Chiến dịch truy tìm chiến binh thánh chiến sát hại nhà báo Mỹ

Thứ Tư, 10/09/2014, 13:30

Cái chết của nhà báo chiến trường Mỹ - James Foley khiến cả thế giới bàng hoàng. Ai là người bịt mặt, chặt đầu James Foley xuất hiện trong đoạn video clip được tung lên mạng vẫn là câu hỏi lớn nhất được đặt ra. Chính quyền Anh đã quyết định triển khai lực lượng đặc biệt để tìm ra câu trả lời bởi theo nhận định của nhiều chuyên gia thì nhân vật thực hiện hành động kinh hoàng này có thể là một chiến binh thánh chiến người Anh.

Sự "vào cuộc" của công nghệ hiện đại

Thông tin đăng tải trên tờ The Mail on Sunday cho hay, lực lượng đặc biệt của quân đội Anh (SAS) và Trung đoàn trinh sát đặc biệt (SRR) đang sử dụng nhiều thiết bị công nghệ cao ở Syria và Iraq. Những thiết bị này có thể giúp bắt giữ những kẻ cực đoan trong vài ngày. Trong vòng 48 giờ, một "lực lượng rất đáng kể" các binh sĩ của SAS và SRS đã được đưa đến nhiều điểm nóng ở Iraq. Họ được chia thành nhóm bốn người và đi cùng với quân đội địa phương để tìm kiếm và bắt giữ chiến binh thánh chiến người Anh đã ra tay sát hại nhà báo Mỹ.

Khi một chiến binh thánh chiến Anh bị bắt giữ, mẫu máu và ADN của nghi phạm sẽ được gửi đi phân tích, đối chiếu với hồ sơ y tế. Hình ảnh chụp được của nghi phạm cũng sẽ được phân tích kỹ lưỡng bằng các phương tiện kỹ thuật hiện đại. Một nhân viên của SAS cho biết: "có thể xác định chiến binh thánh chiến của Anh trên chiến trường bằng cách chặn các thông điệp phát thanh của họ. Nếu họ đang bị giam giữ bởi người Iraq hay người Kurd, chúng ta sẽ quan tâm đến việc thẩm vấn. Thu thập các thông tin cá nhân như nhóm máu, ADN, ghi âm giọng nói tiếng  Arab hay tiếng Anh, sẽ giúp chúng ta truy tìm được "thánh chiến John" bằng cách so sánh với dữ liệu hiện có".

Với sự trợ giúp của công nghệ hiện đại, Anh hy vọng sẽ sớm tìm ra người sát hại nhà báo Mỹ James Foley.

Từ chiến trường, thông tin được gửi qua vệ tinh di động đến đơn vị 264 của SAS. Tại đây, một nhóm gồm 17 chiến binh sẽ xử lý thông tin và gửi cho cơ quan tình báo Anh GCHQ có trụ sở liên lạc bí mật tại Cheltenham. Tại trụ sở của GCHQ, các thông tin sẽ được phân tích, đối chiếu với hồ sơ của các chiến binh thánh chiến của Anh được cho là chiến đấu ở Syria và Iraq trước khi gửi trở lại SAS. Cơ sở dữ liệu của GCHQ lưu trữ bản ghi âm của hàng ngàn tiếng nói lấy từ điện thoại và đài phát thanh. Trong khi đó, trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, lính SRR sử dụng máy bay không người lái có thể cung cấp chi tiết hoạt động của các chiến binh thánh chiến. Máy bay không người lái của SRR có thể bay trong 24 giờ, leo lên độ cao hơn 18,000ft. Ở độ cao này, SRR có thể quan sát hàng trăm dặm trong vùng lãnh thổ bị chiếm đóng bởi IS, bao gồm cả thành phố Raqqa, nơi mà nhiều người cho rằng, một số con tin phương Tây đang bị giam giữ. Lực lượng tình báo thông tin cũng được sử dụng trước khi quân đội SRR tiến vào Syria. Một nguồn tin cho biết thêm, "SRR đang sử dụng máy bay chiến lược để cung cấp hình ảnh tổng quan về mặt đất trong khi máy bay chiến thuật có thể mang đến hình ảnh các tòa nhà và cung cấp hình ảnh sắc nét khuôn mặt của nghi phạm".

Những nghi phạm "tiềm năng"

Nghi can chính của nhân vật "thánh chiến John" là Abdel-Majed Abdel Bary, 23 tuổi.  Một năm trước đây, Bary sống cùng gia đình tại căn nhà có trị giá khoảng 1 triệu bảng Anh ở London Maida Vale. Gần đây, Bary xuất hiện trên một số trang mạng xã hội trên tay cầm một cái đầu đã bị cắt. Abdel-Majed Abdel Bary được biết đến như một rapper, nhạc sĩ "ngày càng cực đoan và bạo lực". Sáng tác của Bary từng được phát sóng trên BBC Radio 1. Bary rời nước Anh đến chiến đấu ở Syria vào năm 2013 với quan điểm "bỏ hết mọi thứ lại phía sau vì Thánh Allah". Sau đó, qua mạng xã hội, Bary thường xuyên nói về niềm tự hào của mình khi được chiến đấu ở Syria. Bary là một trong sáu người con của chiến binh Ai Cập Adel Abdul Bary - người được cấp tị nạn chính trị ở Anh vào năm 1993. Năm 2012, Adel Abdul Bary bị dẫn độ sang Mỹ vì cáo buộc liên quan đến vụ đánh bom Đại sứ quán Mỹ ở Đông Phi năm 1998 làm hàng trăm người thiệt mạng. Các nhà điều tra tin rằng, Adel Abdul Bary là một trong những phụ tá thân cận nhất của Bin Laden và là người điều hành  mạng lưới khủng bố ở London.

Nhân vật tình nghi thứ hai là Abu Hussain al-Britani, được biết đến như một hacker. Abu Hussain al-Britani sống ở Birmingham, bị bắt giam vào năm 2012 vì tội ăn cắp thông tin cá nhân của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. Abu Hussain al-Britani chạy sang Syria năm 2013 ngay sau khi được tại ngoại. Nhân vật tình nghi thứ ba là Abu Abdullah Al-Britani, được biết đến như một hướng dẫn viên du lịch. Abu Abdullah Al-Britani thường xuyên sử dụng Twitter để tuyên truyền, kêu gọi thanh thiếu niên tham gia thánh chiến. Năm ngoái, Abu Abdullah Al-Britani đã bay từ London đến thị trấn du lịch Antalya ở Thổ Nhĩ Kỳ, trước khi vượt qua biên giới vào Syria để tham gia ISIS

Mạnh Tường
.
.
.