Chiến tranh 6 ngày

Thứ Tư, 05/06/2019, 16:59
Kể từ sau cuộc chiến tranh năm 1956, Ai Cập đồng ý để Liên Hiệp Quốc (LHQ) triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Sinai, để đảm bảo phi quân sự khu vực này, và ngăn chặn du kích (fedayeen) người Palestine xâm nhập phá hoại Israel.


Ai Cập cũng đồng ý mở eo biển Tiran cho thuyền bè Israel, vốn là một vấn đề góp phần gây ra cuộc Khủng hoảng kênh đào Suez. Kết quả là biên giới Ai Cập và Israel được bình ổn trong một thời gian.

Tuy nhiên, vào lúc 22 giờ ngày 16-5, Chỉ huy lực lượng LHQ, Thiếu tướng Indar Jit Rikhye, nhận được thư từ tướng Mohammed Fawzy, Tổng tham mưu trưởng Cộng hòa Ảrập Thống nhất, đòi quân LHQ rút khỏi các vị trí trên biên giới. Ngày 22-5, Ai Cập tuyên bố ngoài việc yêu cầu quân LHQ rút lui, họ cũng sẽ đóng của eo biển Tiran với tàu thuyền "mang cờ Israel hoặc chuyên chở vật liệu chiến lược", bắt đầu từ ngày 23-5.

Quân đội Israel phá hủy máy bay Ảrập

Lúc 7 giờ 45 phút sáng ngày 5-6, khi còi báo động vang lên trên toàn Israel cũng là lúc Không quân Israel (IAF) mở chiến dịch Focus (Moked). Ngoại trừ 12 máy bay, còn lại tất cả gần 200 chiếc máy bay phản lực cất cánh rời Israel ào ạt tấn công các sân bay của Ai Cập. Máy bay của Israel bay ra Địa Trung Hải trước khi vòng lại hướng về Ai Cập.

Cuộc không kích thành công vượt mức, khiến quân Ai Cập hoàn toàn bị bất ngờ, phá hủy gần như toàn bộ Không quân Ai Cập ngay trên mặt đất mà chỉ bị rất ít tổn thất. Hơn 300 máy bay Ai Cập bị phá hủy, hơn 100 phi công Ai Cập thiệt mạng. 

Trong số máy bay bị phá hủy có 30 máy bay Tu-16, 27 trong tổng số 40 máy bay ném bom Il-28, 12 chiến đấu cơ - máy bay ném bom Su-7, hơn 90 chiến đấu cơ MiG-21, 20 MiG-19, 25 MiG-17, cùng 32 máy bay vận tải các loại và phi cơ. Phía Israel mất 19 máy bay, phần lớn do trục trặc kỹ thuật hay tai nạn... Cuộc không kích mang lại cho Israel ưu thế áp đảo trên không cho đến hết cuộc chiến.

Israel cho biết họ đã phá hủy 416 máy bay của phe Ảrập, trong khi mất 26 máy bay trong 2 ngày đầu chiến sự. Israel mất 6 trong số 72 chiến đấu cơ Mirage IIIC/J, 4 trong số 24 chiến đấu cơ Super Mystère, 8 trong số 60 Mystère IVA, 4 trong số 40 Ouragan, 5 trong số 25 máy bay ném bom tầm trung Vautour II. Số máy bay Ảrập mà Israel tuyên bố phá hủy lúc đầu bị báo chí phương Tây tưởng là đã bị "phóng đại". 

Tuy nhiên, thực tế là không lực Ai Cập, Jordan và các quốc gia Ảrập khác hầu như vắng bóng trong những ngày tiếp theo của cuộc chiến chứng tỏ con số tổn thất này có lẽ là xác thực. Trong suốt cuộc chiến, phi cơ của Israel tiếp tục bắn phá đường băng để ngăn phe địch đưa chúng vào hoạt động trở lại.

Ngày 10-6, Israel kết thúc chiến dịch trên Cao nguyên Golan. Ngày hôm sau, lệnh ngưng bắn được ký kết. Israel chiếm được Dải Gaza, bán đảo Sinai, vùng Bờ Tây sông Jordan (bao gồm cả Đông Jerusalem) và cao nguyên Golan. 

Tổng thể, lãnh thổ Israel rộng ra gấp 3, bao gồm cả 1 triệu người Ảrập nay bị đặt dưới quyền kiểm soát của Israel trong các lãnh thổ mới chiếm được. Chiều sâu chiến lược của Israel kéo dài ra ít nhất 300 km về phía nam, 20 km lãnh thổ đồi núi hết sức hiểm trở ở phía bắc, một lá bài an ninh hết sức quan trọng trong cuộc chiến tranh Ảrập - Israel 1973 sáu năm sau.

Tổn thất của Israel thấp hơn nhiều so với ước đoán của họ trước khi chiến cuộc nổ ra. 

Theo phía Israel: họ mất khoảng 800 binh sĩ, trong đó 338 người ở mặt trận Ai Cập, 550 tại mặt trận Jordan, 141 người tại mặt trận Syria; 2.563 binh sĩ bị thương, 46 máy bay bị phá hủy. Tổn thất 800 binh sĩ là một giá đắt mà quân đội Israel phải trả, khi tính đến quy mô tương đối nhỏ của Nhà nước Israel. 

Tuy nhiên, trước chiến tranh, Israel dự tính họ phải hy sinh nhiều hơn nhiều. Tướng Moshe Dayan ước tính các lực lượng vũ trang Israel sẽ phải chịu chừng 30.000 thương vong chỉ trên mặt trận Cao nguyên Golan nói riêng.

Tổn thất của phía Ảrập cao hơn nhiều, khoảng 18.000 quân chết và 30.000 bị thương, trong số đó Ai Cập bị tổn thất lớn nhất: khoảng 10.000 quân và 1.500 sĩ quan Ai Cập tử trận (rất nhiều trong số đó chết vì đói khát trong sa mạc do rút chạy vô tổ chức), và 20.000 quân Ai Cập bị thương. Khoảng 6.000 quân Ai Cập bị mất tích, đào ngũ hoặc bị bắt. Jordan mất 700 binh sĩ với khoảng 2.500 người bị thương. 

Syria mất khoảng 2.500 quân và 5.000 quân bị thương. Iraq mất 10 binh sĩ và 30 bị thương. Tổng cộng, có khoảng 6.000 quân Ảrập bị bắt làm tù binh và 400 máy bay bị phá hủy.

Ngày này năm xưa

Ngày 5-6-1967 là ngày đầu tiên của cuộc chiến tranh 6 ngày nổi tiếng trong lịch sử giữa Israel và các nước Ảrập.

Xuân Trường
.
.
.