Chính phủ Pháp bị kiện vì không công khai nguy cơ ô nhiễm chì

Thứ Ba, 06/08/2019, 13:48
Cuối tháng 7 vừa qua, Robin des Bois (Robin Hood), một tổ chức phi chính phủ hoạt động vì môi trường của Pháp, đã đệ đơn kiện Chính phủ khi cho rằng giới chức Paris đã không nhanh chóng thực hiện các biện pháp tránh nguy cơ ô nhiễm chì cho người dân sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà (Notre-Dame) ngày 15-4.


Đơn kiện được tổ chức Robin Hood nộp lên Tòa Cấp cao Paris, cáo buộc Chính phủ Pháp đã không công khai thông tin về nguy cơ ô nhiễm chì từ Nhà thờ Đức Bà Paris trong vòng ít nhất ba tháng sau vụ cháy. Jacky Bonemains, người phát ngôn của tổ chức môi trường Robin Hood, cho biết đơn kiện còn cáo buộc Chính phủ Pháp và chính quyền Paris "cố tình khiến người dân gặp nguy hiểm", "không thực hiện các biện pháp để hạn chế ô nhiễm chì", khiến họ phải tiếp xúc với bụi chì độc hại vì không ngay lập tức thực hiện các biện pháp để hạn chế tiếp xúc với ô nhiễm.

Nhà thờ Đức Bà sau vụ cháy.

Vụ cháy nhà thờ Đức Bà ngày 15-4 đã phá hủy phần mái và tháp chuông của Nhà thờ Đức Bà, làm tan chảy các tấm chì lớn vốn bao phủ kết cấu khung bằng gỗ tinh xảo. Các nhóm môi trường đã cảnh báo khoảng 300 tấn chì từ phần mái và tháp chuông của Nhà thờ Đức Bà đã bị tan chảy trong vụ hỏa hoạn, giải phóng một khối lượng bụi chì lớn, đe dọa sức khỏe của cư dân sống gần khu vực, đặc biệt là trẻ em.

Sau khi vụ cháy xảy ra, giới chức Pháp cảnh báo vụ cháy đã giải phóng ra các phân tử chì đang nằm lắng đọng ở mức nguy hiểm tại những khu vực xung quanh di tích lịch sử hơn 850 tuổi này. Thông báo của cảnh sát và cơ quan y tế khu vực cho biết đã phát hiện từ 10-20g chì/kg mẫu đất trong khi mức thông thường cho phép chỉ là 0,3g/kg mẫu đất. Kết quả kiểm tra tại trường tiểu học tư thục Ste-Catherine cho thấy 698 microgam chì trên một m2, cao gấp 10 lần so với mức độ được coi là nguy hiểm tiềm tàng (70 microgam).

Cuối tháng 7, Chính quyền Paris đã ra lệnh "làm sạch sâu" các trường học gần Nhà thờ Đức Bà do lo ngại nồng độ chì cao có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người dân và gây nguy hiểm cho các em nhỏ. Tuy nhiên, Arnaud Gauthier, một giới chức y tế cho hay động thái chỉ góp phần "trấn an" người dân về rủi ro tối thiểu. Các chuyên gia môi trường đánh giá biện pháp chống ô nhiễm từ vụ hỏa hoạn ở công trình 850 tuổi hiện "không chặt chẽ và không đầy đủ".

Báo cáo công bố vào cuối tháng 7 của trang web điều tra của Pháp Mediapart cho biết khoảng 1 tháng sau vụ cháy, chính quyền Paris mới tiến hành kiểm tra tại 10 trường học và nhà trẻ trong phạm vi 500 mét quanh tượng đài trên đảo Ile de la Cite ở trung tâm Paris. Phải tới ngày 25-7 vừa qua, chính quyền Paris mới yêu cầu đóng cửa hai trường học gần Nhà thờ Đức Bà, do lo ngại về vấn đề sức khỏe sau khi các kết quả xét nghiệm tại đây cho thấy mức độ ô nhiễm chì cao.

Các chuyên gia môi trường đánh giá biện pháp chống ô nhiễm chì sau vụ hỏa hoạn ở công trình 850 tuổi này "không chặt chẽ và không đầy đủ". Chì có thể ảnh hưởng tới thần kinh và thận của người hít phải, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ.

Tuy nhiên, nhà chức trách Pháp lại cho rằng tình trạng hiện tại không gây nguy hiểm cho người dân. Cơ quan Y tế Khu vực (ARS) ở Paris đã cảnh báo và kêu gọi trẻ em, phụ nữ mang thai sống gần khu vực Nhà thờ Đức Bà Paris nên xét nghiệm máu để kiểm tra có bị nhiễm chì hay không. Việc hít hoặc nuốt phải chì có thể dẫn đến các vấn đề tổn hại sức khỏe, bao gồm ảnh hưởng tới hệ thần kinh và sinh sản, đặc biệt đối với trẻ em.

Trước đó, Paris bị Tổ chức Hòa bình Xanh liệt vào danh sách thủ đô có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất ở Tây Âu trong năm 2018 với mật độ tập trung bụi mịn trong không khí cao hơn so với các thủ đô khác. Cơ quan Y tế Pháp cho biết tình trạng ô nhiễm không khí bị cho là nguyên nhân dẫn 48.000 ca chết non mỗi năm tại nước này.

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, từ ngày 1-7-2019, chính quyền  Paris đã cấm toàn bộ ôtô, xe tải và xe máy chạy dầu diesel có 13 năm sử dụng trở lên hoạt động tại khu vực trung tâm thành phố; nếu chủ sử dụng vi phạm, sẽ bị phạt 68 euro (khoảng 77 USD) đối với người lái xe máy, và 135 euro đối với người lái xe tải và xe buýt.

Việc người dân hoặc các tổ chức bảo vệ môi trường khởi kiện chính quyền vì ô nhiễm môi trường không phải là chuyện lạ ở Pháp. Mới đây, cuối tháng 5-2019, Tòa án hành chính Montreuil tại phía Đông thủ đô Paris đã đưa ra xét xử một vụ kiện, trong đó người dân cáo buộc chính quyền đã không có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn ô nhiễm môi trường, khiến sức khỏe của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Nguyên đơn trong vụ kiện là một người mẹ 52 tuổi và cô con gái 16 tuổi kiện chính quyền không có những biện pháp hiệu quả nhằm chống lại ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại thủ đô Paris vào cuối năm 2016 Các luật sư tư vấn pháp lý cho hai nguyên đơn biện luận rằng chính quyền Pháp đã không thiết lập các quy định, cũng như không áp dụng hết cả biện pháp trong khả năng của họ để có thể bảo vệ tốt hơn cho các cư dân sống trong vùng ô nhiễm.  Cùng với việc khởi kiện, hai người yêu cầu chính quyền bồi thường 160.000 euro (tương đương 179.000 USD).

Ngọc Trang (tổng hợp)
.
.
.