Cảnh sát châu Âu và Mỹ:

Chiến dịch triệt phá mạng lưới web đen lớn nhất trong lịch sử

Thứ Hai, 17/11/2014, 11:00

Mới đây, website Silk Road 2.0 và 400 trang web khác được cho là "trung tâm buôn bán" các mặt hàng bất hợp pháp như ma túy, vũ khí, chia sẻ hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em… đã bị cảnh sát Châu Âu và Mỹ "đóng cửa". Tính đến thời điểm này, đây là chiến dịch triệt phá mạng lưới web đen lớn nhất trong lịch sử.

17 người bị bắt giữ

16 quốc gia châu Âu và Mỹ đã phối hợp lực lượng, "tổng tấn công" vào mạng lưới web đen hoạt động bằng phần mềm Tor - một ứng dụng internet cho phép người dùng nặc danh và nếu sử dụng công cụ tìm kiếm truyền thống thì không thể tìm thấy những website này trên mạng. 17 người đã bị bắt giữ, bao gồm cả Blake Benthall, 26 tuổi, ở San Francisco (Mỹ) - người được cho là đứng đằng sau Silk Road 2.0. Ngoài Silk Road 2.0, những website có số lượng giao dịch bất hợp pháp lớn bị "xóa sổ" lần này là  Cloud Nine, Hydra, BlueSky, Outlaw Market và Alpaca. Ông Troels Oerting, người đứng đầu đơn vị tội phạm mạng của Europol nói với phóng viên Tờ Guardian (Anh) rằng, 40 nhà điều tra đã được huy động vào chuyên án. Sau 6 tháng điều tra, lực lượng cảnh sát đã thu giữ số lượng ma túy, súng lớn cùng 180 nghìn euro tiền mặt, vàng, bạc và khoảng 1 triệu USD tiền ảo Bitcoin. Cơ quan phòng chống tội phạm quốc gia Anh (NCA) cho biết thêm, cơ sở hạ tầng kỹ thuật để lưu trữ trang web bất hợp pháp cũng đã bị gỡ bỏ.

Trong số 17 người bị bắt giữ, có 6 người Anh, gồm 5 đàn ông và một phụ nữ. Một người 20 tuổi đến từ Liverpool, một người 19 tuổi sống ở New Waltham, Lincolnshire, một người 30 tuổi ở Cleethorpes, một người 29 tuổi đến từ Aberdovey, xứ Wales, một người đàn ông và người phụ nữ, đều 58 tuổi, sống ở Aberdovey, tất cả đã được tại ngoại sau khi lấy lời khai. Cảnh sát Anh tiết lộ rằng, nhiều công dân Anh tham gia vào hệ thống web đen thương mại toàn cầu, ngoài 6 người bị bắt giữ, cảnh sát còn thu giữ nhiều thiết bị máy tính và tất cả đang được tiến hành kiểm tra. Ông Roy McComb, Phó giám đốc của NCA cho biết, "ngay sau khi Silk Road bị gỡ bỏ, chúng tôi đã làm việc với các đối tác tại Mỹ và Châu Âu để xác định vị trí chính xác cơ sở hạ tầng kỹ thuật của web đen, đồng thời theo dõi, điều tra cá nhân nghi ngờ tham gia giao dịch bất hợp pháp trực tuyến. Những người bị bắt giữ bị nghi ngờ đã cung cấp số lượng ma túy đáng kể. Các hoạt động điều tra vẫn đang tiếp diễn".

Chiến công đầu tiên của lực lượng cảnh sát trong việc triệt phá web đen được thực hiện vào tháng 9 năm ngoái. Trang web Silk Road đã bị đánh sập và sở hữu của website là Ross William Ulbricht, 29 tuổi, được biết đến với cái tên Dread Pirate Roberts bị bắt giữ. Hiện Ulbricht đang phải hầu tòa ở Mỹ nhưng Ulbricht bác bỏ mọi cáo buộc chống lại mình. Sau khi Silk Road bị đánh sập, những trang web tương tự đã xuất hiện với cấp độ mới. Silk Road 2.0 ra mắt vào tháng 10/2013 được biết đến là website "đình đám" nhất trong giao dịch ma túy bất hợp pháp. Theo các công tố viên của Mỹ, Silk Road 2.0 là trung gian thực hiện hơn 100 nghìn giao dịch buôn bán ma túy bất hợp pháp và các loại buôn lậu khác

Bước "đột phá" trong cuộc chiến với tội phạm mạng

Các chuyên gia cho rằng, chiến dịch này là bước đột phá trong cuộc chiến chống tội phạm mạng. "Chúng ta đã chứng minh được rằng, hợp tác với nhau, chúng ta có thể loại bỏ những tổ chức tội phạm nghiêm trọng nhất", ông Troels Oerting cho biết. "Chúng tôi không chỉ loại bỏ được những trang web đen mà còn hiểu rất rõ cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng như phương thức hoạt động của chúng. Trong một thời gian dài, tội phạm luôn cho rằng, công nghệ chúng sử dụng vượt quá tầm kiểm soát của cơ quan chức năng", ông Troels Oerting nói thêm.

Ông McComb cho biết, "tội phạm nghĩ rằng, các trang web đen là một nơi an toàn để trú ẩn nhưng thực tế, nó cũng giống như bất kỳ mạng lưới tổ chức tội phạm nào. Có thể mất thời gian và công sức để điều tra nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ xác định được thủ phạm và truy tố những người vi phạm". Ông Sir Bernard Hogan-Howe, cảnh sát cao cấp của Anh cũng nói rằng, internet và các phương tiện truyền thông không phải nơi an toàn cho hoạt động của tội phạm. Giáo sư Alan Woodward của Đại học Surrey, một cố vấn an ninh cũng đưa ra nhận định, chiến dịch đã mở ra "kỷ nguyên mới" trong cuộc chiến với tội phạm mạng. Đồng thời, giáo sư cũng đưa ra "khuyến cáo" với Europol rằng, "Tor từ lâu được coi là ngoài tầm với của cơ quan thực thi pháp luật. Kết quả này đã chứng minh, không phải điều gì "vô hình" cũng là "bất khả xâm phạm. Tuy nhiên cũng phải thấy rằng, các trang web tương tự có thể sẽ xuất hiện trong nay mai"

T. Phạm (tổng hợp)
.
.
.