"Chim ăn thịt" F-22: Máy bay chiến đấu đỉnh cao

Chủ Nhật, 03/12/2017, 13:12
Những năm 90 thế kỷ trước, 3 tập đoàn vũ khí hàng đầu của Mỹ là Lockheed Martin, Boeing và General Dynamic đã được giao nhiệm vụ cùng phối hợp để thiết kế một loại máy bay thế hệ thứ 5, vượt trội hơn hẳn các máy bay thế hệ thứ 4 đang thống lĩnh bầu trời thế giới.


Tháng 4-1997, chiếc F-22 đầu tiên ra đời và được đặt tên là Raptor (Chim ăn thịt). F-22 bắt đầu được sản xuất hạn chế từ tháng 8-2001 với 49 chiếc tại nhà máy của Lockheed Martin, và theo các hợp đồng mà Không quân Mỹ đã ký thì cho đến năm 2011, họ đã mua 183 chiếc F-22.

Mặc dù nhu cầu về loại máy bay này của Không quân Mỹ là 381 chiếc nhưng do thiếu kinh phí nên dự án về F-22 đã được Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gate chính thức đình chỉ vô thời hạn. Hiện tại, tổng số F-22 mà Không quân Mỹ có là 187 chiếc.

F-22 Raptor dài 18,9m, sải cánh 13,6m, cao 5,10m, trọng lượng rỗng 19,7 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 38 tấn. Máy bay trang bị 2 động cơ phản lực cánh quạt đẩy có buồng đốt phụ Pratt & Whitney F119-PW-100 tích hợp bộ phận điều chỉnh hướng phụt, cho phép máy bay đạt tốc độ tối đa khoảng Mach 2 (2.400km/h).

Khả năng phản hồi radar của F-22 chỉ 0,000m2 trong khi của máy bay tàng hình Su-57 Nga là 0,5m2. F-22 Raptor có khả năng tấn công mặt đất, trinh sát, chiến tranh điện tử và chiếm ưu thế trên không. Nó có thể đạt đến vận tốc siêu thanh mà không cần đốt nhiên liệu lần 2, cho phép nó bay nhanh và xa hơn. Ngoài F-22 Raptor ra chỉ có EF-2000 Typhoon của châu Âu mới có khả năng làm được điều này. Việc đốt nhiên liệu lần 2 giúp máy bay tăng tốc nhanh chóng nhưng lại cực kỳ tốn nhiên liệu.

F22 được trang bị hệ thống radar mạng pha cực mạnh AN/APG-77, có khả năng phát hiện mục tiêu cỡ 1m2 ở khoảng cách 240km. Đây là điều mà không có loại máy bay nào ngoài F-22 có thể làm được. Đặc biệt, với loại radar này, F-22 Raptor có thể hoạt động như hệ thống chỉ huy và cảnh giới đường không (AWACS) mini - nghĩa là, F-22 xác định rõ các mục tiêu để cùng tham chiến với những chiếc F-15 và F-16, và thậm chí xác định được việc hai máy bay đồng minh đang cùng dự định tấn công một mục tiêu, nhờ thế cho phép cảnh báo chúng lựa chọn một mục tiêu khác.

F-22 Raptor cũng được trang bị hệ thống TRW CNI được Boeing sản xuất có nhiệm vụ liên lạc trong suốt hành trình, chia sẻ mục tiêu trong những nhiệm vụ phối hợp và nhận biết bạn - thù. Ngoài ra, F-22 còn trang bị thiết bị dẫn đường bằng laser LTN-100G và hệ thống GPS cùng cảm biến hạ cánh sản xuất bởi Northrop Grumman.

Sự tàng hình đỉnh cao của F-22 Raptor chính là việc vỏ máy bay được cấu tạo từ 39% titan, 24% composite, 16% nhôm… Titan được sử dụng với khối lượng lớn nhằm chịu lực và chịu nhiệt cho các chi tiết trọng yếu. Sợi composite cácbon được sử dụng để bao bọc khung thân, cửa hút khí, cánh máy bay giúp gia tăng khả năng tàng hình.

Về hệ thống vũ khí, ngoài pháo 6 nòng M61A2, F-22 Raptor có 3 khoang vũ khí nằm trong thân và các giá treo bên ngoài. Để không chiến, F-22 sẽ mang theo 6 tên lửa AIM-120C AMRAAM tầm xa (tầm bắn 120km) và 2 tên lửa AIM-9 Sidewinder. Để tấn công mặt đất, F-22 mang 3 bom thông minh GBU-32 JDAM loại 204kg hoặc 3 bom GBU-30 JDAM loại 454kg cùng một số tên lửa không đối không. Trong nhiệm vụ tuần tiễu, F-22 mang theo 4 thùng dầu phụ và 8 tên lửa tầm ngắn AIM-9.

Hiện nay đang có một số đề xuất nhằm cho phép việc tái sản xuất loại chiến đấu cơ để duy trì ưu thế tuyệt đối trước các đối thủ.

Chiến đấu cơ F22 Raptor là máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 đầu tiên vào biên chế trên thế giới. Ðộ cơ động đỉnh cao, thiết bị điện tử tân tiến, khả năng tấn công tầm xa, cùng tính năng tàng hình cực đỉnh đã biến F22 là chiến đấu cơ không đối thủ trong thời điểm hiện tại.

Hồng Định
.
.
.