Chính trường Mỹ bắt đầu những "cuộc chiến"

Thứ Năm, 21/03/2019, 10:29
Ngày 15-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dùng phủ quyết lần đầu tiên của mình để chống lại một nỗ lực của Quốc hội nhằm vô hiệu hóa tuyên bố tình trạng khẩn cấp của ông về tình hình biên giới phía Nam.

Động thái này là một điểm nhấn nổi bật báo hiệu một cuộc chiến khốc liệt đã bắt đầu trên chính trường Mỹ, giữa phe Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện và phe Cộng hòa của Tổng thống, đang kiểm soát Thượng Viện.

Quốc hội và Tổng thống

Trước đó, ông Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về tình hình an ninh biên giới ở phía Nam, nhằm có thể tái phân bổ ngân sách đã được Quốc hội thông qua cho các mục đích khác để dùng bảo đảm an ninh biên giới, bao gồm việc xây bức tường ngăn cách với Mexico như ông đã hứa trong chiến dịch tranh cử.

Tuy nhiên, có tới 12 đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện đã chống lại ông Trump khi bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết ngăn chặn tuyên bố tình trạng khẩn cấp của Tổng thống. Điều này cho thấy có sự chia rẽ manh nha giữa Tổng thống Trump và chính đảng của ông. 

Tổng thống Donald Trump ký lệnh phủ quyết đạo luật của Quốc hội.

Theo một số nhà phân tích, các thượng nghị sĩ Cộng hòa không đồng tình với tuyên bố tình trạng khẩn cấp của Tổng thống là vì cuộc chiến bảo vệ Hiến Pháp và việc tách biệt quyền lực, chứ không phải vì vấn đề an ninh biên giới. 

“Tổng thống coi đó là cuộc bỏ phiếu về an ninh biên giới, và tôi có thể hiểu được quan điểm của ông. Nhưng theo quan điểm của tôi, đảng Cộng hòa bỏ phiếu phản đối ông lại không dựa trên an ninh biên giới, mà dựa trên vấn đề tách biệt của quyền lực”, Thượng nghị sĩ John Kennedy nói.

Đối với một số người, họ bỏ phiếu chống lại nghị quyết của đảng Dân chủ nhưng không hẳn đã đồng tình với Tổng thống. Thượng nghị sĩ Thom Tillis đã từng chỉ trích tuyên bố khẩn cấp của Tổng thống trong một bài viết trên Washington Post hồi tháng 2. 

Tuy nhiên, từ tuần trước, ông đã tìm cách thỏa thuận với Nhà Trắng về những cải cách đối với Đạo luật tình trạng khẩn cấp quốc gia. Cuối cùng, ông đã bỏ phiếu phản đối nghị quyết. Lý do là vì chiến dịch tái tranh cử vào năm tới. 

Đối với các thượng nghị sĩ mới đắc cử gần đây hoặc những người lo ngại về hậu quả chính trị ngay lập tức, họ lại dễ dàng đưa ra quyết định hơn. Ví dụ như Thượng nghị sĩ Susan Collins và Rand Paul, họ không hề lưỡng lự khi tuyên bố ủng hộ nghị quyết ngăn chặn Tuyên bố tình trạng khẩn cấp của Tổng thống.


Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, nghị sĩ Dân chủ Jerrold Nadler của New York.

Theo Politico, nếu như số người phản đối chỉ là 3 thôi thì tình hình có thể “cứu vãn được”. Khi đó, Phó Tổng thống Mike Pence (người đứng đầu Thượng viện) sẽ đóng vai trò là người làm tan băng và ngăn được việc Tổng thống Trump dùng quyền phủ quyết đầu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình. 

Phó Tổng thống Pence đã có cuộc gặp riêng các thượng nghị sĩ như Lamar Alexander, Pat Toomey, Rob Portman, Tillis và Mike Lee hôm 12-3, và dường như ban đầu ông cũng thờ ơ với việc thay đổi luật nhằm hạn chế quyền của Tổng thống. 

Tuy nhiên, Phó Tổng thống Pence đã phải để tâm hơn khi ông được thông báo rằng, thỏa thuận về việc sửa đổi đạo luật khẩn cấp quốc gia là giải pháp có thể đảm bảo nghị quyết ngăn chặn Tuyên bố khẩn cấp của Tổng thống sẽ không qua ải của Thượng viện.

Một số nhà bình luận lại cho rằng sở dĩ 12 thượng nghị sĩ Cộng hòa "nổi loạn" là vì họ không muốn tạo tiền lệ cho một Tổng thống lạm dụng quyền phủ quyết. Vì lo ngại các tổng thống đảng Dân chủ sau này cũng có thể làm như vậy.

Tấn công trên nhiều mặt trận

Nhưng nỗ lực chống lại tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia của Tổng thống Trump không phải là mặt trận duy nhất mà đảng Dân chủ đang khởi xướng. Hai tháng sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã chính thức bắt đầu cuộc “đảo chánh” không đổ máu, nhằm lật đổ ông Trump, một tổng thống đã được bầu một cách hợp pháp và hợp hiến bằng nhiều cuộc chiến trên nhiều mặt trận.

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện, nghị sĩ Dân chủ Jerrold Nadler của New York, đã ra lệnh truy đòi cả vạn trang tài liệu từ 81 tổ chức, quan chức chính quyền Trump, phụ tá và cố vấn của ông, gia đình ông và các doanh gia có quan hệ với ông. 

Theo nghị sĩ Nadler, những tài liệu này liên quan đến “việc Tổng thống Trump đã âm mưu cản trở công lý khi cách chức Giám đốc FBI James Comey, và những tội khác của Tổng thống Trump”.

Điều khá kỳ quặc là việc Ủy ban Tư pháp Hạ viện lại đòi cả vạn tài liệu từ 81 nguồn khác nhau khi tiến hành điều tra Tổng thống Trump “âm mưu cản trở công lý”. 

Bởi, điều này sẽ đồng nghĩa với giả định “âm mưu” của Tổng thống Trump cách chức Comey để cản không cho ông ta điều tra Trump thông đồng với Nga đã được thông báo hay ghi chú trên cả vạn trang tài liệu cho cả trăm người biết. 

Đây là giả định hết sức phi lý, vì nếu thực sự có một "âm mưu" như vậy, thì không đời nào ông Trump lại "dại dột" nói cho quá nhiều người biết. Và thực tế là Công tố viên đặc biệt Mueller đã điều tra suốt 2 năm nay mà chưa tìm thấy manh mối nào cả.

 Một điểm đáng chú ý khác là ý định truy tố “những khuyết điểm khác của Tổng thống Trump”. Tuyên bố này cho thấy quyết tâm của đảng Dân chủ là sẽ đi bới móc tất tần tật nhằm vạch lá tìm sâu, hy vọng tìm ra được bất cứ tội gì đó của ông Trump.

Cho đến nay, giới quan sát hầu như ít ai nghĩ những cuộc điều tra này sẽ lật đổ được Tổng thống Trump, cùng lắm sẽ được dùng  nhằm bôi bác, hạ thấp uy tín của Tổng thống Trump. 

Dù vậy, trong 2 năm tới, Tổng thống Trump nhiều khả năng sẽ bận tối tăm mặt mũi để đối phó với những cuộc truy lùng không ngừng nghỉ này. Và người dân Mỹ sẽ tốn nhiều tiền đóng thuế cho những cuộc điều tra phe phái này. 

Đây được xem là nỗ lực của phe Dân chủ nhằm hạ bệ Tổng thống Trump trong cuộc tài tranh cử năm 2020. Vì hiện nay, với những thành tích ấn tượng về kinh tế và đối ngoại, uy tín của ông Trump đang ngày càng tăng cả ở trong nước và quốc tế.

Bàng Cương
.
.
.