.

T. Phạm (tổng hợp)
.
.
.