Chống cướp trong thang máy

Thứ Hai, 14/03/2016, 14:31
Bảo rằng ra đường phải cẩn thận đề phòng trộm cướp đã đành, chứ đã vào thang máy để lên nhà mình trong khu chung cư thì còn gì phải lo lắng. Đó có thể là suy nghĩ của nhiều người và chính là điều mà bọn tội phạm đang tận dụng để có những "cú nhảy" hoàn hảo.


Cướp và cướp giật trong thang máy đã xảy ra ở nhiều nước. Gần đây, nó không còn là điều gì xa xôi với những cao ốc, chung cư nhiều tầng tại Việt Nam. "Mồi" mà những tên cướp hướng đến là những phụ nữ đi một mình vào trong thang máy, tại những giờ "thấp điểm" có ít người sử dụng thang máy.

Thủ đoạn nguy hiểm

Quá trình đô thị hoá với tốc độ "chóng mặt" đang diễn ra trong cả nước, với sự xuất hiện của các cao ốc "chọc trời" làm văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại. Những tòa chung cư vài chục tầng cũng đã mọc lên hoặc đang trong cuộc "đua chen" vươn tới cao xanh tại các thành phố lớn.

Những vụ cướp trong thang máy do camera ghi lại.

Ông Bùi Quang Huy (kiến trúc sư ở Tổng Công ty Xây dựng Hà Thành) cho biết: "Trong các kiến trúc cao tầng thì hệ thống thang máy là phương tiện thiết yếu để phục vụ nhu cầu di chuyển của con người. Bởi vì không ai đủ sức leo bộ vài chục tầng để đến nơi cần đến, nên sự lệ thuộc vào thang máy là tất yếu.

Bên cạnh những tiện ích mà thang máy mang lại cho đời sống thì hệ thống thiết bị này cũng tiềm ẩn những rủi ro như tai nạn (rơi thang) hay sự cố kỹ thuật (kẹt thang, mất điện, chập cháy...). Ngoài ra, theo chúng tôi biết, hiện nay tại Việt Nam đã xuất hiện một nguy cơ khá nghiêm trọng khác, đến từ con người - đó là những hành vi phạm tội thực hiện trong thang máy.

Thời tôi còn du học ở Mỹ, chuyện người dân di chuyển bằng thang máy trong các cao ốc bị những toán cướp trấn lột tài sản đã xảy ra. Bây giờ đọc báo hoặc xem các đoạn clip cắt ra từ băng camera an ninh trong thang máy đăng trên kênh Youtube, thấy thủ đoạn này đã xuất hiện ở TP Hồ Chí Minh và một số nơi khác.

Ở Hà Nội cũng đã xảy ra. Kẻ cướp thường nhằm tới những phụ nữ đi một mình vào trong buồng thang, ở những giờ "thấp điểm" - nghĩa là có ít người ra vào tòa nhà. Những vụ cướp ấy thường là thành công, vì nạn nhân ở trong không gian hẹp, không có bất kỳ sự trợ giúp nào từ bên ngoài, lại đang hoảng loạn khi bất ngờ phải đối diện với những tên cướp hung hãn, có vũ khí trong tay.

Họ chỉ còn cách ngoan ngoãn trao túi xách, điện thoại cho chúng để bảo toàn tính mạng. Cũng có vụ nạn nhân chống trả và bị bọn cướp đánh đập không thương tiếc. Xem xong tôi rất lo chuyện này có thể xảy ra với vợ con mình, nên cũng dặn dò họ phải cẩn thận kể cả khi đã đứng trong thang máy để lên nhà mình.

Nhưng cũng chỉ biết dặn thế thôi, chứ tìm kiếm trên mạng chưa thấy có bất kỳ lời khuyên nào của các chuyên gia hay ngành chức năng để giúp người dân có cách ứng xử khôn ngoan trong tình huống đối mặt với cướp ngay trong thang máy".

Thượng úy Nguyễn Tuấn Anh (Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội) phân tích: "Thủ đoạn cướp trong thang máy đã xuất hiện tại nhiều nước, nhưng ở Việt Nam thì vẫn là mới và xảy ra chưa nhiều, nên đến nay chưa có nghiên cứu đánh giá nào về nó, để đưa ra các giải pháp phòng chống. Tuy nhiên, nếu tội phạm đã gây án thành công 1 vụ, chúng sẽ làm tiếp vì cảm thấy "ngon ăn".

Do đó, việc nghiên cứu những thủ đoạn gây án và cảnh báo sớm, xây dựng các giải pháp phòng ngừa xã hội (trang bị kiến thức tự phòng ngừa tội phạm cho người dân)… là điều hết sức cần thiết, tránh tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng".

Nghiên cứu những vụ cướp đã xảy ra trong thang máy được cư dân mạng post lên trang Youtube, thấy phương thức gây án của bọn tội phạm có thể là bịt mặt và tấn công ngay bằng vũ lực, hoặc đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực làm nạn nhân hoảng sợ để chiếm đoạt tài sản. Có vụ thì chúng nhanh chóng giằng giật lấy đồ vật như túi xách, điện thoại của nạn nhân rồi bỏ chạy khi thang đã mở ra.

Những hành vi trên đây cấu thành tội cướp hoặc cướp giật tài sản. Để gây án được trong thang máy, các nhóm tội phạm thường có từ 2 tên trở lên. Chúng phân chia vai trò, nhiệm vụ của từng đứa. Chẳng hạn như  1 tên đứng ở tầng 1, gần cửa thang máy để quan sát, đón "mồi". Khi thấy có người (chủ yếu là phụ nữ, có tài sản) đi một mình vào trong thang máy, y sẽ gọi điện báo cho những tên khác đã đón sẵn ở tầng trên.

Võ sư Trịnh Hồng Minh.

Bọn này cũng sẽ nhấn nút mở thang để vào cùng, tại đây chúng thực hiện hành vi cướp hoặc cướp giật. Cũng có thể chúng nhập vai khách đi lại trong tòa nhà, đứng đợi thang với nạn nhân để cùng bước vào buồng thang. Thời điểm gây án theo quan sát của chúng tôi, có thể vào lúc cửa thang đã mở để nạn nhân ra ngoài (chúng nhanh chóng giật đồ, đẩy bị hại ra ngoài rồi bấm đóng cửa lại).

Nếu chúng là người ra trước thì sẽ giật đồ khi cửa thang chuẩn bị mở). Với những vụ dùng dao, súng khống chế hay tấn công nạn nhân để lấy tài sản thì việc này thường diễn ra trong quá trình thang di chuyển".

Vẫn theo trinh sát này, khi gây án trong thang máy, kẻ phạm tội có những lợi thế hơn hẳn nạn nhân. Trước hết, đó là sự chủ động. Trước khi ra tay, chúng thường khảo sát rất kỹ về quy luật sử dụng thang máy của người trong tòa nhà, thường chọn thời điểm có ít người sử dụng như đêm khuya hoặc những giờ thấp điểm, tòa nhà ít người ra vào. Nạn nhân thường không ngờ người đi cùng mình lại chính là tên cướp nên không đề phòng và bị bất ngờ khi án xảy ra.

Yếu tố hơn hẳn nữa là về tương quan lực lượng. Bọn tội phạm thường đi từ 2 tên trở lên. Có nhóm đông hơn. Để uy hiếp nạn nhân hoặc để chống trả khi bị truy đuổi, bắt giữ, chúng thường mang theo hung khí như dao nhọn, súng, dùi cui điện…

Trong khi nạn nhân thường là đi  một mình không có phương tiện phòng thân và không hề có sự trợ giúp nào từ bên ngoài. Về tâm lý, các đối tượng rất quyết liệt trong việc chiếm đoạt tài sản. Trong khi đó, nạn nhân thường bị mất bình tĩnh hoặc lâm vào tình trạng bối rối, hoảng loạn ngay lập tức, khi chợt nhận ra mình đang đứng cạnh tên cướp. Thậm chí, có người bị đánh phủ đầu nên gây choáng váng, mất khả năng kháng cự.

Phòng và chống

Võ sư Trịnh Hồng Minh (Giám đốc Trung tâm đào tạo Thăng Long) là một chuyên gia giàu kinh nghiệm về xử lý tình huống. Trao đổi với PV Chuyên đề CSTC, ông tư vấn: "Theo quan sát của chúng tôi, mọi người có thể rất cẩn thận khi đi trên đường. Còn lúc đã bước vào thang máy để lên nhà thì ý thức cảnh giác phòng gian lại xuống mức thấp nhất.

Một vụ tấn công trong thang máy.

Nhiều người (nhất là các cô gái) bước vào trong buồng thang là chúi mũi vào chiếc điện thoại, không chịu quan sát những người xung quanh, nên khi kẻ đồng hành bất ngờ lộ nguyên hình là tên cướp, họ sẽ rơi vào trạng thái hoảng loạn, bủn rủn chân tay và có những phản ứng thiếu kiểm soát.

Theo tôi, khi ở trong thang máy một mình với những nam giới lạ mặt thì người dân cần cảnh giác, đề phòng bằng cách quan sát người cùng đi và số tầng mà họ đã chọn. Nếu họ có những dấu hiệu nghi vấn (như dáng vẻ, thái độ…), hay có linh cảm chẳng lành, hãy bấm chọn liên tục các tầng, để cứ qua mỗi tầng cửa thang đều mở.

Điều này sẽ khiến bọn tội phạm chột dạ mà chùn tay, vì chúng cũng sợ có người khác bước vào trong thang. Tiếp đến, cần cẩn trọng với đồ vật của mình đang mang trên người. Thứ có giá trị hãy cất vào trong túi quần, áo (vì túi xách thường là thứ chúng nhắm tới). Giấu túi ra sau lưng, áp vào thành thang máy. Nếu có vật gì để tự vệ để trong túi xách, như bình xịt cay, kéo, dũa gọt móng tay… hãy lấy ra và giấu vào túi áo để tiện rút ra khi cần.

Đặc biệt cảnh giác khi mình ra khỏi thang hoặc người cùng đi ra khỏi thang, hãy ôm giữ đồ ở vị trí khó giật nhất. Trường hợp xấu nhất là kẻ đồng hành đã rút dao ra khống chế, bắt đưa tài sản thì hãy hít thở sâu vài lần để lấy lại bình tĩnh, quan sát đối tượng để ghi nhớ đặc điểm nhận dạng của chúng (như độ tuổi, giọng nói, chiều cao, quần áo, giày dép mũ, các đặc điểm dị hình trên khuôn mặt… để trình báo sau này), rồi ngoan ngoãn đưa tài sản.

Vì sự an toàn về tính mạng, sức khỏe mới là ưu tiên số 1, đừng vì luyến tiếc tài sản mà ứng xử manh động, giằng giật với đối tượng… dễ dẫn tới hậu quả thảm khốc. Hãy tỏ ra sợ sệt hoặc van xin tha mạng. Ngay khi an toàn, đối tượng rời đi, nạn nhân cần trình báo bảo vệ tòa nhà, gọi 113 hoặc hô hoán để những người xung quanh biết, phối hợp truy đuổi và phong tỏa tòa nhà.

Với người có võ thì chỉ tấn công lại khi chắc thắng, chỉ đánh lại khi đối tượng sơ hở. Khi giơ tay nhận đồ hoặc đã lấy được đồ thì cửa thang mở ra, tên cướp sẽ có xu hướng chủ quan và muốn tẩu thoát ngay. Đây chính là lúc y bộc lộ sơ hở mà nạn nhân có thể lợi dụng. Cần ra đòn nhanh, mạnh, dứt khoát vào cẳng chân (ống đồng), bộ hạ, vùng mặt, cổ…

Khi tên cướp đã choáng váng vẫn phải đánh ồ ạt cho đến khi y mất hẳn khả năng kháng cự. Tuyệt đối không xông vào ôm vật nếu con dao vẫn trong tay tên cướp. Nếu y đã văng dao thì nên nhặt ngay để có vũ khí tự vệ. Sau khi tên cướp gục xuống, cần nhanh tay bấm mở cửa, giật lại đồ rồi thoát ra ngoài, cho dù chưa đến tầng của mình. Theo tôi, mọi người nên tham gia các khóa tập võ thuật tự vệ và mang theo người những phương tiện phòng thân hợp pháp". 

Đào Trung Hiếu
.
.
.