Chính trường Nga rúng động

Thứ Hai, 23/01/2017, 15:13
Báo Russia beyond the headlines ngày 19-12-2016 đã chọn các sự kiện sau để khẳng định chính trị nước Nga rúng động trong năm 2016


Nga can thiệp vào nội chiến Syria

Dù Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố hồi tháng 3-2016 rằng nhìn chung chiến dịch quân sự can thiệp vào nội chiến Syria (bắt đầu từ tháng 9-2015) đã hoàn tất, và ông ra lệnh rút một phần các đơn vị quân ở Syria, Nga tiếp tục tham gia vào cuộc nội chiến trong suốt năm qua. Sự hỗ trợ của Nga đã giúp chính phủ Tổng thống Bashar Assad chiếm lại được nhiều phần đất, gồm tỉnh Aleppo.

Nga cũng nỗ lực làm việc với Mỹ và các nước phương Tây, để tìm một giải pháp hòa bình mà cả phe nổi dậy lẫn chính phủ của Tổng thống Assad đều có thể chấp thuận. Ngày 27-2-2016, nhờ trung gian Mỹ - Nga, một lệnh ngưng bắn được ban hành và kéo dài nhiều tháng, nhưng đến tháng 7 thì một trận đánh lớn bùng nổ ở Aleppo và kéo dài đến hết năm.

Nga-Mỹ đều nỗ lực phục hồi tiến trình hòa bình, nhưng các cuộc thương lượng thất bại, chiến tranh tiếp tục. Cuối năm 2016, quân chính phủ chiếm lại được nhiều khu vực của Aleppo.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Hồi tháng 3, Nga giúp bộ binh Syria giải phóng thành phố cổ Palmyra từng bị quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) chiếm nhưng đến tháng 12, IS lại xâm nhập thành phố này.

Nỗ lực can thiệp của lãnh đạo Nga giúp ông Putin lần thứ tư liên tiếp được tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn là người quyền lực nhất thế giới. Tạp chí viết: “Tổng thống Nga đã vận dụng sức ảnh hưởng của nước Nga vào mọi ngóc ngách của thế giới. Từ quê nhà đến Syria, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ông Putin  có mọi thứ mà ông ấy muốn”.

Ông Putin được mô tả là một nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng tăng mạnh trong những năm gần đây. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ tân cử Donald Trump xếp thứ nhì sau ông Putin. Ông Trump được đánh giá là “miễn nhiễm với bê bối, được lưỡng viện Mỹ ủng hộ và tài sản riêng hàng tỉ USD”.

Tổng thống Mỹ mãn nhiệm Barack Obama năm 2015 xếp hạng nhì trong danh sách những người quyền lực nhất thế giới, năm 2016 xếp hạng 48. Hạng ba là nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel, một nhân vật quyền lực đối với kinh tế châu Âu trong 10 năm qua. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xếp hạng tư, Đức Giáo hoàng Francis xếp hạng năm. 

Nga hòa giải với Thổ Nhĩ Kỳ

Quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ (TNK) bắt đầu được cải thiện, sau khi Tổng thống TNK Recep Tayyip Erdogan xin lỗi ông Putin vào ngày 28-7, về chuyện TNK bắn rơi một chiến đấu cơ Nga hồi tháng 11-2015. Nga nối lại các chuyến bay thương mại đến TNK, xóa vài lệnh cấm vận kinh tế từng áp lên TNK sau sự cố trên. Du khách Nga trở lại TNK và hồi tháng 10, hai nước ký một thỏa thuận được chờ đợi từ lâu, về việc xây tuyến ống dẫn khí Turkish Stream.

Những tuyên bố cứng rắn từ Moscow nhắm vào Ankara cũng thay đổi đáng kể. Năm 2015, ông Putin gọi vụ máy bay Nga bị bắn rơi là “một nhát dao đâm sau lưng của bọn ủng hộ khủng bố”. Nhưng đến tháng 8-2016, ông khẳng định TNK là một quốc gia thân thiện mà Nga có “mối quan hệ hợp tác độc đáo”. Hai vị lãnh đạo gặp nhau 3 lần trong năm 2016, và người phát ngôn Điện Kremlin nói hai ông Putin - Erdogan lại có “mối quan hệ tin cậy lẫn nhau”.

Ngày 19-12-2016, xảy ra vụ một cảnh sát TNK bắn chết Đại sứ Nga Andrei Karlov đang phát biểu trong một cuộc triển lãm tranh tại Ankara. Tổng thống Putin tuyên bố vụ này là một cuộc khiêu khích nhằm phá quan hệ Nga - Thổ, và nhằm phá hoại nỗ lực Nga - Thổ - Iran tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria. Ông ra lệnh các sứ quán Nga trên toàn thế giới phải tăng cường cảnh giác, và ông muốn biết kẻ nào “cầm tay chỉ việc” cho tên ám sát vị đại sứ. Ông Putin khẳng định Nga sẽ phản ứng mạnh với vụ ám sát này, các nhà điều tra Nga sẽ đến giúp TNK điều tra.

Thể thao Nga bị cáo buộc lạm dụng thuốc kích thích

Chưa đầy một tháng trước khi khai mạc Olympic mùa hè 2016 ở Rio de Janeiro (Brazil), Ủy ban Phòng chống doping thế giới (WADA) đã công bố một báo cáo về nạn lạm dụng thuốc kích thích trong làng thể thao Nga. Báo cáo dựa trên những tuyên bố của một cựu quan chức thể thao nước này: Grigory Rodchenkov. 

Theo báo cáo, Cơ quan Phòng chống doping Nga đã phối hợp với Cơ quan An ninh liên bang (FSB) và Bộ Nội vụ Nga để phát hiện một chương trình doping tầm cỡ cho các nhà thể thao Nga tham dự Olympic mùa hè London 2012 và Olympic mùa đông Sochi 2014 ở Sochi (Nga).

Chính phủ Nga liên tục phủ nhận tai tiếng doping, nhưng Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) nhận định báo cáo trên nghiêm trọng, tính chuyện cấm các nhà thể thao Nga dự Olympic 2016. Cuối cùng, chỉ một số vận động viên Nga được tranh tài, nhưng tai tiếng trên chưa dứt hẳn. Đến cuối năm, WADA công bố phần 2 báo cáo, cho biết hơn 1.000 vận động viên Nga đã tham gia chương trình doping do nhà nước tài trợ. Nay, các liên đoàn thể thao quốc tế và IOC phải tính các biện pháp kỷ luật thể thao Nga và các vận động viên nước này.

Quan hệ căng thẳng Nga - Mỹ

Nửa đầu năm 2016, quan hệ Nga - Mỹ lúc êm ả lúc lại căng thẳng. Hai nước liên tục bất đồng về nội chiến Syria, Nga cáo buộc Mỹ “chống lưng” bọn khủng bố, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ nói Nga đánh dân thường để bảo vệ Tổng thống Syria.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đem lại những thay đổi khác cho quan hệ Nga - Mỹ. Trong cuộc vận động tranh cử, tỉ phú Donald Trump nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ thân thiện giữa Mỹ với Nga. Donald Trump cũng luôn khẳng định rằng ông tôn trọng ông Putin là một lãnh đạo mạnh mẽ.

Trong khi đó, các quan chức Chính phủ Mỹ cáo buộc Nga can thiệp vào kết quả bầu cử - để giúp ông Trump trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng kể từ ngày 20-1-2017 - bằng cách tin tặc xâm nhập các máy chủ của đảng Dân chủ và “xì” thông tin riêng tư. Nga bác bỏ những cáo buộc này.

Alexei Ulyukaev bị bắt vì tham nhũng

Vài năm gần đây, nhiều thứ trưởng và thị trưởng, lãnh đạo vùng bị bắt vì những cáo buộc tham nhũng. Nhưng năm 2016, lần đầu tiên trong lịch sử Liên bang Nga có một Bộ trưởng đương nhiệm bị chính thức cáo buộc tham nhũng. 

Ông Alexey Ulyukaev.
Ngày 14-11-2016, Bộ trưởng Phát triển kinh tế Alexei Ulyukaev bị bắt vì nhận 2 triệu USD tiền hối lộ từ Công ty dầu khí Rosneft. Ông ta sẽ mừng Năm mới 2017 trong cảnh bị quản thúc tại gia, chờ ngày hầu tòa, không được phép tiếp xúc với báo chí.
Vĩnh Thụy (theo Russia beyond the headlines)
.
.
.